Già néo... đứt dây
(Cadn.com.vn) - Mặc dù đã được Hội đồng Trưởng lão Afghanistan – cánh cửa khó nhằn nhất – thông qua, nhưng đường đến một “cái kết có hậu” cho Thỏa thuận An ninh Song phương (BSA), văn kiện quản lý việc Mỹ rút quân khỏi quốc gia Nam Á vẫn rất gập ghềnh.
Cái khó nằm ở Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, người hôm 26-11 tuyên bố không vội vã ký thỏa thuận và còn đề xuất những điều kiện mới để ký kết BSA. Mặc dù tuyên bố ủng hộ quyết định của Hội đồng Trưởng lão, song Tổng thống Karzai tuyên bố vẫn cần những “điều kiện cần và đủ” để tiến đến ký kết thỏa thuận tranh cãi này.
Cụ thể, ông Karzai cho biết, Mỹ cần mang lại hòa bình cho Afghanistan trước khi ông ký BSA, qua đó tạo điều kiện cho Washington sẽ duy trì binh sĩ tại nước này sau năm 2014. Theo ông, nếu không có hòa bình, thỏa thuận này sẽ mang lại bất hạnh cho Afghanistan.
Theo đó, nhà lãnh đạo Afghanistan thẳng thừng tuyên bố sẽ không ký BSA cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra trong tháng 4-2014 và trước khi hòa bình được thiết lập tại quốc gia này. Tại Kabul, phát ngôn viên của Tổng thống Karzai cho biết, nhà lãnh đạo này muốn Mỹ chấm dứt tất cả các hoạt động quân sự nhằm vào nhà cửa của dân thường và cho hồi hương các công dân Afghanistan bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo trước khi ký BSA.
Nhưng xem ra, những điều kiện này là quá khó, nhất là “điều kiện hòa bình” khi Afghanistan liên tục chứng kiến những vụ đánh bom đẫm máu cùng với hoạt động nổi lên của nhóm Tabilan. Rõ ràng, trong khi Mỹ hết mình cho BSA thì Afghanistan lại tỏ ra làm eo, dù rằng một thỏa thuận cuối cùng đều được cho là tốt cho cả hai.
Vì thế, Washington tuyên bố không thể chờ tới sau cuộc bầu cử năm 2014 ở Afghanistan để ký một hiệp định an ninh và nếu không có hiệp định này, Mỹ có thể phải tính đến kế hoạch không bố trí quân ở Afghanistan sau năm 2014.
Để chứng tỏ thiện chí của mình, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice tới Afghanistan gặp giới chức sở tại, bao gồm Tổng thống Hamid Karzai.
Bà Rice cũng đi thăm binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại chiến trường Tây Nam Á trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình Rice trên cương vị cố vấn an ninh của Tổng thống Obama để thuyết phục ông Karzai không nghi ngờ về tương lai của quân Mỹ và Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) tại Afghanistan do NATO chỉ huy.
Thiết nghĩ, khi BSA được cho là “lợi cả đôi đường”, Afghanistan nên tiết chế hơn một chút để có thể hợp lòng nhau, nếu không để già néo thì đứt dây mất thôi. Vì nếu Kabul không ký ngay thỏa thuận này, Washington sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lên kế hoạch cho thời gian sau năm 2014 mà ở đó sẽ không còn quân của Mỹ hay của NATO hiện diện ở Afghanistan.
Thanh Văn