Giã từ ảo mộng xứ người

Thứ tư, 21/10/2015 12:10

(Cadn.com.vn) - Thời gian từ đầu năm 2015, trên địa bàn xã Ya Ly (H. Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) mọi người trong các thôn xầm xì to nhỏ, bàn tán chuyện vượt biên ra nước ngoài làm ăn sẽ kiếm được nhiều tiền. Từ tin “mỗi tháng làm việc ở nước ngoài sẽ có mức thu nhập từ 50-60 triệu đồng tiền Việt Nam”, một đồn mười, mười đồn trăm, thanh niên trai tráng trong làng tưởng thật, vay mượn, bán nương rẫy ra đi. Không lâu sau,  ảo mộng “làm giàu xứ người” tan tành.

Ảo mộng

Khoảng tháng 3-2015, những thanh niên trong xã  Ya Ly gồm A Dương, A Phới- (trú làng Chờ), A Bỹ, A Thai, A Thuyết, A Nuk (trú làng Chứ), A Tân, A Ânh (trú làng Tum) đã gặp A Ngo (trú làng Trang, xã Ya Xiêr) và A Ngo bảo với những người này rằng: “Nếu muốn đi làm ăn ở nước ngoài thì về chuẩn bị tiền, khoảng 20-30 triệu đồng cầm theo, sẽ có người đón”...

Những người này về nhà chuẩn bị đồ dùng cá nhân, bán bò, bán đất, vay mượn... A Dương bán 8 sào cây bời lời được 35 triệu đồng, chỉ để lại cho vợ con 5 triệu đồng, còn mình cầm theo 30 triệu đồng. A Phới đi vay mượn 10 triệu đồng, vét hết của nải trong nhà còn 6 triệu đồng cầm đi theo luôn, không để lại cho vợ con đồng nào cả.

Nhóm đầu tiên gồm A Ngo, A Dương, A Thai, A Nuk và A Ânh đi trước. Khi đi A Thai mang theo 30 triệu đồng; A Nuk mang theo 30 triệu đồng và A Ânh mang theo 31 triệu đồng, A Dương mang theo 30 triệu đồng. Nhóm thứ hai gồm A Phới, A Bỹ, A Thuyết, A Tân, A Ngãi (anh của A Ngo) đi sau đó khoảng một tháng. Khi đi A Phới mang theo 16 triệu đồng, A Tân mang theo 30 triệu đồng, A Bỹ mang theo 30 triệu đồng, A Thuyết mang theo 25 triệu đồng...

Khoảng 1 tuần sau khi gặp A Ngo, theo lời dặn dò của A Ngo, những thanh niên của các nhóm vượt biên trái phép ra thị trấn Sa Thầy đón xe đò về TP  Kon Tum để đón xe đò về Đà Nẵng, vào TPHCM, đón xe về cửa khẩu Tây Ninh để vượt biên sang Campuchia. Tại Campuchia, một người tên là Hậu đã đón sẵn và thu mỗi người từ 10 triệu đồng (nếu có giấy thông hành) 20 triệu đồng ( không có giấy thông hành), gọi là “chi phí” đi lại và ăn ở... Sau khi đến Bangkok (Thái Lan), Hậu đưa mọi người vào ở trong một nhà trọ chật chội, “giao” cho A Ga (đối tượng ở Sa Thầy vượt biên trước đó) “quản lý”, rồi biến mất tăm...

Những tháng ngày ở tại đất Thái Lan là chuỗi ngày gian nan, cực nhọc đối với họ. Họ đã tiêu hết số tiền ít ỏi còn giữ lại sau khi nộp cho Hậu, còn “việc làm” như mấy kẻ lôi kéo, rủ rê đã hứa thì không thấy đâu. Họ lại lâm vào cảnh thiếu đói; thậm chí có những ngày phải ăn mì tôm thay cơm, có ngày chỉ ăn mỗi bữa mì... Một phần nữa là do vượt biên trái phép nên họ phải sống lén lút, tránh sự kiểm soát của Cảnh sát Thái Lan; ngôn ngữ bất đồng khi giao tiếp... nên cuộc sống của họ nơi đây lâm vào cảnh bi đát.

Phải tự kiếm sống thôi, không thể chờ được nữa. Thông qua những kiều bào Việt Nam sinh sống ở đây giúp đỡ, họ cũng tự tìm được một số việc làm để kiếm tiền. A Phới cho biết: “Với mức thuê 200-250 ngàn đồng/ngày, nhưng mình phải làm việc liên tục, không được nghỉ ngày nào. Nếu mình lỡ bị đau ốm nghỉ một ngày thì coi như mất việc luôn”, A Phới nhớ lại.

A Dương kể lại cuộc hành trình đầy nan gian của mình bên miền “đất hứa”.

Tỉnh ngộ

Chúng tôi gặp A Phới tại nhà riêng tại làng Chờ, xã Ya Ly. Không nén được xúc động, A Phới nói luôn một hơi dài: “Ở bên đó mình chỉ được đi làm có 2 ngày. Sau đó không có việc làm và mình lại bị ốm một tuần, không ai chăm sóc, chỉ có thằng A Bỹ là nó không bỏ mình thôi, vì mình với nó thân nhau lắm. May mà A Bỹ còn giữ lại ít tiền phòng thân, nên A Phới và A Bỹ mới trốn bọn người A Ngo, A Ga để trở về lại Việt Nam vào ngày 28-5”...

Trước khi đi, A Phới vay “nóng” những người trong làng 10 triệu đồng với lãi suất 50%/năm, nên bây giờ A Phới phải lo làm để trả nợ. A Dương thì cho biết, khoản tiền mang theo hai phần thì nộp cho Hậu, còn lại một phần đã tiêu hết nên phải điện về nhà gửi tiền để về. Vợ con A Dương phải bán gấp 1 con bò 18 triệu đồng để gửi cho A Dương.

A Chớ- Phó CAX Ya Ly phân tích: “Những người vượt biên trái phép này muốn trở về lâu rồi, nhưng bọn người A Ga, A Ngo bảo rằng nếu về sẽ bị CA bỏ tù, nên có người cũng tỏ ra sợ hãi và điện về hỏi tôi. Tôi nói với họ rằng các em về đi, không ai bỏ tù các em cả, anh đứng ra cam đoan điều đó. Vậy là mọi người nghe theo và trốn về lại Việt Nam”.

Chị Y Loan và A Phới – không giấu nổi niềm vui khi tiếp đoàn công tác
của CAH trong căn nhà của mình.

Tha thứ

Điều mà những người vượt biên trái phép không thể ngờ tới là cứ tưởng khi về Việt Nam sẽ bị chính quyền “làm khó”. Nhưng thực tế, từ khi họ về đến nay các đoàn thể, chính quyền đều tổ chức đến thăm hỏi, động viên họ an tâm tư tưởng, lo làm ăn, thậm chí còn tạo mọi điều kiện để cho họ sớm trở lại cuộc sống bình thường. Chủ tịch UBND xã Ya Ly Phạm Văn Đem nhận xét: “Từ ngày ở nước ngoài trở về, những người này đã tỉnh ngộ và nhận ra bộ mặt thật của những kẻ xấu đã dụ dỗ, lôi kéo họ trốn ra nước ngoài. Hiện tại, tất cả những người này đều chăm chỉ làm ăn, lao động sản xuất để lo cuộc sống cho gia đình, một phần là lo làm trả khoản nợ đã vay mượn để vượt biên, khắc phục những khó khăn mà mình đã gây ra cho gia đình. Xã cũng thường xuyên quan tâm đến thăm hỏi, động viên và tạo mọi điều kiện để cho họ an tâm lao động sản xuất, xóa đi mặc cảm lỗi lầm để sớm trở lại cuộc sống bình thường”.

Đánh giá về công tác nắm tình hình và ngăn chặn người DTTS vượt biên trái phép trên địa bàn huyện, Thượng tá Nguyễn Đức Thuyết- Phó trưởng CAH Sa Thầy cho biết: Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn huyện có 21 người DTTS vượt biên trái phép ra nước nước ngoài. Hiện tại đã có 13 người trở về nhà. Số còn lại chưa về được có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là do không có tiền để trở về. Những người trở về đã được kịp thời động viên, tạo mọi điều kiện để họ an tâm lao động sản xuất. Ngoài ra, họ còn vận động bà con, dân làng không nên nghe lời xúi giục vượt biên trái phép, kết hợp với vận động, tuyên truyền của chính quyền, đoàn thể... nên tình trạng người DTTS vượt biên trái phép đã giảm hẳn”.

Chia tay với gia đình A Dương, A Phới trong cái nắm tay siết chặt cùng với nụ cười rạng rỡ trên môi, chúng tôi tin rằng, với họ, những ngày đen tối qua đi và có thêm một bài học đắt giá cho sự mê muội của mình. Họ sẽ tự tin hơn, cùng với gia đình, xóm làng tạo dựng một cuộc sống no đủ trên chính mảnh đất mà họ đã cất tiếng khóc chào đời...

Dương Đức Nhuận