Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh: Khó khăn kép

Thứ hai, 31/05/2021 14:27

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ tư khiến cho công ăn việc làm, cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Không chỉ có thế, từ đầu năm đến nay, giá vật liệu xây dựng (VLXD), đặc biệt là giá thép trên thị trường tăng phi mã càng làm cho người dân và doanh nghiệp thêm lao đao.

Giá VLXD, đặc biệt là giá thép tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xây lắp bị thiệt hại. Trong ảnh: Thi công xây dựng hạng mục cầu qua sông Cổ Cò (TP Đà Nẵng).

"Bấm bụng" làm tiếp hoặc gác lại việc xây nhà ở

Anh Trần Văn Châu, ở P.Xuân Hà (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng), bộc bạch:  "Tháng 4-2021 vừa qua, tôi khởi công xây dựng nhà ở cũng là thời điểm giá thép tăng cao. Đến nay, sau hơn 1 tháng thi công, giá thép vẫn trên đà tăng mạnh, chưa có dấu hiệu chững lại nên tôi rất lo lắng". Không chỉ có thép, các loại VLXD khác như: cát, đá, gạch, dây điện, v.v… cũng tăng mạnh khiến cho chi phí xây dựng nhà ở của người dân đội lên đáng kể. "Ban đầu, tôi tính toán xây dựng ngôi nhà 3 tầng, diện tích 100m2/sàn của gia đình dự kiến khoảng 2 tỷ đồng, nay sẽ phát sinh thêm vài trăm triệu đồng do giá VLXD tăng, nhất là giá thép tăng phi mã. Chắc phải vay mượn thêm tiền của người thân, bạn bè mới đủ làm nhà được" - anh Châu cho biết.

Theo phản ánh của nhiều người dân, dù giá VLXD tăng mạnh khiến cho chi phí xây dựng nhà ở tăng lên nhưng họ vẫn phải "bấm bụng" xây tiếp, không thể dừng lại vì đã bọc móng nhà, đổ mê (đổ bê-tông sàn nhà) tầng một rồi. Hơn nữa, việc làm nhà ở đối với nhiều hộ gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần thiết nên phần lớn họ vẫn quyết tâm làm nhà tiếp, chấp nhận chịu phát sinh thêm một khoản chi phí xây dựng. Nhưng cũng có một số trường hợp dù đã có kế hoạch xây dựng nhà ở từ trước hoặc coi được ngày tốt để khởi công làm nhà nhưng đành gác lại do giá VLXD, nhất là giá thép tăng đội la-phông. Chị Ngô Thị Kim Chi, ở P.An Hải Đông (Q.Sơn Trà), chia sẻ: "Tôi đã chọn được ngày lành để làm nhà ở vào đầu tháng 5 âm lịch tới nhưng do giá VLXD tăng cao, nhất là giá thép tăng hơn gấp rưỡi và gần gấp đôi rồi nên tôi quyết định gác lại việc xây nhà. Đọc tin tức thấy dự báo, giá thép còn tăng nữa đến tận cuối năm nay, chắc tôi sẽ dời việc làm nhà ở sang năm sau".

Bù lỗ chi phí xây dựng công trình

Qua tìm hiểu tại nhiều công trình đang được xây dựng trên địa bàn TP Đà Nẵng, chúng tôi được biết, đa phần các công trình được ký hợp đồng thầu và khởi công xây dựng từ những năm 2019-2020, lúc đó, giá thép chỉ khoảng 11 - 12 triệu đồng/tấn nhưng hiện tại, giá đã lên đến 17 - 18 triệu đồng/tấn, thậm chí có thời điểm lên đến hơn 19 triệu đồng/tấn khiến cho doanh nghiệp xây lắp, nhà thầu xây dựng như "ngồi trên đống lửa". Mặc dù giá VLXD, đặc biệt là giá thép tăng từng ngày nhưng nhiều doanh nghiệp xây lắp, nhà thầu xây dựng không thể dãn hoặc hoãn tiến độ xây dựng công trình do đã cam kết hoàn thành và bàn giao công trình như đã ký kết tại hợp đồng thầu trước đó, nếu để chậm trễ sẽ bị chủ đầu tư xử phạt nặng càng thêm thiệt hại, lại mất uy tín, thương hiệu.

Ông Vương Hữu Tươi, Giám đốc Cty CP Xây dựng Bảy Sao Vàng, cho biết: Đối với các công trình xây dựng, chi phí phát sinh chủ yếu do giá VLXD, nhất là giá thép, cát, đá, v.v… tăng cao. Với các công trình không sử dụng vốn Nhà nước, phần lớn, hợp đồng xây lắp giữa chủ đầu tư và nhà thầu đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định, không điều chỉnh nên trong quá trình xây dựng nếu chi phí xây lắp tăng lên do giá VLXD tăng cao thì việc thỏa thuận, thương lượng để điều chỉnh mức giá cho phù hợp với tình hình thực tế hầu như khó có thể thực hiện. Vì vậy, nhà thầu phải chịu các khoản chi phí phát sinh trong xây dựng. Tình hình này đặt các nhà thầu đứng trước nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản nếu giá VLXD tiếp tục tăng cao. "Để giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp xây lắp do giá VLXD tăng cao, các biện pháp khả thi nhất đối với các nhà thầu là gấp rút thi công, sớm hoàn thiện và bàn giao công trình đang xây dựng dở dang; tạm thời dừng thi công đối với các dự án, công trình mới; đề xuất chủ đầu tư xem xét, điều chỉnh đơn giá thi công theo mức tăng thực tế…" - ông Vương Hữu Tươi chia sẻ thêm.

Đối với các công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, hợp đồng xây lắp được ký kết có điều chỉnh giá nhưng cũng không tránh khỏi lao đao do giá VLXD tăng phi mã. Ông Đào Quang Huy, Phó Giám đốc Cty CP Xuân Quang (doanh nghiệp này đang thi công 2 công trình tại TP Đà Nẵng gồm Dự án cầu - đường qua sông Cổ Cò và Dự án cải tạo Cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý), cho biết: Vật liệu thép chiếm tỷ trọng lớn trong kết cấu khối lượng công trình xây dựng, đặc biệt là đối với công trình cầu chiếm đến 30 - 35%. Dù được điều chỉnh giá khi có biến động tăng giá VLXD nói chung, giá thép nói riêng nhưng chỉ được điều chỉnh theo chỉ số tăng giá do Nhà nước ban hành chứ không được điều chỉnh theo giá thực tế trên thị trường nên với đà tăng giá VLXD, nhất là giá thép như hiện nay, Cty CP Xuân Quang sẽ phải bù lỗ rất nhiều khi thi công 2 công trình cầu - đường qua sông Cổ Cò và cải tạo Cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.

"Hiện chúng tôi đang cân nhắc làm văn bản đề nghị chủ đầu tư 2 công trình này quan tâm, xem xét cho điều chỉnh đơn giá thép theo giá thị trường để chia sẻ và hỗ trợ thiệt hại cho chúng tôi" - ông Đào Quang Huy cho biết.

PHÚ NAM