Giấc mơ cải cách của Thủ tướng Malaysia đang xa dần

Thứ năm, 21/11/2019 14:17

Thất bại trong cuộc bầu cử gần đây và gia tăng những tín hiệu bất đồng nội bộ trong liên minh cầm quyền Pakatan Harapan (PH) đang khiến những kế hoạch cải cách đất nước của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trở nên mờ dần.

Các cử tri Malaysia xếp hàng bỏ phiếu.   Ảnh: AFP

Liên minh cầm quyền PH đang quay cuồng vì để thua trong cuộc bầu cử gần đây khi các cử tri đã lựa chọn phe đối lập Mặt trận Quốc gia (BN) của cựu Thủ tướng Najib Razak, người đã để thua trong cuộc bầu cử hồi tháng 5-2018 sau nhiều thập kỷ cầm quyền. Bị sa lầy bởi những đấu đá phe phái và sự không chắc chắn trong kế hoạch chọn lãnh đạo kế nhiệm, chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohamad ngày càng bị coi là lạc hậu trong các cải cách đã từng được hứa hẹn nhằm thúc đẩy tính toàn diện và dân chủ.

Các nhà phê bình thậm chí đã coi cuộc bầu cử vào cuối tuần qua được tổ chức tại bang Johor, phía nam Malaysia là một cuộc trưng cầu dân ý về vị thủ tướng 94 tuổi này. Trong khi những người theo dõi chính trị không mong đợi liên minh PH cầm quyền của ông Mahathir sẽ giữ được ghế Quốc hội tại Tanjung Piai, thì thế đa số tuyệt đối mà liên minh BN đối lập nhận được- được cho là lớn nhất trong bất kỳ cuộc bầu cử phụ nào trong lịch sử Malaysia – là vượt xa mong đợi của rất nhiều người. Wee Jeck Seng, cựu nghị sĩ hai nhiệm kỳ của Công hội người Hoa Malaysia (MCA), một đảng thành phần của liên minh BN, đã giành chiến thắng với 65,6% phiếu bầu. Ông Mahathir đã đích thân vận động cho ứng cử viên Karmaine Sardini của PH nhưng ông này chỉ giành được 26,7% số phiếu.

“Vẫn còn quá sớm để nói liệu đây có phải là tiếng chuông cảnh báo hay không. Nhưng dù sao, nếu tôi ở trong liên minh cầm quyền, tôi sẽ lo ngại”, nhà khoa học chính trị Chandra Muzaffar, cựu Phó Chủ tịch của Parti Keadilan Rakyat (PKR), hiện là đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền, bày tỏ. Thất bại này là kết quả bầu cử tồi tệ nhất trong sự nghiệp chính trị kéo dài hàng thập kỷ của ông Mahathir, bao gồm cả 2 năm trước khi trở thành thủ tướng.

Dữ liệu bầu cử cho thấy, các khu vực bỏ phiếu có đa số dân tộc người Hoa trước đây ủng hộ liên minh cầm quyền PH đã quay lưng lại trong cuộc bỏ phiếu lần này. Sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng dân tộc Hoa, chiếm khoảng 23% dân số đa sắc tộc, đã giúp đưa PH lên nắm quyền tại cuộc tổng tuyển cử lịch sử hồi năm ngoái. Các nhà phân tích cho rằng, việc người Hoa quay lưng lại với PH là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng trước những lời hứa chưa được thực hiện về các vấn đề chung.

Theo bà Serina Abdul Rahman, một thành viên đến từ Viện ISAES-Yusof Ishak của Singapore, điều này thực sự cảnh báo với PH rằng mọi người đã quá mệt mỏi với chính trị. “Đây là một cộng đồng nông thôn với nhiều ngư dân và họ luôn bầu chọn BN. Người dân ở vùng ngoại ô cảm thấy rằng chính phủ PH không biết, hoặc quan tâm họ cần gì”, ông Rahman cho biết.

Theo bà Serina, các cử tri người Hoa phẫn nộ với việc chính phủ đã phớt lờ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Malay, trong bối cảnh các quan điểm về chủng tộc và tôn giáo của đảng Pribumi Bersatu Malaysia (PPBM) – thuộc liên minh PH- và lập trường của họ về nhiều vấn đề đã ảnh hưởng xấu đến vấn đề giáo dục cho người Hoa. Một số người cảm thấy rằng đảng thành phần lớn thứ hai của PH không thể đứng lên để bảo vệ người Hoa.

Các chính trị gia đối lập cáo buộc PH chủ mưu một chương trình nghị sự nhằm phá hoại các đặc quyền đặc biệt dành cho quốc gia Hồi giáo Malay với mục đích từ chối họ có được quyền lực chính trị. Mặc dù không đưa ra được bằng chứng, nhưng cáo buộc lặp đi lặp lại này đã khiến các nhà phê bình của đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) và đảng Hồi giáo SeMalaysia (PAS), hai đảng đối lập lớn nhất, hoài nghi về PH.

PH đang đứng trước một vấn đề nan giải. Một mặt, các cử tri người Malay đang đổ lỗi cho PH vì đã không bảo tồn và thậm chí tăng cường các quyền và đặc quyền của họ nhiều như UMNO đã từng làm, hoặc không thúc đẩy một chương trình nghị sự tôn giáo cứng rắn. Mặt khác, các cử tri gốc Hoa từng bỏ phiếu cho PH trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua đã vô cùng thất vọng vì họ đã không hành động để xây dựng một chương trình xã hội tiến bộ”, ông Oh Ei Sun, một thành viên cao cấp tại Học viện Quan hệ Quốc tế Singapore (SIIA) nhận định.

AN BÌNH