Giấc mơ Châu Á - Thái Bình Dương

Thứ hai, 10/11/2014 11:12

(Cadn.com.vn) - Giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương có phải dịp để nền kinh tế Trung Quốc giúp mang lại cơ hội lớn và lợi ích cho khu vực và thế giới như lời Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố?

Tại phiên Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương 2014 (APEC 22) khai mạc sáng 9-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi nỗ lực thành hình và hoàn thành giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương.

“Chúng ta có trách nhiệm thiết lập và thực hiện giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương cho người dân trong khu vực”, ông Tập tuyên bố trong phát biểu khai mạc hội nghị kéo dài đến ngày mai (11-11), vốn chào đón các nhà lãnh đạo hàng đầu gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng 1.500 doanh nhân.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh APEC CEO
hôm 9-11. Ảnh: AFP

Định hình tương lai

Khi nói đến giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương, ông Tập nhấn mạnh, đây là khu vực chiếm đến 40% dân số thế giới và 57% GDP toàn cầu. Hiện, Châu Á-Thái Bình Dương là nơi có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất, tiềm lực lớn nhất và hợp tác sôi động nhất toàn cầu, giúp dẫn dắt phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu.

Theo ông Tập, giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương này dựa trên “vận mệnh chung” cho khu vực hòa bình và hợp nhất, phát triển và cùng có lợi. “Sức mạnh quốc gia tổng thể của Trung Quốc sẵn sàng cung cấp những sáng kiến mới và tầm nhìn để tăng cường hợp tác khu vực”, ông nói đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh muốn sống hòa hợp với tất cả các nước láng giềng. Nước này dự kiến sẽ thu hút đầu tư hơn 1.250 tỷ USD trong thập kỷ tới, trong khi du khách đến Trung Quốc sẽ vượt quá 500 triệu trong 5 năm tiếp theo. “Đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới nói chung, sự phát triển của Trung Quốc sẽ tạo ra cơ hội rất lớn và hứa hẹn lâu dài,  vô hạn”, ông Tập cam kết với mong muốn giúp hoàn thiện giấc mơ của khu vực.

Còn nhiều rào cản

Tại hội nghị, các bên tập trung thảo luận các vấn đề kết nối, hình thành Khu vực tự do thương mại FTAAP do Bắc Kinh đề xuất và thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP do Mỹ làm chủ. TPP được coi là yếu tố kinh tế chào hàng “tái cân bằng” của Mỹ sang Châu Á và cho đến nay thu hút 12 quốc gia APEC tham gia, song không có Trung Quốc. Dự kiến, hội nghị sẽ thông qua 15 văn kiện, dần hướng đến giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, thực tế cho thấy, khu vực đang phát triển này đối mặt nhiều thách thức. Đó là ảnh hưởng thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự phục hồi kinh tế của một số quốc gia vẫn yếu. Ngoài ra, việc có quá nhiều thỏa thuận thương mại tự do tạo ra tình thế lựa chọn khó khăn... Vấn đề khác đặt ra là Bắc Kinh còn nhiều việc phải giải quyết trước khi giúp khu vực hoàn thiện giấc mơ. Sau 3 thập kỷ liên tục tăng trưởng 2 con số, nền kinh tế đang dần tụt dốc với nhiều hệ quả để lại, thúc đẩy Trung Quốc thực hiện cải cách. “Một khi mũi tên đã được rút ra, thì không thể thu lại được”, ông Tập khẳng định đồng thời cho rằng, nguy cơ mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt “không thực sự đáng sợ”.

Những tranh chấp gay gắt với các quốc gia láng giềng ở biển Hoa Đông và biển Đông cũng là rào cản lớn mà Bắc Kinh cần dỡ bỏ trước khi hướng đến giấc mơ khu vực. Hy vọng về cuộc họp chính thức giữa Chủ tịch Tập và Thủ tướng Nhật Bản Abe bên lề Hội nghị Thượng đỉnh lần này là cơ hội vàng để cả hai cải thiện quan hệ. Nhưng Tokyo cho rằng, câu chuyện quan trọng ở đây là họ phải “rất cẩn thận trong từng câu chữ” để tránh bị cho rằng, Nhật chính thức thừa nhận, không có tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tổng thống Obama rời Washington hôm 9-11 và dự kiến có “cuộc trò chuyện thẳng thắn và sâu sắc” với Chủ tịch Tập Cận Bình. Mối quan hệ giữa 2 siêu cường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do những hành động vô lý và ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông, tranh chấp thương mại, gián điệp mạng...

Khả Anh