Kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng (15-3-1986 – 15-3-2022):

Giấc mơ có thật của người dân miền núi

Thứ tư, 16/03/2022 20:15

Với người dân xã miền núi Hòa Phú (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), những gian khó ban đầu giờ chỉ còn trong ký ức. Những vùng đất một thời mưa bom, lửa đạn, núi rừng hiểm trở nay đã hồi sinh và với bàn tay khối óc của mình, họ đã biến những vùng đất hoang vu, xác xơ ngày nào trở thành những làng quê ấm no, trù phú.

Đảng bộ xã Hòa Phú (H. Hòa Vang) dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ nhân kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập xã.

Cụ Nguyễn Xuân (78 tuổi, thôn Hòa Thọ) nhớ lại, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, gia đình ông cùng nhiều hộ dân ở vùng nội thành Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) lên đây khai hoang, mở đất thành lập vùng kinh tế mới Lâm Viên giai đoạn 1977-1978 (thuộc xã Hòa Phong cũ). Lúc đó, chiến tranh để lại hậu quả rất nặng nề, đồi núi loang lỗ hố bom sâu hoắm. Các vùng đất vẫn còn hoang sơ, núi rừng hiểm trở gây khó khăn trong việc đi lại, sản xuất; sốt rét rừng thì luôn rình rập, nhiều người không trụ nổi phải trở về quê cũ. Sau đó, các cấp chính quyền huy động máy móc, vận động người dân be bờ, đắp đê dẫn nước từ các khe suối về đồng ruộng trồng lúa nước. Dẫu còn khó khăn, nhưng người dân bắt đầu chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm dài ngày. Mãi đến nhiều năm sau, đập Đồng Tréo (thôn An Châu), Hố Cau (thôn Hòa Phát) mới được xây dựng, tạo nguồn nước sản xuất, cây trồng xanh tốt, năng suất từ đó tăng dần. Có nguồn nước, nhiều hộ dân còn đào thêm ao hồ nuôi cá để cải thiện đời sống...

Còn theo ông Võ Sơn - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hòa Hải, đất rừng nơi đây chủ yếu là những dãy đồi trọc lam nham lau lách, chuyện làm giàu từ rừng chưa được người dân nghĩ tới. Đến khi kinh tế rừng bắt đầu phát triển ở một số địa phương, chuyện trồng rừng nguyên liệu giấy (keo lai) đem lại thu nhập khá đã thức tỉnh người dân nơi đây. Bà con đã nhận ra thế mạnh của vùng đất này và đã đầu tư khai hoang, cải tạo đất để trồng rừng. Từ năm 2005 đến nay, trung bình hàng năm, diện tích đất có rừng tại địa phương tăng thêm đều đặn từ 10-20ha. Đến nay, Hòa Hải đã có hơn 200ha rừng trồng kinh tế. “Trước đây, có mơ tôi cũng không dám nghĩ nhờ rừng mà đời sống người dân Hòa Hải thay đổi nhanh như vậy. Hiện nay, đa phần hộ dân trong thôn đều gắn bó với kinh tế rừng, dựa vào rừng để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Đặc biệt là nghề ươm giống cây tái sinh rừng sau khai thác phát triển mạnh, bình quân mỗi hộ thu lãi khoảng 80-100 triệu đồng/năm”, ông Sơn cho biết.

Khi TP Đà Nẵng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Hòa Phú không có điều kiện thuận lợi như các xã đồng bằng, vùng trung du khác, nhưng khi được lãnh đạo H. Hòa Vang kỳ vọng, địa phương đã có sự bứt phá một cách ấn tượng và trở thành xã miền núi đầu tiên hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM vào cuối năm 2014.

Nghề ươm giống cây trồng ở miền núi Hòa Phú (H. Hòa Vang) đã mang lại nhiều lợi nhuận cho người dân.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2011-2015, Hòa Phú là 1 trong những tập thể tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và thưởng 1 công trình phúc lợi giá trị 1 tỷ đồng. Đến nay, Hòa Phú không còn hộ nghèo ở nhà tạm, gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung của xã, gia đình văn hóa đạt trên 95%, đời sống nhân dân được cải thiện nâng cao, thu nhập bình quân đầu người gần 45 triệu đồng/năm 2021...

Ông Ngô Phương (80 tuổi, thôn Hòa Phát) xác nhận, bao gian khó một thời, giờ đây không còn nữa. Đường sá đi lại, điện thắp sáng, trạm y tế, hay cả nước sạch cũng lên được vùng cao rồi. Gia đình ông cũng như nhiều người khác chỉ biết chí thú làm ăn, sinh sống. “Năm 1979, vợ chồng tôi lên đây với mấy đứa con nhưng thường xuyên đói ăn, thiếu mặc. Bây giờ, tôi đã trở thành chủ của một đại gia đình gồm 4 thế hệ nhưng cái ăn, cái mặc vẫn đủ đầy, cháu chắt được học hành đến nơi, đến chốn. Quả thật, vợ chồng tôi đã không uổng công khi quyết định chọn vùng đất này sinh sống, lập nghiệp”, ông Phương sảng khoái trải lòng.

VY HẬU