Giấc mơ mở cửa kho báu

Thứ tư, 01/04/2015 12:30

* Kỳ 1: Bí mật trong lòng núi

(Cadn.com.vn) - Với niềm tin mãnh liệt rằng có kho báu hàng chục, hàng trăm tấn vàng đang bị giấu trong lòng núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận, có những người đã dốc cả gia sản và dành cả một phần đời mình để theo đuổi giấc mơ tìm kho báu. Nhưng rồi kho báu thì mãi chôn vùi, còn những người đi tìm kho báu thì đánh mất cả gia tài, thậm chí là tính mạng  trong lòng núi vô tri.

Dấu vết kho báu 4.000 tấn vàng

Còn nhớ, trong chuyến công tác tới Bình Thuận năm ngoái, ghé một quán nước ven đường không xa núi Tàu, chúng tôi thấy chị chủ quán có vẻ lo lắng khi nghe chúng tôi nhắc đến kho báu núi Tàu. Vừa chặt cho chúng tôi quả dừa, chị chủ quán vừa quệt mồ hôi lấm tấm trên trán bởi cái nắng như thiêu đốt của vùng đất này. Đặt quả dừa xuống bàn, chị nói về vấn đề mà chúng tôi đang bàn luận: "Nghe nói họ sắp mở nắp hầm vàng trên núi đó rồi. Dân chúng tôi đang sợ có vàng, người tứ xứ lại về đây tranh giành, chặt chém nhau. Mấy ngày nay thấy xe chạy ầm ầm trên núi đó".

Bẵng đi một thời gian, chúng tôi vẫn chưa nghe họ tìm được hầm vàng trên núi Tàu thì mới đây lại nghe UBND tỉnh Bình Thuận có công văn yêu cầu cụ Trần Văn Tiệp (1915, trú TPHCM) ngưng tìm kiếm kho báu tại khu vực này. Vậy là kho báu trên núi Tàu vẫn chưa được tìm thấy. Nếu kho báu núi Tàu bị ngưng tìm kiếm hẳn thì 2 kho báu được xem là chứa hàng trăm, hàng ngàn tấn vàng sẽ mãi mãi nằm lại bí ẩn trong lòng núi. Bởi 2 năm trước, khi chúng tôi về xã Hóa Sơn, H. Minh Hóa, Quảng Bình đã khó kìm cảm xúc đau xót trước thi thể sắp thối rữa của ông Nguyễn Hồng Công (1952, trú TPHCM) nằm trong một căn lán nhỏ trong rừng sau 33 năm theo đuổi giấc mơ tìm kho báu tại núi Mã Cú nơi đây.

Cả cụ Trần Văn Tiệp và ông Nguyễn Hồng Công đều tin vào kho báu chôn vùi trong lòng núi từ những bằng chứng, sử liệu mà họ có được. Tại núi Tàu, cụ Trần Văn Tiệp (năm nay đã tròn 100 tuổi) cho rằng có một kho báu chứa 4.000 tấn vàng được một tướng người Nhật chôn giấu tại đây. Cụ Tiệp tiếp cận thông tin về kho báu này lần đầu tiên từ năm 1973 khi được tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy của chế độ Sài Gòn là Lê Văn Bường, người giữ tấm bản đồ "kho báu", tiết lộ. Năm 1976, một lần nữa cụ Tiệp được tiếp thêm niềm tin vào kho báu bị chôn vùi khi xác con tàu đắm được phát hiện ngoài khơi xã Phước Thể, sát chân núi Tàu, Tỉnh đội Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận) có nhiều chi tiết trùng với tấm bản đồ kho báu mà cụ đang nắm giữ.

Vị tướng người Nhật Tomoyuki Yamashita được cho là đã để lại kho báu tại núi Tàu.

Kho báu núi Tàu còn được gọi là "kho báu Yamashita". Đây là kho báu mà đã nhiều người cho rằng Yamashita - một vị tướng người Nhật trong Thế chiến thứ 2 đã cướp bóc ở các nước ở Đông Á và Đông Nam Á khi đánh bại quân Anh ở Malaysia và Singapore. Tháng 8-1945, tướng Tomoyuki Yamashita đầu hàng quân Đồng minh cũng là lúc rộ lên tin đồn rằng một phần số tài sản mà tướng này cướp bóc được đã được chở đến Philippines, Singapore, Indonesia, chia ra và cất giấu bí mật ở nhiều nơi. Tuy nhiên, khi đi qua vùng biển Việt Nam, do bị truy đuổi nên một số thuyền chở vàng phải ghé vào vùng đất liền thuộc miền Trung Việt Nam để cất giấu vàng. Để đảm bảo số vàng được chôn giấu không bị phát hiện, các tướng Nhật lúc đó đã vẽ một bản đồ kho báu, còn những người tham gia giấu vàng, trong đó có cả những người Việt Nam bị thủ tiêu sau khi công việc hoàn thành.

Tấm bản đồ kho báu sau đó đã được mang theo về Nhật. Đến sau này người ta cho rằng anh em nhà Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu của ngụy quyền Sài Gòn lúc bấy giờ đã mua lại tấm bản đồ này và giao cho ông Lê Văn Bường - Tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy giữ. Đến tháng 11-1963 anh em Diệm, Nhu bị giết thì ông Bường cũng bỏ lại khối tài sản của mình và biến mất bí ẩn khiến người ta càng khẳng định hơn về hoài nghi việc ông Bường đang cầm tấm bản đồ kho báu núi Tàu. Năm 1973, cụ Trần Văn Tiệp gặp ông Lê Văn Bường và được ông Bường kể cho nghe chi tiết về kho báu núi Tàu. Sau đó không lâu, ông Bường đột tử, gieo lại cho cụ Tiệp niềm tin mãnh liệt về một kho báu đang chôn giấu.

Từ đó, sau nhiều năm thu thập thêm tài liệu, năm 1992, cụ Tiệp lên kế hoạch và gửi đơn lên UBND tỉnh Bình Thuận xin phép được khai quật kho báu. Tháng 10-1993, công cuộc đào tìm kiếm kho báu của cụ Tiệp bắt đầu và kéo dài cho đến nay.

Ông Công, người đã 31 năm theo đuổi kho báu tại núi Mã Cú và Núi Tàu, nơi được xem là chôn giấu kho báu khổng lồ.

Vàng trôi ra từ khe núi

Cũng như cụ Trần Văn Tiệp, ông Nguyễn Hồng Công cũng tin vào một kho báu được chôn giấu trong lòng núi tại tỉnh Quảng Bình. Ông Công tin rằng, trong quá trình bị thực dân Pháp truy đuổi vào năm 1885, Vua Hàm Nghi đã chạy loạn qua vùng Cơ Sa - Kim Linh (nay là H. Minh Hóa, Quảng Bình). Vua Hàm Nghi đã chọn vùng đất này để xây dựng căn cứ và kêu gọi phong trào Cần Vương. Rất nhiều vàng bạc, kể cả của vua mang theo và kêu gọi được để dành cho kháng chiến đã được quy tụ tại đây. Nhưng sau đó không lâu, thực dân Pháp đã đánh tới vùng kháng chiến này của quan quân Vua Hàm Nghi. Nhiều người tin rằng, biết trước khó chống cự với quân Pháp, trước khi bị bắt, vua Hàm Nghi đã lệnh cho quân lính đem chôn giấu toàn bộ số vàng bạc, châu báu mà nhà vua tích trữ được.

Ông Nguyễn Hồng Công cũng có những sử liệu để tin vào kho báu Vua Hàm Nghi đang bị giấu trong lòng núi. Chưa ai được thấy tấm bản đồ kho báu, nhưng ông Công cho rằng mình đang nắm giữ tấm bản đồ dẫn tới một kho báu đang bị chôn giấu dưới một lòng suối cạn. Niền tin của ông Công tăng thêm khi có thêm dữ liệu "đắt giá" là người dân tìm thấy những tấm vàng và đồng tiền của nhà vua trôi ra từ trong lòng suối sau một trận lũ vào tháng 8-1956. Theo đó, lượng vàng mà người dân H. Minh Hóa thu nhặt được sau đó được vận động giao nộp cho Nhà nước là 250kg. Tất cả số vàng này trên mặt đều in hình chữ "đại". Ngoài ra, người dân còn nhặt được một số vật dụng bằng đồng và sắt đem về sử dụng.

Chưa hết, cũng liên quan đến kho báu Vua Hàm Nghi, nhiều người dân còn cho rằng những thanh niên trai tráng trong vùng được tuyển mộ để làm công việc cất giấu kho báu được đối xử rất tốt, cho ăn ngon. Nhưng sau khi hoàn thành công việc cất giấu kho báu họ đều bị thủ tiêu. Xác của một số người được chôn tại những gốc cây trên núi để đánh dấu, chỉ cần tìm được hài cốt của họ là có thể xác định được phương hướng của kho báu.

Niềm tin được củng cố, năm 1982, ông Công rời TPHCM và đặt chân đến xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình để bắt đầu hành trình đào tìm kho báu Vua Hàm Nghi. Sau nhiều năm khảo sát và xin phép, đến năm 1987, ông Công bắt đầu công việc tìm kho báu với nhiều chông gai, khổ sở.

Cả ông Nguyễn Hồng Công và cụ Trần Văn Tiệp trong quá trình tìm kiếm kho báu đều phải trải qua rất nhiều khó khăn. Xung quanh việc tìm kiếm này cũng có không ít câu chuyện thú vị...

Uyên Như
(còn tiếp)