Giải bài toán an ninh con người tại Ấn Độ

Thứ năm, 19/12/2013 10:32

(Cadn.com.vn) - Các vụ bạo lực gần đây đã nêu bật vấn đề an ninh con người tại Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới.

Bạo lực tại Uttar Pradesh

Uttar Pradesh (UP) là tiểu bang đông dân nhất Ấn Độ. Với dân số 199 triệu người (chiếm 16,5% dân số), bang này lớn bằng Brazil.

Nhưng nơi đây thường xuyên chứng kiến những vụ bạo lực đổ máu, giữa người Hindu giáo và Hồi giáo. Muzaffarnagar, thành phố nhỏ nằm trong "vành đai sản xuất đường" thịnh vượng của UP, trở thành tâm điểm của các cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong hơn 1 thập kỷ qua.

Kể từ năm 1992, khi những người Hindu giáo đập phá Babri Masjid - một nhà thờ Hồi giáo có từ thế kỷ XVI được xây dựng trên những tàn tích của một ngôi đền Hindu cổ đại - UP chứng kiến các vụ bạo lực sắc tộc có quy mô lớn. Ngày 27-8-2013, 3 người đàn ông, 1 người Hồi giáo và 2 người Hindu, bị giết tại làng Kawal khi bị cáo buộc quấy rối một cô gái Hindu.

Vài ngày sau, người Hindu tổ chức họp bàn về sự an toàn của phụ nữ trong cộng đồng. Các chính trị gia địa phương kích động các cuộc tấn công chống lại người Hồi giáo. Bạo lực bùng lên vào ngày 7-9 khi người Hồi giáo ném đá vào những người Hindu. Vào giữa tháng 9 - sau nhiều ngày cướp bóc, đốt phá, đánh đập, hãm hiếp và giết người, 55.000 người phải rời bỏ nhà cửa, hàng trăm người bị thương và gần 60 người thiệt mạng.

Mặc dù bạo lực đã chấm dứt, các cuộc bạo loạn gây ra khủng hoảng nhân đạo tại khu vực. Hàng chục ngàn người phải trú ẩn trong các trại tị nạn tạm bên trong các nhà thờ Hồi giáo và trường học tôn giáo. Những phản ứng của chính phủ, ở cả hai cấp tiểu bang và liên bang, bị chỉ trích là không thỏa đáng. Chính quyền không hề nỗ lực xây dựng nơi trú ẩn, cung cấp nhu yếu phẩm hoặc tái định cư.

Ngày 16-9, các nhà lãnh đạo của đảng Quốc đại cầm quyền - Thủ tướng Manmohan Singh, Chủ tịch đảng Sonia Gandhi và người thừa kế Rahul Gandhi đã đến Muzaffarnagar nhưng không đưa ra biện pháp cụ thể nào nhằm giải quyết tình hình.

Trong tháng 11, Thống đốc bang UP Akilesh Yadav đã xuất hiện trên các kênh tin tức quốc gia kêu gọi mọi người trở về nhà của họ. Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó, những người chạy trốn bạo loạn vẫn quá sợ hãi nên không quay trở về.

 

Liệu có thay đổi

Ấn Độ là một quốc gia có lịch sử bạo lực sắc tộc. Trong lịch sử, các cuộc bạo lực đẫm máu đã giết chết đến 1 triệu người. Nhưng bạo lực gần đây tại UP thì khác. Theo giáo sư Christopher Bayly, mối quan hệ giữa người Hindu và người Hồi giáo xấu đi do các "cuộc chiến tranh giành đất".

Sau khi bà Indira Gandhi bị một vệ sĩ người Sikh ám sát năm 1984, người Hindu tiến hành cuộc thảm sát người Sikh ở phía Bắc khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. Các chính trị gia bị buộc tội giúp đỡ và tiếp tay cho các vụ thảm sát. Gần đây, một cuộc tàn sát do người Hindu tiến hành chống lại người Hồi giáo ở Gujarat vào năm 2002 cũng khiến 2.000 người chết. Hoạt động này diễn ra dưới sự giám sát của Narendra Modi, sau đó là Thị trưởng Gujarat và bây giờ là ứng  cử viên Thủ tướng của BJP.

Bạo lực sắc tộc tại UP là một ví dụ bi thảm về mất an ninh xã hội. Các cuộc bạo loạn xảy ra vào thời điểm Ấn Độ đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, trong đó người dân phải lựa chọn giữa đảng Quốc đại và Đảng BJP cánh hữu đối lập Hindu giáo. UP, với 80 nghị sĩ, là khu vực bầu cử có khă năng quyết định vận mệnh của cả hai bên. Với một lịch sử căng thẳng, nhiều người lo ngại tình hình sẽ xấu đi vào cuộc bầu cử tới.

An Bình

(Theo Diplomat)

Một nạn nhân trong các vụ bao lực sắc tộc tại Ấn Độ. Ảnh: Diplomat