Giải bài toán quản lý sinh viên ngoại trú

Thứ năm, 19/06/2014 06:30

(Cadn.com.vn) - Tình trạng sinh viên (SV) ngoại trú vi phạm pháp luật, gây mất ANTT vốn là bài toán khó với nhiều nhà trường và chính quyền địa phương. Lời giải cho bài toán ấy phần nào được giải đáp tại Hội nghị công tác quản lý SV ngoại trú, an ninh trật tự giai đoạn 2012-2014 và phương hướng, giải pháp 2014-2016 vừa được Trường ĐH TDTT Đà Nẵng tổ chức.

Trường ĐH TDTT Đà Nẵng hiện có 3.202 SV thuộc hệ đào tạo tập trung chính quy và 309 SV theo hệ không chính quy. Trong đó, 2.398 SV thuê trọ ở ngoài, chiếm tỷ lệ hơn 80%. Điều này đặt ra cho lãnh đạo nhà trường bài toán khó về công tác quản lý SV ngoại trú. Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm đối với những trường ĐH, CĐ khác.

Thời gian qua, Trường ĐH TDTT Đà Nẵng rất quan tâm đến công tác phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là CA các P. Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông (Q. Thanh Khê) – nơi tập trung phần lớn SV thuê trọ, để làm tốt công tác quản lý SV ngoại trú. Tuy nhiên, thực tế tồn tại một số SV chưa thực sự nghiêm túc trong việc thực hiện quy chế ngoại trú, chưa tự giác trong việc thực hiện nghĩa vụ của người học, suy nghĩ nông cạn...

Lãnh đạo Trường ĐH TDTT Đà Nẵng và lãnh đạo CAP Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây ký kết quy chế phối hợp công tác quản lý SV ngoại trú. 

Thực tế trên được Thạc sĩ Nguyễn Nho Dũng, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) Đại học 5 EFGH nêu ra trong bài tham luận về cuộc sống SV ngoại trú. Những bức xúc, bất cập của SV ở trọ đã được Thạc sĩ Nguyễn Nho Dũng thẳng thắn chỉ ra như: có một bộ phận SV thường tụ tập bài bạc, rượu chè, thậm chí trộm cắp, sử dụng thuốc lắc, gây mất ANTT; SV thường thay đổi chỗ trọ khiến công tác quản lý khó khăn; tình trạng SV “sống thử”, “sống chung”, sống buông thả không hiếm...

Vậy làm gì để công tác quản lý SV ngoại trú được tốt? Thầy Trương Thái cho rằng cần phát huy triệt để vai trò của GVCN  và cố vấn học tập. Hơn ai hết, GVCN là người có điều kiện gần gũi và nắm bắt nhiều thông tin nhất liên quan đến SV.

Vì thế, GVCN trước hết cần tạo dựng được hình ảnh, vai trò người thầy mẫu mực trong lối sống, có tư tưởng đạo đức trong sáng để làm gương cho SV. Mỗi người thầy phải có nhiệt huyết với nghề, biết yêu thương học trò, có chuyên môn vững và đặc biệt phải công tâm đối với tất cả SV của mình. Có như vậy, GVCN mới làm tốt vai trò giáo dục SV bằng con đường tình thương và trách nhiệm.

Bên cạnh đó, GVCN phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục bởi đây được xem như mặt trận cách mạng có tính lan tỏa nhanh và sâu rộng trong tập thể SV. GVCN cũng cần tạo cầu nối, gắn kết giữa lãnh đạo nhà trường, các tổ chức trong trường và giảng viên bộ môn với SV. Tiếp đó, GVCN cần xây dựng được đội ngũ cán bộ lớp năng nổ, nhiệt tình để tạo sự đoàn kết, biết giúp đỡ lẫn nhau trong tập thể lớp... Từ đó, GVCN nắm bắt được kịp thời tâm tư, nguyện vọng của SV để có cách tháo gỡ khi có vụ việc xảy ra.

Hội nghị còn được lãnh đạo CA các phường, tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn P. Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây (Q. Thanh Khê) đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.

Theo Trung tá Lê Trọng Tri – Phó CAP Thanh Khê Tây, để làm tốt công tác quản lý SV ngoại trú trước hết giữa nhà trường và lãnh đạo địa phương nơi có SV thuê trọ cần có quy chế phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải quyết những vướng mắc. Về phía CAP và CSKV, cần làm tốt công tác quản lý SV thuê trọ trên địa bàn như đăng ký tạm trú, tăng cường kiểm tra tạm trú...

Quản lý SV ngoại trú tốt cần sự chung tay góp sức từ nhiều phía như lãnh đạo nhà trường, chính quyền địa phương. Song thiết nghĩ, hơn ai hết, bản thân các SV thuê trọ cần ý thức được những hành vi bản thân, phải luôn phấn đấu xây dựng cho mình lối sống lành mạnh để trước tiên phục vụ tốt mục đích học tập.

Quang Hải