Giải đáp nhiều câu hỏi “nóng” về PCCC

Thứ tư, 02/10/2019 11:12

Phân cấp quản lý công tác PCCC của các cơ sở ở TP Đà Nẵng được thực hiện như thế nào? Thời gian kiểm tra định kỳ PCCC tại cơ sở là bao lâu? Việc phải làm thủ tục, vẽ lại bản thiết kế hệ thống PCCC mỗi khi thay đổi kiến trúc, phân chia ô cho đơn vị khác thuê thì có quá rườm rà? Kinh phí đầu tư hệ thống PCCC theo đúng tiêu chuẩn thì có quá “sức” đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa?... Trên đây là một số câu hỏi trong rất nhiều vấn đề được đại diện 160 cơ sở quan tâm tại buổi đối thoại với lãnh đạo CATP Đà Nẵng và Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH trong 2 ngày 30-9 và 1-10.

Trên tinh thần trao đổi thẳng thắn và cầu thị, nhiều ý kiến, thắc mắc của đại diện cơ sở đã được Đại tá Lê Ngọc Hai - Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng và lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH trả lời cặn kẽ. Qua đó cũng đã giúp gỡ rối được một số vấn đề cấp bách, còn vướng mắc tại cơ sở.

Đại diện một cơ sở trình bày ý kiến, vướng mắc trong công tác PCCC. Đại tá Lê Ngọc Hai trả lời các thắc mắc của cơ sở.

Những vấn đề cơ bản

Thắc mắc về phân cấp quản lý, thời gian kiểm tra công tác PCCC và liên hệ mở lớp đào tạo, cấp chứng chỉ về nghiệp vụ PCCC cho lực lượng cơ sở, đại diện của một cơ sở khách sạn tại Q. Sơn Trà đã được Thiếu tá Trần Lê Minh Dũng, Phó phòng Cảnh sát PCCC&CNCH giải thích: Theo phân cấp tại TP Đà Nẵng, các công trình có kiến trúc từ 11 tầng trở lên sẽ được quản lý, hướng dẫn, kiểm tra của phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và nếu muốn mở lớp huấn luyện PCCC cho lực lượng tại chỗ thì chủ cơ sở có thể liên hệ, gửi đơn đăng ký tại Tổ một cửa ở địa chỉ 183 Phan Đăng Lưu.

Riêng về thời gian kiểm tra an toàn PCCC theo định kỳ, Thiếu tá Dũng cho biết, pháp luật quy định kiểm tra an toàn PCCC 4 lần/năm. Tuy nhiên, tại TP Đà Nẵng, để tạo điều kiện cho các cơ sở có thời gian tập trung kinh doanh, sản xuất, UBND thành phố đã có chỉ đạo thực hiện kiểm tra 2 lần/năm và 2 lần còn lại cơ sở tự tổ chức kiểm tra, tự tổ chức thực tập, bảo quản phương tiện. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng có tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở khi cần thiết.

Đại diện một cơ sở 29 tầng trên đường Trần Quốc Toản kiến nghị, tòa nhà có các tầng trống và được sử dụng để cho thuê, được trang bị đầy đủ các thiết bị, hệ thống PCCC và được nghiệm thu nhưng khi làm các vách ngăn phân chia ô để cho đơn vị khác thuê thì phải làm lại thiết kế và thẩm định lại về an toàn PCCC. “Như vậy rất phiền hà cho cả người quản lý và người thuê. Có cách nào để giảm tải thủ tục nhưng vẫn đảm bảo được an toàn PCCC?”, một đại diện cơ sở thắc mắc.

Trả lời vấn đề trên, Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, đây là vấn đề rất nhiều cơ sở quan tâm và cũng là quy định bắt buộc của pháp luật. Trong thực tế, khi đã nghiệm thu PCCC thì các tầng này đáp ứng được yêu cầu nhưng khi làm thêm các vách ngăn thì buộc phải làm lại thiết kế. Khi ngăn ra, lối thoát hiểm bị thay đổi nên cần phải bố trí lại. Thiết bị tại báo cháy, chữa cháy tự động cũng phải được bố trí lại hoặc bố trí thêm để đảm bảo mỗi phòng sau khi được ngăn ra phải đảm bảo đầy đủ công năng PCCC. Để giải quyết vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Thành Nam cũng gợi ý cơ sở nên tính toán, có quy hoạch trước để thực hiện việc thiết kế, nghiệm thu một lần, tránh mất thời gian.

Lực lượng Cảnh sát PCCC &CNCH CATP Đà Nẵng triển khai chữa cháy tại một điểm cháy trên địa bàn. 

Gỡ rối cho doanh nghiệp

Một vấn đề được các cơ sở trong Khu công nghiệp Đà Nẵng, Q. Sơn Trà quan tâm là chủ trương di dời của TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, thời gian di dời vẫn chưa được ấn định khiến cơ sở lo lắng khi mà hệ thống PCCC chưa đảm bảo. Có cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC vì thiếu trang thiết bị nhưng nếu đầu tư thì chi phí rất lớn, sử dụng vài năm phải tháo dỡ để di dời thì rất lãng phí. Giải quyết vấn đề này, Đại tá Lê Ngọc Hai chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nghiên cứu tổ chức nghiệm thu và nghiệm thu bằng văn bản với các cơ sở ở KCN Đà Nẵng. Bên cạnh đó hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật PCCC khác để tăng mức độ an toàn PCCC cho cơ sở trong thời gian chờ di dời.

Một doanh nghiệp kinh doanh về lâm sản ở Q. Liên Chiểu cho hay, công ty có vốn đầu tư 6 tỷ đồng nhưng nếu lắp đặt một hệ thống PCCC theo đúng quy định thì phải tốn hơn 1 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì rất khó khăn và mong muốn hạ mức quy chuẩn bắt buộc về yêu cầu PCCC để doanh nghiệp “dễ thở”. Vấn đề này, Đại tá Lê Ngọc Hai khẳng định, tất cả đều phải tuân thủ theo pháp luật đã quy định và không có ngoại lệ. Nhưng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện hoạt động, Đại tá Lê Ngọc Hai kiến nghị cho phép doanh nghiệp hoàn thành các quy chuẩn về PCCC theo từng giai đoạn, phải ưu tiên trang bị ở khu vực có nguy cơ cháy cao và ưu tiên đầu tư hệ thống báo cháy, chữa cháy vách tường trước. Cán bộ kiểm tra phụ trách sẽ lập hồ sơ tổng thể và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

Kết luận 2 ngày tọa đàm, Đại tá Lê Ngọc Hai yêu cầu Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tập trung công tác cải cách hành chính để tạo thuận tiện cho doanh nghiệp. Công tác kiểm tra hướng dẫn phải chu đáo, đúng quy trình, quy định, đảm bảo thời gian, không kiểm tra chồng chéo với các đoàn kiểm tra khác và phải kết hợp với hướng dẫn, tiếp thu các ý kiến của cơ sở. “Tình hình cháy nổ trên địa bàn diễn ra hết sức phức tạp, nhiều vụ cháy lớn khiến người dân bất an. Tuy nhiên, tại TP Đà Nẵng tình hình cháy nổ được kiểm soát, không để xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Có được thành quả đó là nhờ vào sự quyết liệt, tinh thần trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác PCCC và sự đóng góp rất quan trọng từ mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là sự quan tâm, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở đối với công tác PCCC”, Đại tá Lê Ngọc Hai nhấn mạnh.

MAI VINH