Giai đoạn mới, quyền lực mới

Thứ sáu, 13/12/2019 10:05

Trong một tuyên bố bất ngờ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan khẳng định, đất nước của ông sẽ có quyền triển khai binh sĩ ở Libya nếu được chính phủ này yêu cầu.

Mọi việc bắt nguồn từ sau khi chính phủ Libya được quốc tế công nhận và Thổ Nhĩ Kỳ ký một hiệp ước an ninh và quốc phòng mở rộng, cùng một bản ghi nhớ về biên giới biển. Thỏa thuận cũng trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền sử dụng không phận và vùng biển Libya, cũng như quyền xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Libya. Thỏa thuận biên giới trên biển có thể giúp Ankara tiếp cận khu vực kinh tế đang tranh chấp trên biển Địa Trung Hải, vốn đang gây căng thẳng trong tranh chấp của Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp, Cyprus và Ai Cập về quyền khoan dầu khí trong khu vực.

Và theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ có thể điều thêm binh sĩ đến Libya nếu chính phủ của Thủ tướng Fayez al-Serraj yêu cầu. “Động thái như vậy sẽ không vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Libya, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không “tìm kiếm sự chấp thuận của bất cứ ai”, ông nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước TRT. Tuyên bố của ông Erdogan được đưa ra ngay sau khi cả hai ký một thỏa thuận khí đốt gây tranh cãi, vốn đã làm đảo lộn tư cách là “nhân vật phản diện” của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia khu vực khác như Ai Cập và Israel lâu nay vẫn chú trọng việc bác bỏ các quyền của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực tài nguyên năng lượng và khoan dầu. Nhưng bây giờ Ankara đã thực hiện các động thái địa chính trị để bảo vệ lợi ích của mình ở Địa Trung Hải, đầu tiên là với thỏa thuận này. Thỏa thuận được ký kết với Libya đã phá vỡ sự cô lập của nước này trong khu vực và là một thay đổi trong cuộc chơi thăm dò năng lượng ở đó. Thổ Nhĩ Kỳ đã điều một số tàu khoan được các pháo hạm bảo vệ đến các khu vực gây tranh cãi ngoài khơi đảo Cyprus kể từ đầu năm giữa lúc có lệnh trừng phạt và cảnh báo từ khối EU và Mỹ.

Libya là quốc gia giàu trữ lượng dầu khí giáp ranh các tuyến thương mại quan trọng của Địa Trung Hải. Sự bất ổn ở nước này đã gây ra hậu quả tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước trong khu vực. Tuy nhiên, động thái như tuyên bố của Tổng thống Erdogan có thể mở ra giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh quyền lực ở Địa Trung Hải. Nhiều người cho rằng, bằng cách điều quân đến Libya, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ Libya được quốc tế công nhận và có dấu hiệu răn đe lực lượng nổi dậy và những phe ủng hộ bên này.

Vì vậy, ngay sau đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã trấn an khi cho biết, một thỏa thuận an ninh giữa nước này với Libya không bao gồm một điều khoản cho phép Ankara triển khai binh sĩ đến quốc gia Bắc Phi này. “Không có việc triển khai binh sĩ… Tuy nhiên, Tổng thống của chúng ta đã nói rằng chúng ta có thể định lượng lại điều này nếu có một đề nghị theo cách của chúng ta”, ông giải thích.

THANH VĂN