Giải độc nạn “cầm đồ thuốc độc”

Thứ tư, 22/07/2009 00:00

Bài 1: Từ những vụ án nghi kỵ cầm đồ thuốc độc  

(Cadn.com.vn) - Tệ nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc (CĐTĐ) là một hủ tục mê tín dị đoan, lạc hậu, mang tính truyền miệng từ đời này sang đời khác nhưng không có thật, đã ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào, gây nên những hậu quả nghiêm trọng: mâu thuẫn nội bộ nhân dân, làm xấu đi tình làng nghĩa xóm và những vụ giết hại lẫn nhau... Những năm gần đây, bên cạnh những thành tựu phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, tệ nạn nghi kỵ CĐTĐ ở H. Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn tiếp diễn và có nơi diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT, TTATXH... như những khoảng tối còn sót lại trong xã hội văn minh, cần phải xóa bỏ.

Tối 28-5, một tốp thanh niên gồm 10 người, có men rượu, trên tay cầm gậy, đá, dao, cuốc đã xông vào nhà ông Phạm Văn Nhủi (1961, trú thôn Đồng Răm 1, xã Ba Khâm, H. Ba Tơ - nguyên Phó CHủ tịch Hội Cựu chiến binh xã), dẫn đầu là Phạm Văn Út - con trai ông Phạm Văn Nhớ (1975, trú cùng thôn). Nhóm người hung hăng đập phá nhà ông Nhủi và đòi giết cả gia đình ông. Đáng nói là trong số những người này có tới 3 cán bộ xã và đảng viên là Phạm Văn Bi (văn thư xã, đảng viên), Phạm Văn Quây (Phó Chủ tịch Hội Nông dân) và Phạm Văn Bí (cán bộ nông lâm, đảng viên).

Nạn nhân của tệ nạn CĐTĐ ở xã Ba Dinh (Ba Tơ). Ảnh: Tư liệu 

Thấy tình thế phức tạp, lực lượng cán bộ xã đã ra sức can ngăn, liền bị nhóm thanh niên trên hăm dọa, một đối tượng đã đánh anh Phạm Văn Tập (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã) và một số đối tượng khác xông vào đánh bà Phạm Thị Tỏ (vợ ông Nhủi) và Phạm Thị Yến (con ông Nhủi) bị thương phải đưa đi cấp cứu. Sau khi xảy ra vụ việc, gia đình ông Nhủi hết sức hoang mang lo sợ, đã phải đến tá túc tại Trung tâm Y tế huyện. Lực lượng CAH Ba Tơ đã kịp thời có những biện pháp hiệu quả để can thiệp, tuyên truyền và ổn định tình hình trong dân. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc này xuất phát từ việc nghi ngờ CĐTĐ. Do trước đây gia đình ông Nhớ và ông Nhủi có tranh chấp đất trồng mây với nhau và ông Nhủi đã hăm dọa ông Nhớ.

Sự việc chỉ có thế, không ngờ đến ngày 26-5, con ông Nhớ là Phạm Thị Nũ (1992) qua đời vì bị bệnh, ông Nhớ nghĩ ngay đến lời hăm dọa trước đó của ông Nhủi và cho rằng ông Nhủi đã CĐTĐ cho con ông Nhớ chết. Từ đó, một số người khác trong thôn như ông Phạm Văn Đe cũng nghi ông Nhủi có CĐTĐ khiến con ông là Phạm Văn Ép (1987) bị bệnh và bà Phạm Thị Xăng, ông Phạm Văn Linh cũng nghi ông Nhủi đã CĐTĐ làm cho con cháu họ bị bệnh.

Trước tình hình trên, CAH Ba Tơ đã điều tra, xác minh làm rõ đối tượng tham gia hành hung gia đình ông Phạm Văn Nhủi để có cơ sở xử lý theo pháp luật. Đồng thời, lực lượng CAH tổ chức phát động phong trào toàn dân BVANTQ; phối hợp ngành Y tế xác minh, làm rõ nguyên nhân cái chết của con ông Phạm Văn Nhớ để có cơ sở loại trừ nguyên nhân do người dân địa phương hoặc gia đình ông Nhủi có CĐTĐ dẫn đến chết người...

Trước đó, ngày 24-5, CAH Ba Tơ đã giải quyết ổn thỏa một vụ nghi kỵ CĐTĐ khác xảy ra ở thôn Vẩy Ốc, xã Ba Khâm. Vụ việc xảy ra giữa ông Phạm Văn Rí (1940) và ông Phạm Văn Phước (1924, cùng trú thôn Vẩy Ốc). Trước đây, do hai ông thường hay uống rượu và phát ngôn bừa bãi, dọa nạt người khác nên dân địa phương đã nghi kỵ hai người CĐTĐ và chính quyền địa phương từng giải quyết ổn thỏa.

Nhưng, đến ngày 24-5, ông Phạm Văn Rí nhờ ông Phạm Văn Phước kiếm các loại rễ cây trong rừng làm thuốc nam để chữa bệnh cho đứa con trai của ông Rí là Phạm Văn Giô (1987). Sau khi uống thuốc, thấy đỡ bệnh, ông Rí tiếp tục nhờ ông Phước kiếm thêm thuốc để uống, song uống đến lần thứ 2 thì con ông Rí bị phản ứng, đau lại nên gia đình ông Rí đã nghi ông Phước CĐTĐ, đe dọa sẽ giết chết ông Phước. Chính quyền xã đã tiến hành họp dân, ông Phạm Văn Phước thừa nhận hành vi lấy thuốc nam chữa bệnh là không có cơ sở, bản thân tự tìm tòi nên việc bớt bệnh hay không là nhờ may rủi, chứ bản thân ông Phước không hề biết CĐTĐ là gì.

Ông Rí sau khi được chính quyền địa phương, lực lượng CA phân tích, cũng nhận thấy do con mình uống thuốc nam của ông Phước không bớt mà nghi kỵ cho ông Phước CĐTĐ là không đúng, không có cơ sở. Ngày 29-5, chính quyền địa phương đã họp dân trên cơ sở sai phạm và tự nhận khuyết điểm của ông Rí và ông Phước, hai ông đã ký vào bản cam kết thực hiện chống tư tưởng mê tín dị đoan, nghi CĐTĐ...

Nhiều năm qua, với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội cùng với quyết tâm xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tệ nạn mê tín dị đoan nghi kỵ CĐTĐ của chính quyền và nhân dân địa phương nên nghi kỵ CĐTĐ ở Ba Tơ đã tạm thời lắng xuống. Song, 6 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn huyện lại rộ lên và đã liên tiếp xảy ra 4 vụ, dù đã được giải quyết ổn thỏa, nhưng 2 vụ nêu trên đã gây tâm lý hoang mang lo sợ, bức xúc trong nhân dân...

Hồng Nhật

(còn nữa)