Giải pháp nào để chống nhiễm mặn cho nguồn nước của Đà Nẵng?

Thứ sáu, 13/01/2017 07:26

(Cadn.com.vn) - Đây là nội dung xuyên suốt được các chuyên gia trong và ngoài nước bàn thảo trong 2 ngày diễn ra Hội thảo tìm kiếm các giải pháp thích ứng để chống nhiễm mặn cho nguồn nước của TP Đà Nẵng (11 và 12-1-2017) thuộc Dự án mạng lưới hạ tầng xanh Đà Nẵng. Dự án nằm trong khuôn khổ hỗ trợ quản lý của Chính phủ Hà Lan và Vitens Eviders International (VEI) cho Cty CP Cấp nước Đà Nẵng.

Các chuyên gia nước ngoài tham dự Hội thảo.

KTS Bùi Huy Trí, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng khi đề cập đến một số vấn đề về quy hoạch Đà Nẵng cho rằng, hiện nay, ngoài nguồn nước sông Hàn và các nhánh sông chính như Cầu Đỏ, Túy Loan, sông Yên, Vu Gia chảy qua Đà Nẵng, còn có sông Cu Đê và sông Nam, sông Bắc đổ ra vịnh Đà Nẵng. Trong khi đó, một nguồn nước khác từ bán đảo Sơn Trà hoàn toàn không có nguy cơ nhiễm mặn nhưng lưu lượng lại không lớn và không ổn định theo mùa. “Nguồn nước tự nhiên của chúng ta có đầu nguồn thuộc địa phương khác trong khi liên kết các đô thị để giải quyết các vấn đề chung vẫn là chuyện bất cập của cả nước. Nếu không đảm bảo được sự bền vững về môi trường, chúng ta sẽ mất điểm trong mắt các nhà đầu tư. Hiện tượng xói lở bờ biển ở Hội An là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc”-KTS Bùi Huy Trí nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Ảnh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã đưa ra những con số liên quan đến hệ thống cấp nước hiện tại của Đà Nẵng. Đó là, tổng công suất khai thác bình quân 221.000m3/ngày, lớn nhất ở mức 252.000m3/ngày; tỷ lệ hộ dân được cấp nước đạt 91,22%. Trong đó, nguồn nước thô khai thác từ sông Cầu Đỏ để cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay chiếm gần 95% tổng công suất khai thác. Thế nhưng, khi nguồn nước tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn buộc phải bơm nguồn nước thô từ trạm bơm An Trạch trên sông Yên cách đó 8km về phía thượng lưu. “Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và việc vận hành các thủy điện ở thượng nguồn nên lưu lượng nguồn nước thô trên sông Vu Gia có xu hướng suy giảm đã làm cho tình hình sản xuất của Dawaco gặp nhiều khó khăn” - ông Ảnh cho biết.

Đề cập đến kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước đến năm 2030, ông Nguyễn Trường Ảnh đặc biệt tập trung vào việc xử lý nguồn nước. Đó là, các nghiên cứu, phương án đảm bảo nguồn nước thô cho 2 nhà máy nước Cầu Đỏ, Sân Bay, dứt khoát phải xây dựng mới trạm bơm nước thô và tuyến ống D1200 từ An Trạch; xây đập ngăn mặn trước vị trí cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ. Riêng tại tuyến sông Cu Đê cũng phải xây dựng đập ngăn mặn trước vị trí cầu Phò Nam; xây mới trạm bơm nước thô và tuyến ống D1400 từ đập ngăn mặn về Nhà máy nước Hòa Liên; gắn với việc nghiên cứu xây dựng các nhà máy mở rộng công suất cấp nước cũng như xử lý nước.

Ông Adriaan Juimschoot, Trưởng Dự án Mạng lưới hạ tầng xanh Đà Nẵng khẳng định “Chống nhiễm mặn là vấn đề cấp thiết. Bởi lẽ, thành phố sẽ thiếu nước sạch vì độ mặn nước Nhà máy nước Cầu Đỏ sản xuất đã đạt đến ngưỡng báo động 13,568mg/lít, cao hơn 63 lần mức bình thường”. Sau khi nêu một số nguyên nhân nhiễm mặn, Trưởng Dự án đã đưa ra nhiều phương án như xây hồ trữ nước thô, trạm thu thay thế trên sông Túy Loan, khử mặn một phần và trộn nước. Nhiều phương án khác cũng được đưa ra để các chuyên gia thảo luận. TS Lê Hùng và TS Tô Thúy Nga, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã có nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng dòng chảy kiệt, xâm nhập mặn khi xây dựng hệ thống công trình cống ngăn mặn Cầu Đỏ. Hai tác giả này cho rằng, khi xây dựng cống ngăn mặn Cầu Đỏ, độ mặn xâm nhập giảm đi có ảnh hưởng tích cực đến gần như toàn bộ hạ lưu hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn. Hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm cho xâm nhập mặn tăng lên, đặc biệt là phía sông Thu Bồn và phần lớn sông Vĩnh Điện tăng lên kể cả khi có cống ngăn mặn Cầu Đỏ. Riêng phía sông Hàn, Vu Gia khi có cống, độ mặn sẽ giảm đi.

Ông Lê Lưu, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cũng cho rằng, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình tạo nguồn cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ về phía hạ lưu nhà máy hiện tại là hết sức cần thiết và phù hợp với quy hoạch thủy lợi hiện nay. Chuyên gia phân phối Chris Rix (VEI); chuyên gia quản lý nguồn nước, tư vấn độc lập Sytze Jarigsma; Bùi Thị Thu Hiền, Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên... cũng đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến nội dung: Thiết kế mạng lưới dự phòng-xây dựng nhà máy nước ở thượng nguồn; phương pháp tiếp cận từ nguồn xuống biển; nguồn lợi của xả đẩy mặn thông qua quản lý thủy điện phù hợp.

Phương Kiếm