Giải pháp thực phẩm sạch "made in sinh viên"

Thứ sáu, 16/09/2016 11:03

(Cadn.com.vn) - Diễn đàn khoa học công nghệ lần thứ 2 do Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức tại Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đã thu hút được nhiều nhà khoa học, trong đó có nhiều bạn sinh viên. Bằng sự đam mê khoa học, sáng tạo, nhiều sinh viên đã mang đến những giải pháp, sáng kiến mới để ứng dụng cho cuộc sống. Trong đó, dự án Khu vườn Thông minh-Smart Garden và giải pháp nuôi tôm sạch siêu năng suất không cần thay nước-Shrimp Farming Pilot của sinh viên ĐH Duy Tân thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Rau sạch được quản lý qua hệ thống internet. 

Trồng rau sạch qua internet

Với dự án trên, nhóm bạn trẻ đang theo học tại ĐH Duy Tân đã xuất sắc giành giải nhất Cuộc thi Quốc gia Microsoft Imagine Cup 2016 và trở thành đại diện của Việt Nam tham dự Vòng Chung kết Imagine Cup Châu Á-Thái Bình Dương trong tháng 4-2016 vừa qua. Tuy không giành kết quả cao tại đấu trường quốc tế, nhưng với những gì đã làm được, Khu vườn thông minh - Smart Garden vẫn là tín hiệu khả quan về tiềm năng phát triển của sáng tạo và khởi nghiệp trẻ.

Sau thời gian nghiên cứu, 4 thành viên sáng lập dự án ban đầu gồm Nguyễn Đăng Minh Hùng, Phạm Hữu Châu Đạt, Lê Quang Thành và Phan Hồng Sang đã cho ra dự án này. Hiện dự án còn 2 người là Nguyễn Đăng Minh Hùng và Phan Hồng Sang tiếp tục theo đuổi. Vườn rau thông minh-Smart Garden được xây dựng trên nền tảng Universal Windows Platform, hoạt động được trên nhiều thiết bị, từ điện thoại thông minh (smart phone) đến máy tính bảng hay máy tính cá nhân, tạo sự đa dạng và cơ động cho người dùng. Tích hợp công nghệ Azure Machine Learning và Power BI là những công nghệ tiên tiến của Microsoft và một số cảm biến khác nhau, Smart Garden giúp người dùng có thể chăm sóc và theo dõi tình trạng khu vườn của mình mọi lúc mọi nơi chỉ qua kết nối Internet.

Cây trồng trong hệ thống Smart Garden có thể được trồng theo phương pháp truyền thống bằng đất và phương pháp thủy canh hiện đại, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, được giám sát và chăm sóc 24/7 nên hầu như không mắc sâu bệnh. Khung giàn trồng cây được thiết kế đơn giản để lắp đặt dễ dàng và thuận tiện ở nhiều mô hình trồng trọt như: Văn phòng, hộ gia đình, nông trường… Theo dự tính của nhóm, nếu sản phẩm được triển khai và nhân rộng ra thị trường thì chi phí là 10 triệu với phương pháp thủy canh và 2 triệu với phương pháp trồng cây truyền thống.

Nguyễn Đăng Minh Hùng-SV Khoa Điện-Điện tử, ĐH Duy Tân, đại diện nhóm dự án chia sẻ: "Thực phẩm không an toàn-vệ sinh là vấn đề nhức nhối hiện nay. Ô nhiễm môi trường và việc chạy theo lợi nhuận nên nhiều người đã sử dụng các chất độc hại làm cho dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả càng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vườn rau thông minh là một sản phẩm dành cho mọi người, ai cũng có thể tạo ra một vườn cây riêng cho mình ngay tại nhà hay các nông trường, mong muốn nâng cao chất lượng, năng suất trồng trọt và đảm bảo an toàn thực phẩm. Những người muốn tự trồng các loại rau xanh-sạch nhưng thiếu kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt hay không có nhiều thời gian để chăm sóc cây trồng có thể dễ dàng lắp đặt và sử dụng hệ thống".

Giải pháp nuôi tôm sạch siêu năng suất không cần thay nước.

Nuôi tôm sạch không cần thay nước

Cũng với mong muốn cung cấp các sản phẩm thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, một nhóm sinh viên khác của Trường ĐH Duy Tân gồm 2 bạn trẻ Huỳnh Minh Trang và Nguyễn Công Đức đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp nuôi tôm sạch siêu năng suất không cần thay nước (Shrimp Farming Pilot). Giải pháp sử dụng vi sinh trực tiếp để xử lý chất thải ao nuôi kết hợp với hệ thống quan trắc ao nuôi tự động bao gồm cảm biến oxy hòa tan, cảm biến nhiệt độ và cảm biến pH. Vi sinh sẽ được nuôi cấy và phát triển trực tiếp trong ao hồ, đóng vai trò xử lý chất thải và làm nguồn thức ăn cho tôm nuôi. Thông qua đó, vi sinh vừa làm sạch môi trường nước, ngăn ngừa dịch bệnh, đồng thời đem lại cho tôm nguồn dinh dưỡng trực tiếp. Từ đó sẽ hạn chế đến mức tối đa quá trình thay nước, ngăn ngừa dịch bệnh, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, giúp tăng mật độ nuôi đạt 400 con/m2 và áp dụng trực tiếp trên ao nuôi mà không cần xây thêm hệ thống xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, chất lượng ao nuôi được theo dõi theo thời gian thực, theo dõi từ xe bằng hệ thống ứng dụng trên web và ứng dụng trên di động, lưu trữ nhật ký chất lượng ao nuôi nên người nuôi trồng có thể kiểm tra bất cứ lúc nào. Hệ thống này còn có chức năng gửi thông báo và dữ liệu định kỳ về chất lượng ao nuôi, gửi cảnh báo ngay lập tức đến người sử dụng qua điện thoại di động khi có sự thay đổi bất thường về chất lượng ao nuôi. Sau mỗi đợt thu hoạch, có thể thả trực tiếp tôm giống mới vào ao nuôi mà không cần phải xử lý, dọn vệ sinh ao… Việc cung cấp thức ăn cho tôm trong ao cũng được người nuôi tính toán sao cho vừa đủ, tránh tình trạng thức ăn dư thừa đọng trong ao gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của tôm nuôi và lãng phí về mặt kinh tế.

Với giải pháp này, nhóm các bạn trẻ SV ĐH Duy Tân mong muốn phát triển chất lượng trong quá trình nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung, góp phần xây dựng một nền công nghiệp nuôi trồng thủy sản sạch, bền vững và thân thiện với môi trường. Giải pháp đã được trao giải Nhất tại cuộc thi "Go Green in the City - Giải pháp Xanh cho Thành phố" năm 2016 do Tập đoàn Schneider Electric tổ chức. Đây là cuộc thi tranh tài về ý tưởng kinh doanh mang tầm cỡ quốc tế nhằm tìm kiếm những giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và sáng tạo cho thành phố thông minh.

Nguyễn Tuấn