Giải phóng Trường Sa

Thứ tư, 24/04/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Quần đảo Trường Sa gồm khoảng 100 hòn đảo, đá, cồn san hô rải rác trên một vùng biển rộng khoảng từ 160 đến 180.000Km2. Từ cuối thế kỷ XVII các chúa Nguyễn đã lập đội Bắc Hải giao cho đội Hoàng Sa kiêm quản để quản lý đối với quần đảo này cùng với đảo Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên. Sau khi thiết lập ách đô hộ ở Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp nhân danh vương quốc An Nam theo hiệp ước Giáp Tuất năm 1874 cũng như Hiệp ước Giáp Thân 1884 chính thức quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dựng bia chủ quyền chiếm giữ đảo Trường Sa và các đảo phụ thuộc vào ngày 13-4-1930. Năm 1931, Thống sứ Nam Kỳ cho sáp nhập các đảo ở Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, năm 1956 chính quyền Sài Gòn sáp nhập các đảo ở Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Đến năm 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang tiến đến thắng lợi hoàn toàn thì cũng là lúc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa (19-1-1974) từ quân đội Sài Gòn. Ngày hôm sau, Ngoại trưởng của Việt Nam Cộng hòa thông báo tình hình cho đại sứ Mỹ G. Matin và khẩn cầu sự ủng hộ, nhưng đã không nhận được trả lời. Lo sợ Trung Quốc mở rộng sự xâm chiếm xuống phía nam, quân đội Sài Gòn đưa hải quân và bộ binh tăng cường đóng giữ quần đảo Trường Sa.

Từ sự phân tích tình hình địch, ta, bạn, bối cảnh quốc tế và khu vực bấy giờ, Bộ Chính trị nhận định cách mạng Việt Nam đang có thời cơ khách quan và chủ quan thuận lợi, nhưng đồng thời cũng chỉ ra rằng các thế lực xâm lược, bành trướng đang tính toán đến việc tranh giành Đông Nam Á. Từ nhận định đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm phải nhanh chóng giải phóng hoàn toàn miền Nam. Liền ngay sau giải phóng Đà Nẵng, ngày 30-3-1975, theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư gửi điện đến Khu ủy 5 và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang do quân đội Sài Gòn chiếm đóng. Chiều 4-4-1975 Quân ủy T.Ư lại gửi bức điện tiếp theo cho Quân khu 5, chỉ thị phải thực hiện kịp thời đánh chiếm các đảo trên biển Đông, đặc biệt là các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Theo dõi tình hình quân đội Sài Gòn đóng trên các đảo đang có dấu hiệu rút quân, ngày 9-4-1975 Quân ủy T.Ư điện chỉ thị cho lực lượng Hải quân phải gấp rút đưa lực lượng ra chiếm đảo theo phương án đã định, bởi “nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm”.

 Giải phóng đảo Song Tử Tây.

Thực hiện quyết tâm chiến lược trên, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương chuẩn bị lực lượng chiến đấu. Ngày 11-4-1975, một phân đội của Đoàn 125 gồm 3 tàu 673, 674 và 675 vừa mới hành quân từ Hải Phòng vào Đà Nẵng ngày hôm trước, được tăng cường thêm một bộ phận lực lượng của Tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5 nhận nhiệm vụ đánh chiếm đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Để bảo đảm bí mật, toàn bộ CBCS đặc công đều nằm ở hầm tàu, phía trên các tàu là các thủy thủ mặc quần áo kiểu dân đánh cá cùng với lưới, ngư cụ để nghi binh. Khi đến vùng biển quốc tế, bị 3 tàu thuộc hạm đội 7 của Mỹ phát hiện áp sát, có cả máy bay phản lực và máy bay trực thăng của chúng bay đến kiểm tra, toàn bộ lực lượng phải đổi hướng đi về phía Hồng Kông để đánh lạc hướng địch, sau đó lợi dụng đêm tối vòng lại, hướng đến đảo Song Tử Tây. Ngày 13-4 Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp điện chỉ thị, cho ý kiến về thời cơ cụ thể để đánh chiếm là: a/ Nếu địch đã rút toàn bộ hoặc rút đại bộ phận thì đánh chiếm ngay. Nếu quân nước ngoài đánh chiếm trước thì đánh chiếm lại; b/ Nếu địch mới có triệu chứng rút hoặc bắt đầu rút thì theo dõi, kịp thời đánh chiếm khi địch rút đại bộ phận; c/ Khi tình hình chung của địch nguy khốn, nhất là tình hình địch ở trọng điểm, thì đánh chiếm ngay.

Khi chỉ còn cách đảo ước chừng 5km, phân đội chiến đấu của tàu 673 bí mật dùng xuồng bơi vào áp sát đảo. Đúng 4 giờ 30 ngày 14-4 tàu 673 nổ phát súng đầu tiên báo lệnh hiệp đồng tác chiến. Quân Sài Gòn dùng súng 12,7mm cùng với cối 82, ĐKZ bắn trả. Tuy nhiên, chỉ sau 30 phút chiến đấu, bộ đội đã chiếm được các vị trí quan trọng. Sau đó tiếp tục truy lùng, kêu gọi số binh sĩ Sài Gòn còn lại trên đảo đầu hàng. Thiếu tướng Mai Năng là người chỉ huy trận đánh ghi nhận câu trả lời của viên sĩ quan quân đội Sài Gòn trên đảo sau khi bị bắt: “Khi thấy các ông nói tiếng Việt, chúng tôi đầu hàng ngay. Trước đó, chúng tôi chống cự bởi nghĩ nước ngoài đổ bộ chiếm đảo”. Quân đội Sài Gòn vội điều 2 tàu HQ16 và HQ402 từ Vũng Tàu ra phản kích, nhưng trên đường hành quân số này không dám tiến đánh Song Tử Tây mà quay về phòng thủ đảo Nam Yết là  nơi đặt trung tâm chỉ huy của lực lượng hải quân quân đội Sài Gòn ở quần đảo Trường Sa. Lúc này, Bộ Tư lệnh Hải quân chủ trương chỉ để lại một bộ phận lực lượng phòng thủ đảo Song Tử Tây, còn lại chuyển về Đà Nẵng củng cố, bổ sung vũ khí trang bị và tổ chức rút kinh nghiệm.

Ngày 21-4 theo kế hoạch mới của đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân ở tiền phương và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, hai  tàu 673 và 641 chở lực lượng của đội 1 Đoàn 126 cùng một số cán bộ của tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5 quay trở ra giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa. 3 giờ sáng ngày 25-4 trận đánh chiếm đảo Sơn Ca kết thúc thắng lợi khiến cho quân đội Sài Gòn đóng ở đảo Trường Sa hoang mang đành phải cho tàu về lánh ở đảo Nam Yết. Nhưng ngay sau đó, phát hiện quân đội Sài Gòn đang chuẩn bị rút quân, hai tàu 673 và 641 lập tức đưa quân đến đổ bộ chiếm đảo Nam Yết vào lúc 10 giờ 30 ngày 28-4. Ngày 29-4, Hải quân ta tiến chiếm đảo Trường Sa lớn vừa mới bị quân Sài Gòn bỏ trống. Đến đây lực lượng hải quân đã kết thúc thắng lợi nhiệm vụ giải phóng các đảo thuộc quần đảo này.

PGS - TS Ngô Văn Minh