Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa là nhiệm vụ cấp bách

Thứ ba, 05/11/2019 14:55

Trong lễ kỷ niệm 20 năm Di sản Văn hóa thế giới Hội An- Mỹ Sơn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh: Quảng Nam là vùng đất có 2 Di sản Văn hóa thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới vì vậy phải đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Hiểu được tầm quan trọng ấy, Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ban hành Chỉ thị 48-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn tỉnh.



TP Hội An ra quân tuyên truyền về  phòng chống rác thải nhựa trong hoạt động du lịch.

Cơ quan Nhà nước không sử dụng sản phẩm nhựa một lần

Đó là nội dung quan trọng trong chỉ thị mới nhất của tỉnh Quảng Nam về chống rác thải nhựa. Chỉ thị nêu rõ, tỉnh Quảng Nam xác định nhiệm vụ giải quyết ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm do rác thải nhựa là nhiệm vụ cấp bách, phải thực hiện thường xuyên và có sự chung tay của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Theo đó, phấn đấu đến ngày 31-12, tất cả các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy và tìm kiếm các sản phẩm thay thế trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Trước mắt, thực hiện ngay việc giảm thiểu, không sử dụng chai nhựa đựng đồ uống ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần... trong mọi hoạt động, cuộc họp, hội nghị hội thảo của cơ quan, đơn vị. Đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, hướng tới mục tiêu thực hiện trong toàn tỉnh theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị đặc biệt lưu ý không sử dụng kinh phí Nhà nước mua sắm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, sau một thời gian tích cực vận động, các sở, ban, ngành và địa phương đã có nhiều hoạt động tích cực để giảm thiểu rác thải nhựa như: chuyển sang sử dụng ly, cốc, bình thủy tinh, inox, bình nước sử dụng nhiều lần trong các cuộc họp, hội nghị và sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp không sử dụng hộp cơm xốp, ly nhựa, muỗng nhựa dùng một  lần. Một số gian hàng sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi ni-lông, bao bì nhựa như túi giấy, túi ni-lông dễ phân hủy, dùng lá chuối, lá dong... tại chợ và đặc biệt là tổ chức các ngày hội không rác thải nhựa tại địa phương. Một số mô hình, hoạt động điển hình về "Chống rác thải nhựa" được các địa phương triển khai... Tuy nhiên, khâu phân loại rác thải chưa được thực hiện tốt, rất nhiều địa phương chưa thực hiện phân loại rác thải tại nguồn gây nên khó khăn cho hoạt động thu gom rác thải.

Nhân rộng mô hình chống rác thải tại Cù Lao Chàm

Tại TP Hội An vừa diễn ra hội thảo "Thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa dựa trên cách tiếp cận học tập chuyển đổi tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam". Hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia về môi trường. Tại đây, các chuyên gia đều thống nhất ý kiến cho rằng mô hình chống rác thải đặc biệt là rác thải nhựa tại Cù Lao Chàm là một điển hình hay, cần nhân rộng. Ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, ngoài việc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm- Hội An đã thực hiện chiến dịch nói không với túi ni-lông vào năm 2009 thì đến năm 2012, Hội An cũng bắt đầu thực hiện phân loại rác và tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại ở mức cơ bản đạt 70% vào năm 2017. Tuy nhiên có thực tế là việc xử lý rác thải bước cuối của địa phương hiện không hiệu quả một phần bởi công nghệ lò đốt đã lạc hậu.

GS-TS. Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam khẳng định giảm thiểu rác thải hiện nay cũng là đóng góp cho quá trình xóa đói giảm nghèo đặc biệt là các địa phương dồi dào về tài nguyên. Nếu rác thải vẫn tiếp tục tăng lên, các loài thú quý hiếm còn lại trước sau gì cũng bị đe dọa và tiêu diệt. Đối với Cù Lao Chàm thì việc giữ gìn môi trường sẽ góp phần to lớn trong việc duy trì hệ sinh thái và đảm bảo đời sống du lịch cho người dân. GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí cho rằng, mỗi khu sinh quyển trên cả nước nên là một mô hình phát triển bền vững của địa phương. Một vài mô hình khu sinh quyển thế giới ở nước ta như Cù Lao Chàm- Hội An, Nghệ An hay Đồng Nai hiện đã được đưa vào các nghị quyết của các địa phương để phấn đấu trở thành mô hình phát triển bền vững cho địa phương, đây là thành công bước đầu. GS lưu ý 3 bước tiên quyết mà các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở nước ta cần sớm hướng tới để thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa bao gồm: Phân tích xây dựng kế hoạch hành động, hành động và giám sát, điều chỉnh kế hoạch đó.

Theo TS Chu Mạnh Trinh- BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, người đã gắn bó với nơi này từ những ngày đầu tiên thành lập Khu dự trữ sinh quyển cho rằng đã đến lúc các địa phương cấp huyện cũng cần phải có ban quản lý rác thải sinh hoạt để điều phối các hoạt động liên quan theo vòng đời rác thải. Điều này không chỉ nhằm mục đích giải quyết lượng rác sản sinh ra mỗi ngày mà còn góp phần gia tăng trách nhiệm của cộng đồng, gắn với hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước chặt chẽ hơn.

Bà Trần Lan Hương- Văn phòng UNESCO Việt Nam chia sẻ, thời gian qua hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cùng các tổ chức phi chính phủ đã tích cực phối hợp quảng bá các sản phẩm hữu cơ, dịch vụ thân thiện với môi trường. Đây là những thành viên tích cực trong mạng lưới Hội An Zero waste và cần khuyến khích mở rộng. Bà Hương cho biết mô hình giảm thiểu rác thải tại Cù Lao Chàm được xem là điển hình, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường và giữ gìn di sản của nhân loại. Đây là điều mà tổ chức UNESCO rất quan tâm.

ĐỒNG DAO