Giải quyết tình trạng “ngồi nhầm chỗ” trong giáo dục đại học

Thứ ba, 01/10/2013 11:53

(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH – CĐ giai đoạn 2006- 2020 trong đó có nhiều chỉ tiêu liên quan đến việc điều chỉnh quy mô, chất lượng đào tạo, đặc biệt nhấn mạnh tới việc tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Trong đó có điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường và có điều chỉnh lại cơ cấu ngành nghề đào tạo như ngành kinh tế, khoa học xã hội rồi ngành kỹ thuật, sư phạm, y dược...

Theo đó, năm 2013, Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai rà soát việc đảm bảo chất lượng của tất cả các ngành đào tạo ở trình độ đại học. Dự kiến có khoảng 2.000 ngành đào tạo đại học sẽ được rà soát và kiểm tra. Kế hoạch năm 2014 tiếp tục kiểm tra rà soát lại tất cả các ngành đào tạo ở trình độ cao đẳng. Theo PGs, Ts Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT: Đúng là thời gian qua có hiện tượng như một số người nói là “ngồi nhầm chỗ” trong giáo dục đại học. Bộ đã nhìn rõ thực tế này, từ đó  đề ra chủ trương kiên quyết chấn chỉnh giáo dục đại học.

Chất lượng đào tạo sinh viên phụ thuộc nhiều vào tuyển chọn đầu vào của cơ sở đào tạo.

Cụ thể đã xây dựng và ban hành Thông tư 55 có hiệu lực từ đầu năm 2013 với mục đích là đưa đào tạo liên thông về đúng bản chất của nó. Đó là giúp người học tích lũy được kiến thức, bảo lưu kết quả học tập ở bậc dưới để học tiếp trình độ cao hơn. Tuy nhiên thực tế nhiều năm vừa qua cho thấy đào tạo liên thông đã biến tướng không đúng với bản chất của nó mà trở thành một hình thức đào tạo, một hệ đào tạo riêng, tạo ra một hình thức là đào tạo chính quy liên thông, đào tạo vừa học vừa làm liên thông.

Để cảnh báo cho các nhà trường, cho thí sinh trong việc đăng ký thi tuyển vào các trường ĐH- CĐ, lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã phát đi cảnh báo xã hội về việc dư thừa nguồn nhân lực như vấn đề dư thừa nguồn nhân lực khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, ngành kế toán kiểm toán. Năm 2013, Bộ GD-ĐT tiếp tục cảnh báo và số lượng thí sinh đăng ký vào ngành này tiếp tục giảm 10% so với năm 2012.

Bộ cũng đã dừng mở mới một số ngành đào tạo mà năng lực đào tạo đã dư thừa như khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, và gần đây nhất là dừng mở mới khối ngành đào tạo sư phạm và giáo viên. Bên cạnh đó Bộ đã phát đi thông điệp là  tạm dừng nhận hồ sơ nâng cấp các trường từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học. Căn cứ vào quy hoạch mạng lưới các nhà trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ sẽ chủ động làm việc với các Bộ, ngành, các địa phương về việc thành lập mới hoặc là nâng cấp các trường.

H.H