Giảm căng thẳng, không giảm khó khăn
Sau thời gian dài tranh cãi gay gắt, cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ ra phán quyết thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson, động thái giúp giảm căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia đồng minh. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn lắm gian nan.
Mục sư Brunson được Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do sau khi bị giam giữ gần 2 năm với cáo buộc giúp đỡ các nhóm khủng bố, đã về đến Joint Base Andrews, bang Maryland hôm 13-10 (giờ địa phương). Quyết định giải phóng công dân sống hơn 50 năm ở tỉnh phía tây Izmir rõ ràng đã giúp giảm bớt sự bế tắc ngoại giao giữa Ankara và Washington trong năm qua, vụ việc vốn gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế và tiền tệ nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nó cũng có vẻ là kết quả của một bước đột phá trong chính sách “ngoại giao thầm lặng” được tăng cường gần đây giữa các quan chức từ cả hai bên về vấn đề thả ông Brunson, vụ việc đã làm bùng nổ khủng hoảng gay gắt giữa các đồng minh NATO. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, các cáo buộc khủng bố đối với mục sư này là hoàn toàn mang động cơ chính trị và trả đũa bằng các biện pháp tăng thuế cũng như trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara cũng áp dụng các biện pháp thương mại chống lại Mỹ trong khi tìm cách trao đổi có lợi: Ankara sẽ thả mục sư Brunson để đổi lấy giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người nước này buộc tội đứng sau vụ đảo chính bất thành lật đổ chính quyền Tổng thống Erdogan. Nhưng Washington không đồng ý mà chỉ nhắc đi nhắc lại rằng, việc thả mục sư Brunson và các công dân Mỹ khác bị bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính sẽ là một bước tiến quan trọng hướng đến sự hòa giải giữa Ankara và Washington.
Nếu mục sư Brunson được tự do, trở ngại quan trọng cho sự trở lại bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sẽ được dỡ bỏ. Đây chính là bước quan trọng hướng tới việc mở lại các cuộc đàm phán cho các vấn đề nổi bật khác giữa Mỹ-Thổ. Thật sự, trường hợp của mục sư Brunson là thử nghiệm quan trọng đối với quan hệ song phương và khi trở ngại này được dỡ bỏ, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cuối cùng sẽ cố gắng vá vấp mối quan hệ đang bị lủng lỗ chỗ.
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản vậy. Trong khi vụ việc của mục sư Brunson được giải quyết, vẫn còn một số điểm đầy thách thức giữa hai quốc gia đồng minh NATO như sự khác biệt liên quan đến cuộc chiến Syria và trường hợp của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen mà Ankara muốn được dẫn độ về nước. Ngoài ra, cũng còn một số công dân Mỹ và nhân viên lãnh sự địa phương bị bắt như ông Brunson sau các hoạt động trấn áp của chính quyền Ankara trong năm 2016. Vì vậy, cả hai cũng khó có thể nhanh chóng phục hồi quan hệ đối tác chiến lược.
THANH VĂN