Giám đốc bệnh viện C Đà Nẵng: Lập kế hoạch đấu thầu thuốc và thực tế sử dụng là các vấn đề khác nhau

Thứ bảy, 09/06/2018 12:40

Theo Kết luận số 77/KL-TTrB của Thanh tra Bộ Y tế (TTBYT), ngày 23-5-2018, TTBYT đã phát hiện Bệnh viện C Đà Nẵng (BV C) lập kế hoạch đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế của năm sau quá cao so với giá trị tiền thuốc sử dụng thực tế năm trước. Thông tin này đã ảnh hưởng không tốt về BV C. Trả lời phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc BV C Đà Nẵng cho biết: Việc lập kế hoạch đấu thầu thuốc và thực tế sử dụng thuốc là 2 vấn đề khác nhau.

Kết luận của TTBYT: BV C lập kế hoạch đấu thầu thuốc (KHĐTT), vật tư tiêu hao không sát thực tế, tăng gấp nhiều lần: giá trị tiền thuốc sử dụng cả năm 2014 là hơn 30 tỷ đồng, nhưng BVC lập KHĐTT mua thuốc năm 2015 là hơn 196 tỷ đồng, tăng gấp 6,49 lần; giá trị tiền thuốc sử dụng cả năm 2015 hơn 50 tỷ đồng, nhưng BVC lập KHĐTT mua thuốc năm 2016  là hơn 172 tỷ đồng, tăng gấp 3,41 lần; giá mua vật tư tiêu hao và hóa chất xét nghiệm theo nhu cầu của BV trong năm 2014 hơn 26 tỷ đồng, trong khi KHĐTT năm 2015 là hơn 133 tỷ đồng; tương tự, giá tiền mua vật tư tiêu hao và hóa chất xét nghiệm theo nhu cầu của BVC cả năm 2015 là hơn 66 tỷ đồng, trong khi KHĐTT năm 2016 là hơn 182 tỷ đồng. Thông tin này ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến BVC, thậm chí có thể sẽ gây nên nghi vấn không đúng, sai lệch.

Về vấn đề này, Ths, Bs Nguyễn Trọng Thiện lý giải: "Trong năm 2015, gói thầu thuốc chúng tôi xây dựng kế hoạch là hơn 196 tỷ đồng, giá trị trúng thầu của gói thầu thuốc là hơn 135 tỷ đồng, nhưng thực tế sử dụng tại BV, tổng mua trong năm hơn 50 tỷ 490 triệu đồng; năm 2016, tổng giá trị gói thầu là 141 tỷ, nhưng tổng mua 56 tỷ đồng. Thực tế, việc lập kế hoạch, đấu thầu và thực tế sử dụng là các vấn đề khác nhau".

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, việc lập KHĐTT của BVC  phụ thuộc vào nhiều vấn đề; trong đó quan trọng nhất là phải đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân tốt nhất. Vì vậy, có một số hạng mục có khi cả năm chỉ dùng một vài loại thuốc, một số đơn vị, thậm chí có khi không dùng đến nhưng vẫn phải đưa vào KHĐTT để đề phòng lúc bệnh nhân cần dùng hoặc phòng khi xảy ra những tình huống thảm họa, thiên tai, cấp cứu có thể đáp ứng được ngay. Bởi vì, nếu thuốc đó không có trong danh mục thì BV không được phép dùng và BHXH cũng sẽ không thanh toán. Có những loại thuốc cả năm không dùng đến, nhưng BV vẫn phải dự trù, chẳng hạn: thuốc kháng nọc rắn có khi cả năm không có bệnh nào bị rắn cắn vào BV C, nhưng khi xây dựng danh mục trong KHĐTT, BV vẫn phải đưa vào dự phòng khi có bệnh nhân, vì BV không thể từ chối KCB cho bệnh nhân chỉ vì không có thuốc. Khi xây dựng KHĐTT chỉ là dự kiến và bao giờ cũng phải cao hơn, còn thầu trúng bao nhiêu và thực tế sử dụng thuốc trong năm như thế nào lại là vấn đề khác. Không ai có thể dự đoán trước tình hình bệnh, số lượng bệnh nhân năm sau cao hay thấp hơn năm trước là bao nhiêu, những danh mục thuốc nào tăng, danh mục thuốc nào giảm, chưa kể đến việc phải dự phòng khi thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và sẽ có một số lượng thuốc không trúng thầu…

Bởi vậy, không thể nói rằng, khi lập KHĐTT căn cứ vào thực tế sử dụng thuốc năm nay là 50 tỷ đồng, thì sang năm lập KHĐTT khoảng 60 tỷ đồng thôi. Hơn nữa, hằng năm, quyết toán theo thực tế sử dụng thuốc, chứ không phải là KHĐTT, nên không gây thiệt hại cho Nhà nước, cũng không có tiêu cực trong vấn đề này.

Ngay sau khi có kết luận của TTBYT, BVC đã tổ chức 2 cuộc họp Ban giám đốc và các phòng chức năng; BV sắp xếp lại đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao năng lực công tác đấu thầu. BV cũng rút kinh nghiệm nghiêm túc một vài thiếu sót, như sẽ thực hiện đăng kết quả đấu thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia, vì thời gian qua, BVC mới đăng công khai trên mạng BVC và BHXH.

HỒNG NHẬT