Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng: “Mở thêm các kênh phân phối để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân”

Thứ tư, 25/08/2021 12:33

Lãnh đạo Sở Công thương Đà Nẵng đánh giá việc cung ứng thực phẩm trong những ngày đầu không ra khỏi nhà là “người dân tương đối hài lòng” đã nhận về nhiều ý kiến phản ứng. Dư luận cho rằng trong bối cảnh nhu yếu phẩm khan hiếm, vai trò của ngành Công thương quá mờ nhạt, chưa vào cuộc một cách quyết liệt. Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công thương về thực tế trong những ngày qua cũng như phương án mở rộng kênh phân phân phối hàng hoá cho người dân trong thời gian tới.

Bà Lê Thị Kim Phương.

Tại buổi họp báo ngày 24-8, bà nói rằng “người dân cơ bản hài lòng” về chuyện cung ứng lương thực, thực phẩm trong những ngày qua. Tuy nhiên nhiều người cho rằng đánh giá này là không theo kịp diễn biến của thực tế. Bà có thể nói rõ người dân hài lòng ở chỗ nào?

+ Trong bối cảnh đó có thể tôi chưa diễn đạt hết ý nên dễ bị hiểu nhầm. Chúng tôi đánh giá trong tuần đầu tiên từ ngày 16 đến ngày 22-8 người dân cơ bản hài lòng vì có sự chuẩn bị từ trước, có nguồn hỗ trợ của thành phố và một ít đã đặt hàng trong siêu thị, dù số lượng không nhiều. Chúng tôi khảo sát và nhận thấy những ngày đầu có siêu thị còn bị úng đồ vì không bán được.

Nhưng thời gian cuối tuần và đặc biệt qua ngày 23, 24-8 thì lượng hàng tăng đột biến đến mức các siêu thị không thể đáp ứng được. Điều này dễ lý giải là trong điều kiện bình thường thì bản thân siêu thị chỉ cung ứng 20-30% yêu cầu của thị trường, nằm ở tầng lớp có thu nhập, còn lại là các chợ truyền thống và cửa hàng tạp hoá. Trong khi bây giờ chợ và cửa hàng tạp hoá dừng hẳn không hoạt động, mọi áp lực dồn về siêu thị thì siêu thị “vỡ” là đúng. Khi người dân nghe tin thành phố tiếp tục 10 ngày “không ra khỏi nhà” thì tâm lý người dân lo lắng cũng là điều dễ hiểu.

Ngành Công thương đã đề xuất những phương án gì để chủ động nguồn hàng cho dân trong những ngày tới?

+ Hiện nay Sở cho tăng thêm 60% nhân lực làm việc tại các siêu thị, cửa hàng phân phối, đội ngũ shipper công nghệ cũng sẽ hoạt động trở lại từ 26-8. Tuy nhiên năng lực cung ứng cũng không thể giải quyết được nhiều.

Đánh giá được nhu cầu của dân là rất lớn, ngay sau cuộc họp chiều 24-8 Sở đã dự trù một số phương án và sáng nay đã xin ý kiến của Thường trực Thành uỷ, lãnh đạo thành phố. Đó là cho mở thêm các cửa hàng tạp hoá, thêm một số chợ truyền thống và nâng công suất tối đa của các siêu thị, đầu mối phân phối lớn lên 100%.

Bà Phương cho rằng shipper hoạt động trở lại và mở thêm các kênh phân phối sẽ góp phần giải bài toán về nhu cầu thiết yếu của người dân.

Trước đây shipper hoạt động theo diện ký hợp đồng với siêu thị. Tuy nhiên bây giờ sẽ có thay đổi, ví dụ như Grab họ có lực lượng khoảng 500-600 người thì cho họ đứng ra hoạt động với chương trình đi chợ hộ. Trước mắt cho hoạt động khoảng chừng 30% để họ tự kết nối với chuỗi cung ứng, tích hợp luôn với các hệ thống cửa hàng tạp hoá vào trong app. Chính đỗi ngũ shipper sẽ thông tin cho người dân về cơ sở, đầu mối cung ứng, người dân đi chợ đặt hàng qua đó, tăng lựa chọn và chia sẻ áp lực với siêu thị.

Chúng tôi cũng đã đề xuất phương án mở lại một số chợ truyền thống. Việc này phải dễ đâu, nếu dễ thì đã mở rồi, nguy cơ lây nhiễm rất là lớn. Trước mắt chỉ mở lại một ít chợ có khả năng cung ứng tốt và phải năm khu vực có yếu tố dịch tễ an toàn.

Dư luận đánh giá trong đợt vừa qua Sở Công thương bị động, mờ nhạt với vai trò của mình. Bà có ý kiến gì với đánh giá này.

+ Thực ra Sở Công thương vẫn làm việc với nhiều phương án. Có điều chúng tôi không có lên báo chí nhiều. Chúng tôi vẫn làm việc với các siêu thị về việc yêu cầu đảm bảo nguồn hàng. Đó là công việc thường xuyên chứ không phải chỉ riêng trong bối cảnh dịch bệnh. Vấn đề chính ở đây là lâu nay hạn chế người ra đường, tuân thủ quy định chống dịch nên mọi phương án nêu ra đều bị vướng chỗ này.

Tôi khẳng định lại là nguồn hàng không có thiếu, chẳng qua là không có đủ nguồn nhân lực để họ làm hàng. Đến hiện nay vẫn áp dụng 3 tại chỗ, 30% con người trong khi ở điều kiện bình thường thì chuỗi vận hành cung ứng của họ phải là 100% nhân lực. Dồn hết nhu cầu của cả thành phố vào siêu thị, con người giảm, công việc tăng thì không thể nào đáp ứng đầy đủ được.

Siêu thị không đủ khả năng cung ứng hay nguồn hàng từ ngoài vào thành phố không đủ?

+ Nguồn hàng vào thành phố là có, ổn định. Có chăng là tần suất di chuyển bị kéo dài do việc đi lại khó khăn hơn. Ví dụ trong điều kiện bình thường thì khoảng 2-3 ngày là hàng về, nhưng bây giờ nó sẽ kéo dài thêm một hai ngày nữa. Trong khi đó bình thường siêu thị họ tích trữ trong kho theo phương án bán rải rác, hàng ra từng đợt đều đặn trong khi bây giờ lượng hàng tăng đột biến thì hàng nhanh hết.

Vậy người dân có thể yên tâm với những nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm trong những ngày tới không?

+ Trước mắt ngành Công thương cũng mong muốn người dân phải nhìn thấy vấn đề thị trường hiện nay để có sự chia sẻ. Vừa đảm bảo chống dịch, đơn vị cung cấp hạn chế, nhân lực của từng đơn vị cũng phải hạn chế luôn thì rất là khó để cùng lúc đạt được hai mục tiêu.

Sở Công thương thì đang nỗ lực hết sức để xây dựng phương án vừa đảm đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân vừa đảm bảo chống dịch. Đó là bài toán không phải dễ dàng. Điều cần thiết để người dân có hàng, không chậm trễ là phải nới lỏng hơn để mở rộng thêm kênh phân phối trên cơ sở tuân thủ quy định chống dịch. Việc mở lại một số chợ truyền thống có yếu tố dịch tễ an toàn, hệ thống cửa hàng tạp hoá... sẽ giảm áp lực cho siêu thị. Các phương án đề xuất sẽ được Thường trực Thành uỷ, UBND xem xét và chốt trong thời gian sớm nhất, có thể là chiều nay.

CÔNG KHANH