"Giam lỏng" doanh nghiệp

Thứ sáu, 29/03/2019 10:24

- Doanh nghiệp nào mà bị "giam lỏng" vậy Hai xứ Nghệ?

- Công ty CP Bao bì Quốc tế Eco (Cty Eco) đóng tại xã Diễn Thọ, H.Diễn Châu (Nghệ An)

- Cơ sự nào mà ra nông nỗi vậy?

- Dự án nhà máy sản xuất bao bì của Cty Eco được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định 2743/QĐ-UBND ngày 24-6-2017, với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng, trên diện tích hơn 4,3 ha tại Khu A, KCN Thọ Lộc (thuộc KTT Đông Nam). Tuy nhiên, nghịch lý phát sinh bắt đầu từ khi nhà máy đi vào hoạt động, đó là việc phải "thuê đường" để đi lại.

     - Hai xứ Nghệ nói sao ấy chứ? tỉnh Nghệ An luôn trải thảm đỏ thu hút đầu tư thì sao lại có chuyện doanh nghiệp phải "thuê đường" như vậy được?

    - Nguyên nhân là do cung đường N2 đi vào KCN Thọ Lộc được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng phải đi qua cung đường sắt Bắc- Nam tại Km289+515 thuộc địa phận xã Diễn An. Theo lộ trình, nút giao cắt giữa đường sắt và đường ngang phải có cầu vượt. Tuy nhiên, do tỉnh Nghệ An chưa có kinh phí làm cầu vượt nên ngành đường sắt đã "chôn cọc", ngăn không cho xe có trọng tải lớn đi qua. Với việc này, Cty Eco đã bị "vô hiệu hóa". Do đó, muốn ra vào nhà máy, chủ đầu tư buộc phải hợp đồng với Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh cho mở lối cắt ngang đường sắt Bắc-Nam để lưu thông xe vận chuyển hàng hóa.

    - Thuê theo hình thức như thế nào?

    - Theo ông Trần Viết Hữu- Giám đốc Cty Eco, hàng tháng Cty phải trả hơn 40 triệu đồng (tháng 8, 9, 10-2018); tháng 1, 2-2019 giảm xuống còn 35 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1 đến 30-3 này là hơn 31,4 triệu đồng. Cũng theo ông Hữu, việc doanh nghiệp phải bỏ tiền để hợp đồng với ngành đường sắt như vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, cạnh tranh của công ty.

- Các cơ quan chức năng Nghệ An trả lời sao trước vấn đề này?

-  Ông Phan Xuân Hóa- Phó trưởng BQL KKT Đông Nam, cho biết: Chủ đầu tư đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND tỉnh đề xuất vướng mắc tại nút giao cắt đường N2 với đường sắt Bắc-Nam vào nhà máy. KKT Đông Nam cũng đã nhiều lần đề xuất Bộ GTVT cho mở đường ngang tại đường N2, nhưng không được đồng ý. Kinh phí làm cầu vượt phải có hàng trăm tỷ đồng, nhưng hiện nay UBND tỉnh Nghệ An chưa có kinh phí để đầu tư cho dự án. Vấn đề này, Cty Eco phải tự làm hợp đồng và trả kinh phí cho bên Công ty đường sắt Nghệ Tĩnh.

   - Thiết nghĩ, bất cập này không xảy ra với riêng Cty Eco mà về lâu dài, nếu việc lưu thông qua đường N2 vẫn gặp khó khăn như hiện nay, chắc chắn không có doanh nghiệp nào dám "mạo hiểm" bỏ vốn đầu tư vào KCN Thọ Lộc.

N.X.D