Giảm lũ cho hạ lưu là ưu tiên hàng đầu

Thứ ba, 24/06/2014 09:35

(Cadn.com.vn) - Ngày 23-6, tại TP Đà Nẵng, Bộ TN&MT phối hợp với UBND TP Đà Nẵng chủ trì công bố Quyết định số 909/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa mới ký ngày 16-6-2014 về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong mùa lũ hàng năm. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai khẳng định:

KHÔNG ĐƯỢC ĐỂ LŨ CHỒNG LÊN LŨ

Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Tài nguyên nước cho biết, từ ngày 1-9 đến ngày 15-12 hàng năm, các hồ chứa A Vương, Đắc Mi 4, Sông Tranh 2 trên lưu vực Vu Gia-Thu Bồn phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên là, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện này, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm; góp phần giảm lũ cho hạ du nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả phát điện. Điều quan trọng được ông Hoàng Văn Bảy nhấn mạnh là, không được để lũ chồng lên lũ gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực ven sông vùng hạ du hồ chứa.

Về mặt nguyên tắc, khi Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo có bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc có các hình thế thời tiết khác có khả năng gây mưa, lũ mà trong vòng 24 đến 48 giờ tới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên lưu vực Vu Gia-Thu Bồn, Trưởng BCH PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam quyết định việc vận hành các hồ. Trong đó, đặc biệt đề cập đến việc vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ, vận hành giảm lũ cho hạ du, vận hành đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ.

Vào thời điểm khi không tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, nếu có yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng thì hồ Đắc Mi 4 phải xả nước về hạ lưu sông Vu Gia theo yêu cầu nhưng không vượt quá 12,5m3/s và khi Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo có khả năng xuất hiện lũ lớn ngoài thời gian từ ngày 1-9 đến 15-12 hàng năm, Trưởng BCH PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam quyết định vận hành các hồ chứa A Vương, Đắc Mi 4 và Sông Tranh theo quy trình mới này.

Quy trình vận hành liên hồ chứa cũng quy định rất rõ trách nhiệm, tổ chức vận hành các hồ chứa và cung cấp thông tin, báo cáo cho từng địa phương, của các bộ, ngành T.Ư và cả trách nhiệm của Giám đốc đơn vị quản lý, vận hành các hồ A Vương, Đắc Mi 4, Sông Tranh 2.

Điều đáng quan tâm là tại hội nghị công bố Quyết định 909/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ vào sáng 23-6-2014 diễn ra tại TP Đà Nẵng đã có nhiều ý kiến chung quanh vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai (phải) và PCT UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết chủ trì hội nghị.

PHẢI CÓ CƠ CHẾ GIÁM SÁT CHẶT CHẼ

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng thừa nhận, quy trình lần này có tính khả thi cao hơn quy trình cũ và trách nhiệm của địa phương cũng rõ ràng, minh bạch và cụ thể hơn. Tuy nhiên, ông Thắng cũng mong rằng trong quá trình thực hiện quy trình, rất cần các bộ, ngành T.Ư có chuyên môn cùng vào cuộc để đảm bảo quy trình vận hành một cách có hiệu quả.

Bên cạnh đó, do đặc điểm mưa, lũ ở miền Nam thường bắt đầu trễ và kết thúc trễ hơn so với miền Bắc một tháng nên cần tính toán việc điều tiết, cắt giảm lũ của các hồ, đập thủy điện cho phù hợp, nếu không sẽ gây nhiều khó khăn cho hạ du. Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công Thương đề nghị, Bộ TN&MT cũng nên tính đến việc điều tiết lũ đối với các thủy điện nhỏ trên lưu vực để có kịch bản điều tiết tốt hơn.

Còn ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng nhắc lại câu chuyện cũ “ưu tiên cho thủy điện dẫn đến hạ lưu ngập lụt” để đề nghị, khi đã có quy trình, mong các chủ đầu tư xem thử có vấn đề gì cần giải quyết để giảm lũ cho hạ lưu tốt như xây dựng một kịch bản hoàn chỉnh chẳng hạn.

Ông Ngô Việt Hải, Tổng Giám đốc Tổng Cty Phát điện 2, hiện đang quản lý một số thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc Quyết định 909 của Thủ tướng về quy trình vận hành hồ chứa lưu vực này trong mùa lũ hàng năm. Tuy nhiên, ông Hải băn khoăn về hiệu quả đầu tư cho các dự án bằng các con số cụ thể.

Đó là, hàng năm làm giảm 675,1 triệu kWh, 212,7 MW công suất đảm bảo trong hệ thống. Điều đó cũng đồng nghĩa với doanh thu giảm 645 tỷ đồng. Để giải quyết vấn đề này, ông Hải đề nghị xem xét trong việc thanh toán giá điện của các nhà máy trong thị trường điện cạnh tranh như hiện nay.

Với tư cách là người đồng chủ trì hội nghị, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định, đây là một chủ trương lớn, triển khai kịp thời, đồng thời đây chính là điều kiện, cơ sở pháp lý với nền tảng số liệu cụ thể để Đà Nẵng, Quảng Nam triển khai thực hiện và giám sát việc thực thi quyết định này và đề nghị Bộ TN&MT phải là cơ quan trọng tài xử lý các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo sự an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân vùng ven sông và hạ du bị tác động.

Ông Viết cũng yêu cầu lãnh đạo các nhà máy và đơn vị liên quan phối hợp một cách đồng bộ để vận hành theo đúng quy trình và kịp  thời xử lý các tình huống xấu xảy ra. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai đặt ra yêu cầu là, phải đảm bảo an toàn mùa lũ là nhiệm vụ trên hết, không để lũ chồng lên lũ; nâng cao tính dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin chính xác; đồng thời phải xây dựng kịch bản cũng như khẩn trương hoàn thiện dự thảo quy trình hồ cạn để trình Chính phủ phê duyệt...

Phương Kiếm