Gian nan chống lao
(Cadn.com.vn) - Hôm nay ( 21-3), Đà Nẵng sẽ tổ chức mít-tinh lớn tại Nhà văn hóa Lao động TP để hưởng ứng ngày Thế giới chống lao. Mặc dù tại Đà Nẵng, tỷ lệ người mắc lao đã giảm, tuy vậy công tác phòng chống lao vẫn còn nhiều rào cản.
NHỮNG CẢNH BÁO
Lao là một trong số ít các bệnh gây tử vong cao nhất thế giới. Năm 2010 có 8,8 triệu người mắc lao và 1,4 triệu người đã tử vong. Tại VN, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 180 ngàn ca bệnh lao mỗi năm và xếp thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, mỗi năm VN chứng kiến khoảng 30 ngàn người chết vì bệnh lao. Mặc dù với điều kiện kỹ thuật hiện nay, việc khám, điều trị khỏi bệnh lao nếu được phát hiện sớm không phải quá khó khăn. Tuy nhiên, lo ngại ở chỗ tỷ lệ người mắc lao ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt với phụ nữ tuổi từ 15-44 thì bệnh lao nằm trong số ba bệnh gây tử vong hàng đầu.
Một cảnh báo khác, nhóm người nhiễm HIV đồng thời mắc bệnh lao cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 5 ngàn bệnh nhân vừa mắc lao vừa mắc HIV được phát hiện. Với người đã nhiễm HIV thì bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (khoảng 1/4 số người nhiễm HIV chết vì bệnh lao). Theo phân tích, 75% người mắc lao ở lứa tuổi lao động đã ảnh hưởng tới thu nhập, năng suất lao động. Đã thế, người nghèo dễ mắc lao cao hơn người không nghèo tới 2,5 lần. Phần lớn người nghèo do hoàn cảnh khó khăn nên họ không quan tâm, bỏ mặc điều trị.
Một vấn đề nan giải khác của ngành Y tế đó là lao kháng thuốc. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 27 quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao, chiếm khoảng 85% số ca bệnh lao kháng thuốc ước tính trên toàn cầu (3.500 ca lao kháng đa thuốc/năm). Lao kháng thuốc khiến việc điều trị khó khăn, tỷ lệ khỏi bệnh thấp, tử vong cao. BS Lê Văn Đức- Giám đốc BV Lao-phổi Đà Nẵng cho biết, hiện tỷ lệ mắc bệnh lao tại Đà Nẵng đang có xu hướng giảm, tuy nhiên căn bệnh này vẫn là vấn đề y tế cộng đồng nghiêm trọng. Theo số liệu tỷ lệ mắc lao tại TP giảm từ 115 bệnh nhân lao phổi có ho khạc ra vi trùng /100.000 dân của năm 2006 đến nay đã giảm còn 81/100.000 dân; lao mọi thể cũng đã giảm từ 190/100.000 còn 169/100.000 trong năm 2012.
Số bệnh nhân lao kháng thuốc ngày càng tăng. |
Một trong lý do khiến tỷ lệ mắc lao ở Đà Nẵng giảm, theo BS Đức đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt trong tuyên truyền, phòng chống lao ở các tuyến, từ quận huyện tới xã phường. Mặt khác Đà Nẵng đã được đầu tư khá bài bản để xây dựng bệnh viện chuyên ngành lao-phổi với qui mô 100 giường bệnh, không chỉ đáp ứng chữa trị cho người dân TP mà còn phục vụ các tỉnh lân cận. Với các trang thiết bị hiện đại của BV có thể chẩn đoán sớm, chính xác bệnh lao và có thể điều trị khỏi tất cả các thể lao kể cả bệnh lao kháng thuốc. Đơn cử năm 2010, cả thế giới chỉ có 16 điểm có máy chẩn đoán bệnh lao kháng thuốc thuộc loại hiện đại nhất, thì tại BV lao – phổi Đà Nẵng cũng được trang bị. Hiện tại với phương tiện hiện đại, phần lớn bệnh nhân khi tới đều được phát hiện bệnh sớm, điều trị trong thời gian ngắn có thể chuyển về tuyến dưới.
Trong khi đó các bệnh nhân bị nặng tại khoa kháng thuốc đến từ nhiều tỉnh miền Trung. Kỹ thuật, hạ tầng không lo, tuy vậy theo BS Đức cái lo nhất hiện nay là nhân lực. BV Lao- phổi Đà Nẵng cũng trong tình trạng chung của cả nước thiếu bác sĩ chống lao trầm trọng.
Một thực tế khác là tỷ lệ lao kháng thuốc ngày càng tăng do cơ quan chức năng không quản lý được thuốc chống lao trôi nổi trên thị trường, người dân mua dùng để tự chữa bệnh, kết cục không đúng phác đồ, gây kháng thuốc. Với thực tế nhiều rào cản như thế, để thực hiện được mục tiêu tới 2015 giảm 50% số ca mắc lao mới thì việc tuyên truyền tới tận khu phố nhằm nâng cao ý thức phòng chống lao cho người dân phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa.
Hải Quỳnh