Gian nan con chữ vùng cao

Thứ sáu, 11/09/2015 11:10

(Cadn.com.vn) - Cùng đoàn từ thiện "Tiếp sức đến trường" do Tổ chức Tư vấn Du học, Du lịch và Định cư (EduPath) phối hợp Cty TNHH Xây dựng & Thương mại Saiko cùng Cty TNHH MTV Kiến trúc & Nội thất Asidec đến tặng quà cho học sinh miền núi H. Tây Giang (Quảng Nam), chúng tôi cảm nhận được sự gian nan, vất vả của thầy và trò vùng biên trước thềm năm học mới 2015-2016.

Tiếp chuyện với chúng tôi tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, Hiệu trưởng Hồ Thị Tâm chia sẻ: Học sinh của trường hầu hết là con em đồng bào dân tộc Cơ Tu vùng biên giới Việt - Lào thuộc các xã A Tiêng, A Nông và A Lăng. Đời sống người dân đa phần khó khăn nên chuyện học hành của con em ít được phụ huynh quan tâm đúng mực. Vậy nên, việc dạy và học ở đây còn gặp nhiều khó khăn. Tiếng là trường nằm ở vị trí trung tâm H. Tây Giang nhưng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu nhiều thứ. Toàn trường hiện có hơn 300 học sinh của 12 lớp nhưng mới chỉ có 6 phòng học.

Vậy nên, học sinh chỉ được học mỗi ngày một buổi. Thêm nữa, do cuộc sống bà con khó khăn nên việc học tập của con cái, từ sách vở, quần áo, ăn ở bán trú... đều phó mặc cho nhà trường và chính quyền. Cấp Tiểu học thì Nhà nước đầu tư sách vở miễn phí nhưng bắt đầu từ cấp THCS thì đầu năm học chỉ được hỗ trợ 12 cuốn vở. Còn sách thì nhà trường đầu tư 1 lần theo kiểu cuốn chiếu, lứa này học xong nộp lại để sang năm lứa đàn em có cái mà học. Năm nào cũng vậy, nhà trường phải đầu tư kinh phí mua sắm bổ sung vào số bị rách, hư hỏng. Với những em học sinh nhà ở xa, bán kính cách trường 7km thì được nhà trường cho ăn ở bán trú tại chỗ. Hiện toàn trường có hơn 100 học sinh ăn ở bán trú theo mức hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền.

Các thành viên đoàn từ thiện "Tiếp sức đến trường" chụp ảnh lưu niệm với học sinh được nhận xe đạp tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc.

Theo văn phòng UBND H.Tây Giang, sau hơn 10 năm chia tách từ H. Hiên (cũ), đời sống của người dân nơi đây từng bước có sự thay đổi tích cực. Hệ thống đường sá, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng... về đến xã trung tâm huyện cơ bản đã được xây dựng. Tuy nhiên, cuộc sống người dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Thống kê đến năm 2014, toàn huyện vẫn còn hơn 46% số hộ nghèo. Đời sống người dân chủ yếu sống vào rừng theo kiểu tự cung tự cấp.

Những năm gần đây, chính quyền đã kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Tây Giang làm ăn, qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp họ thoát nghèo. Chính vì đời sống khó khăn nên chuyện học của học sinh H.Tây Giang còn gặp nhiều trắc trở.  Với học sinh bán trú, mỗi tháng được Nhà nước hỗ trợ 400.000 đồng. Nếu chia đều ra cho 3 bữa ăn thì chưa đủ no chứ nói gì đến chuyện ăn ngon. Bởi lẽ, giá cả thực phẩm ở Tây Giang khá đắt đỏ. Trước thực trạng đó, mỗi tháng, H. Tây Giang phải trích kinh phí hỗ trợ cho học sinh bán trú thêm hơn 10kg gạo và tiền thuê nhân viên cấp dưỡng phục vụ.

Hôm trao 25 xe đạp và phần quà gồm bánh trung thu, vở có tổng trị giá hơn 65 triệu đồng cho 2 Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi cùng Nguyễn Bá Ngọc của H. Tây Giang, chúng tôi cảm nhận được niềm vui sướng trong từng ánh mắt các em học sinh.

Nguyên Thảo