Giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh

Thứ bảy, 23/12/2017 15:00

Không dừng lại ở việc đưa nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương vào giảng dạy, các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn tích cực triển khai, duy trì và phát triển các đội cồng chiêng, múa Xoang cho học sinh trong thời gian qua. Việc làm của nhà trường không chỉ tạo sân chơi, môi trường học tập bổ ích, lành mạnh cho học sinh mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa cồng chiêng của các đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Công tác giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc đã tạo cho học sinh niềm vui, tự hào về giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Gìn giữ văn hóa truyền thống

Đến với Hội thi Cồng chiêng - Xoang học sinh trường PTDTNT, PTDTBT tỉnh Kon Tum năm học 2017-2018, chúng tôi được sống trong không khí rộn ràng với các tiết mục sinh động. Khung cảnh trường lớp như vui tươi hơn khi các hoạt động tại nhà trường có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các xã, phụ huynh học sinh và bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng nô nức về tham dự. Trong trang phục truyền thống đầy màu sắc của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Nguyên, các em học sinh háo hức chờ đợi đến lượt đội mình biểu diễn. Những tiết mục múa hát, những điệu múa cồng chiêng của dân tộc mình được các em thể hiện một cách nhịp nhàng, uyển chuyển trong tiếng vỗ tay cổ vũ không ngớt của thầy cô giáo và bà con.

Chăm chú theo dõi những điệu múa, lắng nghe những âm thanh ngân vang cồng chiêng từ các tiết mục biểu diễn do chính các em học sinh thể hiện, cô Đinh Thị Lan - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, không khỏi xúc động và chia sẻ: "Việc các trường PTDTNT, PTDTBT trên toàn địa bàn tổ chức dạy cồng chiêng, những điệu múa Xoang cho học sinh là hết sức ý nghĩa. Điều này giúp các em học sinh nâng cao nhận thức về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Minh chứng cho điều đó là trong thời gian qua và hiện nay, nhiều em học sinh là thành viên trong đội hình cồng chiêng chính của bản, làng, địa phương ở mỗi dịp có lễ hội".

Hoàn thiện môi trường giáo dục

Hiện nay, các trường PTDTNT, PTDTBT trên toàn địa bàn tỉnh Kon Tum không chỉ duy trì và phát triển các đội cồng chiêng, múa Xoang, mà còn tích cực triển khai nhiều hoạt động giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương, góp phần hoàn thiện môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống cho con em học sinh.

Cô Đinh Thị Lan cho hay: Các trường PTDTNT, PTDTBT trên toàn địa bàn tỉnh Kon Tum là nơi tập trung học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, trong thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động thi đua dạy tốt - học tốt, thì các trường học luôn tích cực triển khai tổ chức hoạt động ngoài giờ để tạo môi trường học tập lành mạnh, bổ ích. Việc duy trì, phát triển các đội cồng chiêng, múa Xoang học sinh và định kỳ hằng năm tổ chức liên hoan, hội thi múa cồng chiêng và hội diễn văn nghệ cho học sinh là một trong những nội dung trọng tâm của chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương mà ngành GD-ĐT phối hợp với Sở VH-TT&DL Kon Tum tổ chức. Có thể thấy việc đưa cồng chiêng, múa Xoang vào trường lớp thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Các em học sinh thực sự yêu trường, yêu lớp nhiều hơn, giảm được tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng.

Việc đưa văn hóa cồng chiêng vào trong trường học không những giúp học sinh có điều kiện tiếp cận, hưởng thụ văn hóa của dân tộc mà còn khuyến khích các em tìm hiểu về văn hóa, âm nhạc dân tộc thiểu số, góp phần khơi dậy và phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.Việc duy trì các sinh hoạt cồng chiêng, múa Xoang trong nhà trường không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Tây Nguyên mà qua đó đã tạo nên một nét đặc trưng riêng của hệ thống các trường PTDTNT, PTDTBT tỉnh Kon Tum. Chính vì ý nghĩa thiết thực, nhân văn sâu sắc đó mà trong thời gian qua đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các trường học, phụ huynh, học sinh. Mỗi dịp lễ hội, hội thi, số lượng đoàn, học sinh tham dự rất đông. Riêng Hội thi Cồng chiêng - Xoang học sinh trường PTDTNT, PTDTBT năm nay đã thu hút 19 đội cồng chiêng, múa Xoang tham gia.

Để công tác giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, ngành GD-ĐT đang quyết tâm nâng cao chất lượng nội dung, chương trình giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương trong các trường học; phong phú, đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động giáo dục bản sắc dân tộc. Trong đó, tiếp tục duy trì, tổ chức Hội thi Cồng chiêng - Xoang cho học sinh, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị "Không gian văn hóa Cồng - Chiêng Tây Nguyên" - một trong những kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp các dân tộc Việt Nam. Qua đó xây dựng khối đoàn kết giữa học sinh dân tộc của các trường PTDTNT, PTDTBT, các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

KHẢI MINH