Giáo dục góp phần làm thay đổi diện mạo vùng biên giới

Thứ hai, 14/08/2017 09:23

Sau 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh Quảng Nam và 13 năm tái lập huyện, mỗi thành tựu trong bất cứ lĩnh vực nào trên địa bàn huyện biên giới Tây Giang đều rất đáng được ghi nhận. Song có lẽ, những thành tựu, bước phát triển về GD-ĐT của địa phương là đáng tự hào hơn cả.

Chất lượng giáo dục huyện biên giới Tây Giang ngày càng được nâng lên,
tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường hằng năm tăng.

Góp sức xóa đói, giảm nghèo

Năm 1997, 10 xã vùng Tây của H. Hiên, nay là H. Tây Giang, công tác GD-ĐT đứng trước muôn vàn khó khăn, người mù chữ, trẻ em thất học chiếm tỉ lệ cao, tình trạng cơ sở vật chất trường lớp gần như là con số không. Trăn trở ấy đã biến thành sức mạnh và ý chí của lãnh đạo huyện, cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD-ĐT H. Tây Giang, để giải quyết thực trạng này, "giáo dục phải đi trước một bước", đó là khẩu hiệu hành động của Đảng bộ, chính quyền địa phương.

Nhờ vậy mà sau ngày tái lập huyện, tháng 8-2003, ngành GD-ĐT Tây Giang đã có sự phát triển vượt bậc. Quy mô phát triển các cấp học tiếp tục được mở rộng, nhất là ở giáo dục mầm non và mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, với 23 đơn vị trường học; trong đó có 7 trường mầm non-mẫu giáo, 3 trường tiểu học, 14 trường phổ thông dân tộc bán trú, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1 trường THPT. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học được quan tâm phát triển. Đến nay, toàn ngành GD-ĐT có 729 người, tương đối đồng bộ về cơ cấu, đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị, trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt.

"Những con số về chỉ tiêu phát triển của ngành GD-ĐT Tây Giang không phải là thành tích, mà chính là sự khẳng định của sự trưởng thành. Những kết quả này không chỉ giúp cho Đảng bộ huyện thực hiện đảm bảo thắng lợi nhiệm vụ chính trị, mà còn góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, phát triển kinh tế-xã hội. Đây chính là dấu ấn quan trọng trong lịch sử Đảng bộ, chính quyền và ngành GD-ĐT Tây Giang từ ngày tái lập tỉnh Quảng Nam đến nay", ông Tuấn nói.

Tỉ lệ học sinh khá giỏi, thi đỗ vào các trường Trung học chuyên nghiệp, CĐ, ĐH
của Tây Giang tăng theo từng năm học.

Phát triển sự nghiệp "trồng người"

Bước sang một giai đoạn phát triển mới, ngành GD-ĐT Tây Giang có nhận thức "sự nghiệp GD-ĐT địa phương đến thời điểm này không chỉ dừng lại ở việc phát triển về số lượng, mà cần phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW".

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm: Tất cả những giải pháp, nỗ lực của ngành GD-ĐT địa phương đều nhằm đến mục tiêu đến năm 2020, ở bậc mầm non có tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ đạt 20%, trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 100%. Ở bậc phổ thông, có 100% trẻ em trong độ tuổi đi học tiểu học và hoàn thành chương trình tiểu học, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học trung học cơ sở. Huyện đã hoàn thành việc xây dựng chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất cho các trường nhằm đảm bảo những điều kiện cơ bản thực hiện đổi mới dạy học. Trong đó, chú trọng đến chuẩn hóa phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng học bộ môn và trang thiết bị dạy học ở các cấp học; phát triển mạng lưới trường học đảm bảo đến năm 2020 có 100% xã trên địa bàn huyện có đủ trường học ở các cấp học; tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú; ưu tiên xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, nhà vệ sinh, phòng học cho mẫu giáo 5 tuổi, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở học 2 buổi/ngày và 100% trường học nối mạng internet. Ngành hoàn thiện các tiêu chí để đảm bảo đến năm 2020 có 40% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, các trường còn lại đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo chuẩn quốc gia.

"Chặng đường phát triển GD-ĐT phía trước của huyện biên giới Tây Giang vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, chung sức và ý chí vươn lên, Tây Giang tiếp tục thực hiện thành công sự nghiệp "trồng người" để góp phần làm thay đổi diện mạo vùng biên giới".

KHẢI MINH