Giáo dục mầm non vùng cao thiếu thốn đủ bề

Thứ tư, 22/04/2015 10:04

(Cadn.com.vn) - Đến thăm các điểm trường lẻ Trường mẫu giáo (MG) Trà Quân (xã Trà Quân, H. Tây Trà, Quảng Ngãi), chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh cô trò cùng học tập trong những căn nhà tạm bợ, thiếu thốn đủ bề. Những đứa trẻ lớn lên trong nghèo khó, còn các giáo viên cắm bản phải mượn tạm nhà dân hoặc dựng chiếc chòi ngay cạnh điểm trường để ở.

Mặc dù điều kiện còn thiếu thốn nhưng giáo viên phụ trách các điểm trường luôn nỗ lực chăm sóc, giáo dục trẻ.

Thiếu thốn đủ bề

Trường MG Trà Quân có đến 6 điểm trường nằm rải khắp các thôn, trong đó, các điểm trường Trà Xuông nằm cách xa trung tâm xã nhất. Ở đây, trường lớp được dựng tạm, điều kiện sinh hoạt hết sức thiếu thốn, nhất là vẫn chưa có nguồn nước sinh hoạt khiến công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ càng khó khăn, vất vả hơn. Mọi gánh nặng gần như đổ lên đôi vai của người giáo viên cắm bản. Đến điểm trường mẫu giáo thôn Trà Xuông, chúng tôi lầm tưởng đang vào thăm nhà một gia đình đông con.

Đó là căn nhà tạm bợ, được bày biện hết sức đơn sơ, tuyệt nhiên không sơn vẽ, trang trí như những lớp học mầm non vùng đồng bằng, thành thị. Thế mà bao năm nay, cô giáo Hồ Thị Nhất vẫn một lòng gắn bó với điểm trường, vừa chăm lo, vừa nuôi dạy các em nhỏ ở thôn bản nghèo khó này. Cô Nhất chỉ ước điểm trường sớm nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền đầu tư xây dựng khang trang để công tác dạy học, chăm sóc con em dân bản ngày một tốt hơn.

Cũng giống như nhiều cô giáo miền xuôi lên miền ngược công tác, cô giáo trẻ Phạm Thị Thúy - giáo viên Trường MG Trà Quân phụ trách tại điểm trường tổ 1, 2, 3 nằm giáp ranh với thôn Trà Bao (xã Trà Phong) có hơn 5 năm dạy học tại các điểm trường lẻ, đến dạy học ở đâu cô cũng phải mượn nhà tạm của dân để ở và sinh hoạt. Bởi vậy, mong muốn lớn nhất của cô  là có một ngôi nhà công vụ dành cho giáo viên. Cùng dạy học với cô Thúy ở điểm trường này còn có cô giáo Hồ Thị Vân, nhưng so với các giáo viên khác trong trường, hoàn cảnh cô Vân khó khăn hơn cả. Hiện cô cùng chồng và hai đứa con nhỏ cùng dựng tạm một căn nhà tạm ngay tại điểm trường, điều kiện sống hết sức khó khăn.

Theo cô giáo Võ Thị Kim Quyên – Hiệu trưởng Trường MG Trà Quân, năm học 2014-2015 cả trường có 160 trẻ phân bố rải rác tại các điểm trường lẻ. Hiện tại, cơ sở vật chất của hầu hết điểm trường trên địa bàn xã đều không đảm bảo. Trong đó, khó khăn nhất là các điểm trường Trà Xuông, tổ 1, 2 và 3...

Trong đó, điểm trường Trà Xuông được dựng tạm và đang trong giai đoạn xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác dạy học và chăm sóc trẻ. Giáo viên dạy ở các điểm trường lẻ đều mượn tạm nhà dân hoặc dựng nhà tạm ngay cạnh điểm trường để ở. Tại các điểm trường này, cô và trò còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động dạy học do thiếu trang thiết bị, đồ chơi, chăn chiếu, nước sạch...

 Lớp học của cô giáo Hồ Thị Vân có 19 trẻ nhưng có ngày chỉ có 8-10 trẻ đến lớp.

Khó thực hiện mục tiêu phổ cập

Đa phần học sinh của các trường vùng khó đều là người đồng bào dân tộc Cor, Ca Dong, Hre thuộc diện hộ nghèo. Đó là nguyên nhân dẫn đến công tác huy động trẻ ra lớp và duy trì sĩ số trẻ còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện công tác phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi đã đề ra. Chính vì vậy, nhiệm vụ của giáo viên mầm non đã nặng nề, nhiều áp lực, nay càng rất vất vả, gian khổ hơn.

Thầy Phạm Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT H. Tây Trà cho biết, thời gian qua, giáo dục mầm non trên địa bàn huyện có những bước tiến đáng kể, thể hiện ở mạng lưới trường, lớp được mở rộng phù hợp với thực tiễn địa phương. Huyện đã tập trung triển khai thực hiện công tác phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi với nhiều giải pháp tích cực, quyết liệt.

Tuy nhiên, từ thực tế nhiều cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã vùng đặc biệt khó khăn còn chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học… khiến công tác phổ cập mầm non khó hoàn thành đúng mục tiêu đề ra. Trong đó, vấn đề mà ngành quan tâm nhất là hiện nay trên địa bàn số lượng lớp học tạm ở bậc mầm non vẫn còn khá nhiều, tại nhiều điểm trường giáo viên chưa có nhà công vụ, số lượng lớp ghép 2-3 trình độ chiếm tỷ lệ cao... Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

Theo số liệu thống kê của phòng GD-ĐT H. Tây Trà, hiện nay toàn huyện có 77 phòng học mầm non, tuy nhiên có đến 16 phòng học tạm, 2 phòng học mượn nhờ, 36 điểm trường chưa có công trình vệ sinh… Chính vì vậy, mới có khoảng gần 547/1.554 trẻ mẫu giáo được tổ chức bán trú và chưa có trường mầm non nào đạt chuẩn quốc gia.

“Điều mong muốn lớn nhất của ngành GD-ĐT H. Tây Trà trong năm học đến là được UBND tỉnh, Sở GD-ĐT quan tâm đầu tư xây dựng 1 trường mầm non đạt chuẩn ở vùng đặc biệt khó khăn để làm mô hình và làm nơi trao đổi kinh nghiệm giáo dục mầm non miền núi theo đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2012-2015. Cùng với đó, mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ để đầu tư mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng, tu bổ hệ thống cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ em vùng cao, tiến tới thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi”, thầy Sơn chia sẻ.

Khải Minh