Giáo dục nhân cách học sinh qua câu chuyện cuộc sông
(Cadn.com.vn) - Bằng những hoạt động sẻ chia nỗi đau với nạn nhân chất độc da cam, thường xuyên đến thăm, trò chuyện với Bà mẹ VNAH, gia đình có công với cách mạng, hay những mảnh đời bất hạnh trong cộng đồng xã hội, các trường học đã giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, cũng là cơ hội để giáo dục học sinh biết ơn những con người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Qua đó, phát triển phẩm chất, tâm hồn cho học sinh, hình thành nên nhân cách tốt.
Dạy học sinh sống biết yêu thương
Cũng là giờ học môn giáo dục công dân nhưng khác hẳn với các giờ học truyền thống trên lớp, buổi học lần này của học sinh Trường THCS Trần Quý Cáp (P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) diễn ra tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng. Buổi học diễn ra trong không khí ấm áp với các hoạt động giao lưu giữa học sinh với trẻ em nạn nhân chất độc da cam.
Buổi học càng ý nghĩa hơn khi trong giờ sinh hoạt giao lưu, giáo viên và các em học sinh toàn trường đã thể hiện những tình cảm yêu thương, chia sẻ tấm lòng nhân ái bằng hoạt động quyên góp, ủng hộ với mong muốn góp một phần nhỏ nhằm giúp người khuyết tật khắc phục những khó khăn, tự tin vươn lên trong cuộc sống. Càng cảm động hơn khi các suất quà được dành dụm từ chương trình "Nuôi heo đất" của học sinh nhà trường và số tiền trích từ quỹ đóng góp của cán bộ, giáo viên trong toàn trường thực hiện phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong thời gian qua. Theo thầy Nguyễn Văn Bảy - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quý Cáp, hình thức dạy học đạo đức trong nhà trường hiện nay rất phong phú, không chỉ đóng khung ở các phòng học với giờ dạy theo chương trình quy định, mà còn đưa các nội dung, chủ đề giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh vào mọi hoạt động thực tiễn.
Ngoài việc tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ giữa học sinh nhà trường với trẻ em nạn nhân chất độc da cam, thầy và trò Trường TH Lê Văn Tám (Q. Thanh Khê) đã tự tay làm những mâm cơm cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam đang sinh sống, sinh hoạt tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng. Bữa cơm không chỉ góp phần chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn với các trẻ em nạn nhân chất độc da cam, mà qua đó thể hiện tấm lòng, tình cảm sẻ chia với những nỗi đau, mất mát mà các em nhỏ không may gánh chịu.
Giáo dục nhân cách học sinh qua các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, tấm lòng sẻ chia vì cộng đồng. |
Giáo dục lối sống vì cộng đồng
Thầy Lê Văn Thâu - Hiệu trưởng Trường TH Lê Văn Tám, chia sẻ: Khi tổ chức cho giáo viên, học sinh đến thăm hỏi, giao lưu với trẻ em nạn nhân chất độc da cam, nhà trường không chỉ muốn học sinh cảm nhận được những thiệt thòi trong cuộc sống của các nạn nhân, mà còn thấu hiểu được nỗi vất vả của những người làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng ở đây. Đến Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh, học sinh được chứng kiến nỗ lực của trẻ em nạn nhân chất độc da cam vượt qua nỗi đau bệnh tật, để lao động, sản xuất ra các đồ thủ công mỹ nghệ; được nghe những câu chuyện kể về sự khốc liệt, tàn ác của chiến tranh và mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Lắng nghe những câu chuyện kể cũng là lúc thế hệ trẻ học sinh được nhìn về quá khứ để trân trọng những gì đang có hôm nay.
Thầy Thâu cho hay, thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất, đạo đức học sinh, trong thời gian qua, công tác giáo dục nhân cách học sinh được nhà trường lồng ghép thực hiện một cách sinh động và linh hoạt. Ví dụ như khi tổ chức hoạt động giáo dục "Hành trình về nguồn" đến thăm và tặng quà cho thương bệnh binh, gia đình chính sách, hộ nghèo ở các địa phương, nhà trường lồng ghép vào hoạt động giáo dục lối sống cho học sinh. Từ việc tham gia vào hoạt động cộng đồng, nhà trường tổ chức phát động cuộc thi viết cảm nhận về hoạt động trải nghiệm đó. Sau đó, học sinh nòng cốt trong liên đội sẽ phát biểu, chia sẻ lại những cảm xúc, cảm nhận với học sinh trong toàn trường, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong từng học sinh về ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Thầy Nguyễn Văn Bảy - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quý Cáp cho biết thêm, việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp như: sinh hoạt dã ngoại, lao động công ích, tham quan di tích lịch sử hay các hoạt động xã hội từ thiện như giúp đỡ các Mẹ VNAH, gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ khó khăn với người dân vùng sâu, vùng xa, bị thiên tai..., là những bài học ngoại khóa giúp học sinh biết sống, biết chia sẻ yêu thương, để hình thành nhân cách sống tốt đẹp.
Khải Minh