Giáo viên đi chợ, nấu cơm cho học sinh

Thứ năm, 01/10/2015 10:49

(Cadn.com.vn) - Câu chuyện về những người giáo viên miền núi H. Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) tự tay đi chợ, nấu cơm từng ngày cho học sinh đã thu hút chúng tôi đến với Trường Tiểu học và THCS Phước Thành (xã Phước Thành, H. Phước Sơn). Ngôi trường nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, với 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ Triêng.

Sau giờ lên lớp, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Phước Thành tự tay đi chợ, nấu cơm cho học sinh.

Niềm vui ngày mới

Thầy Lê Văn Hà – Trưởng Phòng GD-ĐT H. Phước Sơn tiếp chúng tôi bằng câu chuyện vui về sự thay đổi diện mạo nhanh chóng của vùng đất nơi thầy đã có thời gian công tác hơn 20 năm nay. Những mái nhà tranh, vách nứa năm xưa nay đã được thay bằng nhà gỗ lợp tôn, mái ngói khang trang. Sản phẩm nông lâm nghiệp do đồng bào sản xuất ra đã giao lưu được với nhiều nơi. Nhiều hộ gia đình đã mua sắm được xe máy vận chuyển hàng hóa, đầu tư mua sắm phục vụ sản xuất và sinh hoạt thay sức người.

Những buồng chuối, gùi sắn, mớ bắp không còn bỏ lăn lóc trên sàn bếp như ngày xưa, mà đã trở thành hàng hóa thị trường mang lại thu nhập kinh tế cho người dân. Số hộ nghèo giảm dần, số hộ khá giàu đang tăng lên qua từng năm. Trẻ em được đến trường đúng tuổi. Người nghèo được chăm sóc sức khỏe miễn phí... Nhưng có lẽ, sự thay đổi lớn nhất là trường lớp được xây dựng khang trang, đứng sừng sững trước núi rừng như minh chứng sức mạnh, ý chí của con người vùng đất nơi đây. Trong đó, công sức đóng góp của những thế hệ cán bộ, giáo viên là không hề nhỏ. Họ đã thầm lặng trao gửi lại tuổi thanh xuân cho núi rừng để lớp lớp học sinh - con em đồng bào dân tộc khôn lớn, trưởng thành.

Dẫn chúng tôi đi thăm trường, thăm lớp, thăm “nơi ăn chốn ở” của học sinh bán trú và khu nhà công vụ dành cho giáo viên, thầy Nguyễn Văn Mẫn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phước Thành kể rất nhiều chuyện về hành trình đem con chữ đến vùng cao này như một “đặc sản” vốn có của người giáo viên vùng cao. Hành trình của họ là hành trình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để trao gửi niềm tin, sự yêu thương cho con em vùng đất nghèo khó này.

Thầy Mẫn tâm sự: “Nhiều thầy cô giáo đến với Phước Sơn ban đầu chỉ vì công việc mưu sinh, chưa phải là tình yêu nghề thực sự. Nhưng rồi, khi gắn bó với mảnh đất này, đối mặt với bao gian khó, hiểm nguy, trực tiếp giảng dạy những học sinh khốn khó, thấm hiểu những nỗi vất vả, thiệt thòi của con em, đồng bào dân tộc nơi đây..., họ đã nảy nở tình yêu thương thật sự. Vùng đất xa lạ bỗng hóa thành quê hương tự lúc nào mà họ không hề hay biết!”.

 Được tổ chức ăn ở bán trú ngay tại trường, học sinh dân tộc thiểu số vững tâm học tập. 

Hết lòng vì học sinh miền núi

Hiện nay, Trường Tiểu học và THCS Phước Thành có 3 điểm trường. Các phòng lớp học tạm bợ ngày trước đã được thay bằng phòng, lớp bán kiên cố. Điều kiện học hành của con em địa phương đã thuận lợi hơn rất nhiều. Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng gần như chấm dứt. Nhưng có lẽ, vui mừng hơn cả là học sinh được ăn ở bán trú ngay tại trường, chấm dứt cảnh học sinh phải “dựng lều, học chữ” như nhiều năm học trước.

Năm học 2015-2016, toàn trường có 400 học sinh, trong đó có 216 học sinh bậc tiểu học, 184 học sinh THCS. Đến nay, với sự nỗ lực của nhà trường đã có 129 học sinh được tổ chức bán trú. Thầy Mẫn phấn khởi cho biết: Việc tổ chức bán trú cho học sinh xuất phát từ yêu cầu thực tế điều kiện đi lại học tập cách trở của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời thể hiện tình cảm chia sẻ khó khăn, sự đồng cảm của đội ngũ cán bộ, giáo viên đối với học sinh...

Chính vì vậy, mọi công tác chăm sóc, đi chợ, nấu cơm phục vụ cho công tác bán trú đều do đội ngũ giáo viên nhà trường đảm nhiệm. Khó khăn, vất vả khi phải vừa dạy học, vừa tổ chức bán trú nhưng giáo viên nào cũng thấy vui vẻ, phấn khởi tham gia. Bởi ai cũng nghĩ rằng, việc gì tốt, có lợi cho học sinh thì chung tay, gắng sức làm!

Vừa kết thúc giờ dạy trên lớp, cô giáo Nguyễn Thị Vạn Hạnh (giáo viên Âm nhạc) không kịp nghỉ ngơi, liền xắn tay ngay vào cùng các giáo viên khác chuẩn bị bữa cơm tối cho học sinh. Người nhặt rau, người làm cá, người thổi lửa..., mỗi người mỗi việc như đã phân công từ trước. Thấy thầy cô bận rộn chuẩn bị bữa cơm cho mình, các em học sinh cũng tự giác góp tay sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị bát đũa... Bởi vậy, chỉ hơn 1 giờ đồng hồ, mâm cơm tối dọn ra đủ các món cơm, canh, cá, thịt. Bữa cơm chung thầy trò miền núi thật đầm ấm.

Miền cực tây Quảng Nam mùa này mưa tầm tã. Mưa mù mịt trời đất. Mưa không còn nhìn thấy rừng, thấy núi... Người giáo viên ở đây bao năm qua cũng phải làm quen và chống chọi với sự khắc nghiệt này. Mỗi người mỗi quê, mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh nhưng họ có một điểm chung là quyết đến với miền núi cao, nguyện gắn bó cuộc đời mình với con em đồng bào dân tộc nghèo khó. Bởi thế, tình cảm giữa họ thật đằm thắm và chân thành. Dẫu cuộc sống của những người giáo viên miền núi còn rất nhiều khó khăn, thiệt thòi, nhưng ngày ngày họ vẫn thầm lặng hy sinh niềm hạnh phúc riêng để “bám rừng, bám núi” gieo chữ.

Khải Minh