Nhìn năm sinh đố đoán được tuổi?
(Cadn.com.vn) - Nếu chỉ nhìn vào hồ sơ, học bạ, chúng ta rất khó đoán được tuổi của các em. Đó là thực tế xảy ra đối với nhiều học sinh cấp 2 tại xã miền núi Đakrông (H. Đakrông, Quảng Trị).
Bản sao một Giấy khai sinh không hợp lệ trong hồ sơ học sinh tại Trường THCS Đakrông. |
Sinh năm 2000 nhưng... 21 tuổi
Thầy giáo Trương Khắc Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Đakrông cho biết, vào tháng 6-2015, để tiến hành xét tốt nghiệp THCS cho khối 9 năm học 2014-2015, nhà trường rà soát hồ sơ và phát hiện nhiều trường hợp tên, tuổi trong hồ sơ học sinh không khớp với hộ khẩu, trong đó có 23 trường hợp sai ngày, tháng, năm sinh, 8 trường hợp sai tên, chữ lót. Trên bản sao giấy khai sinh, giấy chứng nhận hoàn thành mầm non, tiểu học và học bạ, 23 học sinh trên đều có năm sinh 2000.
Mặc dù vậy, tuổi thực các em lại hoàn toàn khác sau khi đối chiếu với hộ khẩu, giấy khai sinh gốc lưu tại xã. Đơn cử như học trò Hồ Thị M., theo hồ sơ, bản sao giấy khai sinh, học bạ thì sinh ngày 20-11-2000 nhưng hộ khẩu ghi ngày 20-12-1994. Em Hồ Thị Đ. năm sinh trong hộ khẩu là 1996 nhưng hồ sơ học bạ là năm 2000. Nếu cấp bằng tốt nghiệp THCS theo hồ sơ nhà trường thì lúc đăng ký tuyển sinh cấp 3 có kèm hộ khẩu (photo công chứng), các em sẽ gặp vô vàn khó khăn do không đáp ứng được yêu cầu vì sai lệch năm sinh, tên, chữ lót.
Sự tréo ngoe này khiến nhà trường và chính quyền cũng như phụ huynh như "ngồi trên đống lửa", đôn đáo tìm cách điều chỉnh, tháo gỡ để các em kịp đủ giấy tờ hợp lệ nhập học. Nhà trường gửi báo cáo "cấp tốc" đến UBND xã Đakrông để các bộ phận liên quan phối hợp với phụ huynh có hướng thống nhất phương án điều chỉnh phù hợp. Trao đổi về hướng giải quyết vấn đề này, anh Trần Văn Chạy, Chủ tịch UBND xã Đakrông cho biết: Căn cứ vào quản lý hộ tịch, hồ sơ gốc lưu tại xã, chúng tôi đã đề nghị nhà trường điều chỉnh theo hướng này. Từ đó, nhà trường chỉnh ngày, tháng, năm sinh trên học bạ và cấp bằng tốt nghiệp đúng tuổi thực cho các em.
"Đối với học sinh miền núi, việc học chậm vài ba năm vẫn được. Rất khó xác định lý do vì sao thời điểm đó nhiều em lại được khai trụt tuổi, lệch hẳn với giấy khai sinh gốc và hộ khẩu. Hẳn nhiên, nhiều người không lường được rắc rối, hệ lụy xuất hiện 14, 15 năm sau đó. Không chỉ là việc học mà liên quan đến một số chế độ, BHYT...", Chủ tịch UBND xã Đakrông Trần Văn Chạy nói.
Đáng nói, số trường hợp học sinh rơi vào tình cảnh trên không chỉ dừng lại ở đó. "Khoảng tháng 10-2015 tới, nhà trường tiếp tục rà soát tổng thể nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp sai lệch khác để điều chỉnh, chủ yếu rơi vào khối 8 và 9. Việc này rất tốn thời gian nhưng không thể chậm trễ được", thầy Trương Khắc Thanh trăn trở.
Có thể nhận thấy, trường cấp 2 chỉ là đơn vị tiếp nhận, kế thừa hồ sơ, mọi thủ tục, giấy tờ trong hồ sơ được lưu từ ngày đầu trẻ nhập học. Tuy sai sót từ đâu, trách nhiệm thuộc về ai lại khó xác định nhưng vẫn dễ nhận ra nhiều trường hợp cẩu thả, xuề xòa khi không ít hồ sơ học sinh lưu bản sao giấy khai sinh không có số, xác nhận của cán bộ tư pháp hộ tịch, ngày tháng, chỉ có dấu đỏ, chữ ký của chủ tịch UBND xã. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng tréo ngoe này.
Thầy Trương Khắc Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Đakrông chia sẻ về các trường hợp sai lệch tên, tuổi. |
Tổng rà soát, chấn chỉnh "loạn" tên, tuổi
Thực tế, đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô chậm khai sinh cho con, thậm chí không nhớ rõ ngày tháng sinh con là chuyện bình thường. Bên cạnh đó, cách phát âm của đồng bào hoặc toàn dấu huyền, hoặc không có dấu dẫn đến việc viết tên mỗi nơi mỗi kiểu. Tuy nhiên, việc sai lệch ngày, tháng năm sinh hàng loạt như trên buộc chúng ta suy ngẫm. Ngoài xã Đakrông còn biết bao nhiêu địa bàn miền núi khác có trường hợp tương tự?
Thầy Nguyễn Sỹ Huấn, Phó Phòng GD-ĐT H. Đakkrông cho biết, mới đây cũng có một số trường hợp học sinh xã Pa Nang vướng lệch năm sinh tương tự khi đăng ký tuyển sinh vào Trường THPT Đakrông. "Chúng tôi đề nghị trước mắt tạo điều kiện cho các em nhập học rồi điều chỉnh bổ sung giấy tờ sau, tránh thiệt thòi cho các em", thầy Huấn cho biết.
"Vấn đề tuổi tác không chỉ ảnh hưởng đến học hành mà còn liên quan đến trách nhiệm hình sự cùng nhiều quyền lợi khác. H. Đakrông cần có một cuộc tổng thanh tra, rà soát toàn diện để phát hiện và điều chỉnh kịp thời các trường hợp học sinh sai lệch tên, tuổi. Việc học của trẻ miền núi đã khó khăn, nếu vì vướng mắc những điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai các em. Ngay cả việc phát chế độ hỗ trợ cho học sinh miền núi ở cách xa trường trên 7km, việc sai lệch tên, tuổi so với hộ khẩu cũng khiến nhiều em thiệt thòi, chậm trễ nhận hỗ trợ", anh Trần Văn Chạy nhấn mạnh.
Bảo Hà