Giếng làng Hạ…

Thứ sáu, 24/09/2021 18:33

Giếng quê một thuở.

Trung Hạ là tên làng tôi gọi theo đơn vị hành chính hiện nay, thế nhưng nội tôi và những người già trạc tuổi bà đều gọi làng như thời trước là Khương Hạ, những làng lân cận là Khương Thượng, Khương Bình,… Tên làng cũng như tên mấy ngọn đồi, mấy cánh đồng, nào là Chèo Bẻo, Mồ Côi, Đá Béo… nơi vùng đất bán sơn địa đầu nguồn sông Mẹ xứ Quảng Thu Bồn. Tất cả những địa danh thân thương này trở thành phần máu thịt, hồn cốt của thế hệ nội thời ấy. Mỗi một nơi đều in hằn dấu chân nhọc nhằn, mồ hôi nước mắt và cả khoảng trời tuổi trẻ với bao yêu thương của nội. Trong lần lượt những thước phim ấy, một phần ký ức của nội in rõ cái giếng làng với niềm tự hào khôn xiết. Và tôi cũng may mắn khi được trải qua một phần tuổi thơ của mình với bao kỷ niệm êm đẹp bên giếng làng.

Giếng làng Hạ tôi thuở ấy nằm giữa hai dốc đất, giữa xóm trong và xóm ngoài, cạnh con khe cái, xung quanh bao bọc bởi những lũy tre um tùm. Nhà tôi muốn đến giếng gánh nước phải đi qua cây cầu tre bắc ngang khe. Đến giờ tôi vẫn nhớ rõ cảm giác hồi hộp mỗi lần đi cầu tre. Hồi ấy bàn chân tôi đặt không quá một thân tre, bước không khéo là chân lọt ngay xuống dưới. Đi qua bao mùa nắng mưa thời thơ trẻ, trong tôi vẫn nhớ những bước chân qua đầu con dốc, tới giếng Hạ là khoảng trời yên bình ấm áp trong veo giọt nước giếng làng… 

Tôi nhớ, giếng làng hồi ấy không sâu, chỉ vài bi xi-măng là chạm đáy thế nhưng nguồn nước trong vắt, không bao giờ cạn. Cả làng mấy chục nhà đều từ dòng nước ngọt lành này mà nuôi lớn bao thế hệ. Mặc dù nhiều nhà trong làng đào giếng nhưng chỉ dùng trong sinh hoạt, nước uống vẫn đi gánh từ giếng làng về dùng. Nội cứ hay nói mãi "Nước giếng làng mình "hiền" lắm, xưa chừ chưa ai uống mà đau bụng bao giờ. Hồi ấy đi làm ruộng về giữa trưa nắng oi ả, ai cũng ghé giếng múc gầu nước mát lành lên uống một hơi, rồi rửa mặt, tay chân, thấy người khỏe hẳn, sảng khoái vô cùng". Rồi nội tặc lưỡi "Nghĩ cũng hay. Rứa chớ mùa đông là nước giếng ấm áp trào lên từ lòng đất, sâm sấp thành, giơ tay là múc được rồi". Chẳng biết có phải vì ngày trước ít thức nước giải khát hay không nhưng bao giờ uống nước giếng cũng nghe vị ngòn ngọt ở cổ họng. Dùng nước giếng mà nấu ăn, canh bao giờ cũng ngọt, cơm trắng thêm vị dẻo thơm, củ khoai, củ sắn cũng thêm ngọt bùi…

Vào mùa hè, thước đo mà ai trong làng cũng quan tâm là "bi nước". Thấy ai gánh nước đi ngang cũng hỏi "Còn mấy bi nước?" để biết chừng xách đôi thùng đi gánh nước cho khỏe. Nhớ những ngày hè nước khan hiếm, bọn con trẻ như tôi được giao nhiệm vụ đi vét nước. Đứa nào cũng tranh đứng ngay chỗ mạch nước, cứ thả gầu xuống là vét được phần nước nhiều hơn. Chuyện vét nước với chúng tôi hồi ấy là cơ hội tụm năm tụm bảy chuyện trò, chí chóe, chơi đùa. Còn với những thanh niên trong làng, vét nước ban đêm, nhất là vào những tối có trăng thanh gió mát là "cơ hội vàng" để tỏ lời yêu thương cô hàng xóm bấy lâu mình thầm thương trộm nhớ. Bao cuộc hò hẹn, bao lời yêu đương, bao chuyện tình đẹp được giếng se duyên thành đôi lứa…

Cứ thế, giếng làng tuôn trào dòng nước ngọt mát như nguồn sữa mẹ để nuôi lớn và chắp cánh ước mơ cho bao đứa con quê kiểng. Đây còn là nơi giải tỏa những vui buồn, lắng nghe tâm sự của mỗi người con, là "hơi thở" của người dân làng Hạ quê tôi. Để rồi, mỗi bước chân hành trình phương xa, những người con làng này sao mà không nhớ không thương về quê nhà. Và, hình ảnh giếng làng là "vệt nhớ" đong đầy kỷ niệm trong veo như mạch nước ngọt lành mà cả làng đã một thời chia bùi sẻ ngọt. Nước giếng như hơi thở, như giọng nói mộc mạc, như chén cơm trắng, bát nước chè xanh… thấm đẫm vị của làng.

Một khoảnh đất làng, giếng khiêm tốn, chắt chiu những mạch nước ngầm trong trẻo, mát lành trong lòng đất. Sau bao mỏi mòn, rong ruổi hoài bão, với những người con xa quê hành trình trở về đôi khi chỉ đơn giản là tựa vào thành giếng, đặt đôi chân trần trên nền giếng mát lạnh, soi bóng thời gian, nhắm mắt hít thật sâu bầu không khí trong lành để tận hưởng cảm giác bình yên. Và, với bao thế hệ người làng Hạ, giếng làng là thẳm sâu ký ức trong trẻo, là khung trời ấu thơ đã tự bao giờ cứ neo giữ hồn quê trong tâm thức…

LÊ THỊ MINH TÂM