Gió biển Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - "Mỗi lần đi trên tuyến đường biển, từng ngọn gió thổi qua, tôi tự hỏi, có ngọn gió nào đến từ huyện đảo Hoàng Sa thân yêu?".
Đó là sự trải lòng của một bạn nữ đại diện cho tuổi trẻ thành phố Đà Nẵng, Thạc sỹ Nguyễn Hà Thảo Chi, Chánh văn phòng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng, tại hội thảo khoa học "Chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa" tổ chức ở Đà Nẵng ngày 19-1-2014, đúng vào ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm 40 năm về trước.
40 năm qua, Hoàng Sa vẫn ngày đêm thổn thức trở về với đất mẹ thân thương. Ở nơi ấy, bao dấu chân, xương máu, mồ hôi, nước mắt... của lớp lớp người Việt Nam, trong đó có con dân Đà Nẵng, vẫn lắng đọng kiên nhẫn đợi chờ một giọng nói quê hương, một nén nhang của hậu thế. Nhìn trên bản đồ Việt Nam, với một tấm nhỏ cỡ bằng quyển vở học trò, bất giác thấy Đà Nẵng với Hoàng Sa như hình ảnh mẹ con, mường tượng mỗi cơn gió từ đất liền ra biển là một lời ru ầu ơi của mẹ dành cho con, mỗi cơn gió từ biển vào đất liền là tiếng thì thầm khắc khoải của con gửi về mẹ. Chính những lời ru, những tiếng thì thầm ấy là sợi dây bền chặt chẳng mưu toan, sức mạnh nào có thể chia cắt đất liền Đà Nẵng với quần đảo Hoàng Sa trong tâm thức mỗi người dân. Và nó gợi lên trong lòng mỗi người dân thành phố một xúc cảm, như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An nói: "Ngày nào Hoàng Sa chưa trở về với Đà Nẵng, ngày đó, lòng dạ mỗi con người vẫn cồn cào như ruột nấu gan".
Các bạn trẻ nhảy Flashomb tham gia chương trình "Ngày hè sống xanh" tại công viên Biển Đông - TP Đà Nẵng. |
Trước hôm diễn ra Hội thảo, tôi có dịp chuyện trò với một người am hiểu về biển đảo: Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, người vừa công bố bài viết dài 12 kỳ "Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam" trên Báo Công an TP Đà Nẵng nhân dịp 40 năm Hải chiến Hoàng Sa. Tiến sỹ Trục quê ở miền gió Lào cát trắng Quảng Bình nhưng đã là công dân của Thủ đô Hà Nội từ lâu, ấy thế, nếu tinh ý, vẫn nhận thấy chất giọng miền Trung vồn vã như gió biển nơi ông, nghe ông nói về biển đảo thấy nó thật gần gũi. Ông bảo, lịch sử đã thế rồi, đau thương mất mát cũng đã thế rồi, giờ là lúc mỗi người phải tự vấn xem phải làm gì để đòi lại Hoàng Sa? Đó mới là câu hỏi quan trọng nhất, lớn lao nhất mà cũng rõ ràng và thực tế nhất. Đòi lại Hoàng Sa không phải và không thể bị xem là cái gì đó chung chung, mơ hồ. Nó là những hành động rất cụ thể.
Hình như lâu rồi người ta hay nói về những điều lớn lao mà ít nhắc đến những điều cụ thể, hoặc giả như cái cụ thể được nhắc đến chứ ít khi thực hành. Ví như ý tưởng "Công dân danh dự của Hoàng Sa" của ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng. Có lần, ông Tiếng và một nhà sử học trẻ tuổi Trần Văn Quyến (giảng viên Đại học Phú Xuân - Huế, người công bố phát hiện bản đồ trong Khải đồng thuyết ước, sách giáo khoa dạy trẻ học vỡ lòng bằng chữ Hán thời vua Tự Đức, có vẽ về Hoàng Sa; phát hiện những ghi chép về Hoàng Sa và Đội Hoàng Sa trong Nam Hà tiệp lục...) được mời lên truyền hình tham gia chương trình "Người đương thời". Cùng với người dẫn chương trình Tạ Bích Loan, cả hai người, hai thế hệ, ở hai lĩnh vực đều sôi nổi nói về những ý tưởng bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, trong đó có chuyện "Công dân danh dự của Hoàng Sa", cứ ngỡ như nó sắp thành hiện thực đến nơi rồi. Ấy thế mà...
Quay lại câu chuyện với Tiến sỹ Trần Công Trục, ông bảo, ngoài "Công dân danh dự của Hoàng Sa" còn rất nhiều cái cụ thể khác cần làm. Đó là Chủ tịch H. Hoàng Sa, phải là người thực hiện quản lý Nhà nước về các hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, trong đó có việc quản lý các hoạt động của tàu thuyền, ngư dân, thực hiện các biện pháp bảo vệ ngư dân, lên tiếng ủng hộ hoặc phản đối trong các sự việc liên quan, xử phạt hành chính các hành vi vi phạm... Những việc đó chắc chắn không phải dễ nhưng hoàn toàn nằm trong khả năng, nếu có những con người trẻ tuổi, tài năng, xông xáo, quyết liệt..., và quan trọng nhất, các cấp quản lý hãy tin tưởng giao việc cho họ làm, tạo điều kiện để cho họ phát huy hết khả năng của mình.
Lại nói về tuổi trẻ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết, cựu Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, có lý khi nói rằng, dường như nhiều bạn trẻ ngày nay vẫn còn thụ động quá, vẫn còn trông chờ vào thế hệ đi trước. Bởi vậy, rất bình đẳng với giới trẻ, trong bức thư gửi sinh viên và thanh niên vào tháng 1-2014 của Trung tâm nghiên cứu Minh Triết có đoạn viết: "Gửi lá thư này cho các em, chúng tôi không kêu gọi, không dặn dò, không lên lớp, mà chỉ muốn bàn bạc với các em như những người bình đẳng, có chung một tư tưởng, một tình cảm, một trách nhiệm với non sông, đất đước của mình, không phân biệt trẻ hay già. Hơn nữa, chính các em sẽ là lớp người nắm lấy tương lai, vận mệnh của đất nước, chính các em sẽ là lớp người gánh vác những công việc to lớn, nặng nề, khó khăn, thay thế lớp người cũ, thực hiện những công việc mà cha anh đã chưa làm trọn...".
Cách đây hơn 4 thế kỷ, một ông quan dưới thời nhà Mạc - Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - đã nói điều đến nay chúng ta kinh ngạc: "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ / Đất Việt muôn năm vững trị bình". Trải qua biến thiên lịch sử thế kỷ XX - XXI, nhất là trong bối cảnh hiện nay, tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm thật sâu sắc, buộc phải nghĩ suy, trăn trở, bởi đó dường như không chỉ là tiên tri mà còn là lời nhắn nhủ bất hủ của bậc tiền nhân với thế hệ hôm nay. Làm sao để mỗi cơn gió biển thổi qua dải đất hình chữ S không chỉ mang đến sự mát lành mà còn gợi nên trong mỗi người hôm nay thông điệp của người xưa, để từng phút từng giây nhắc nhở về chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, về quần đảo Hoàng Sa đang ngóng ngày trở về đất mẹ, chắc cũng là điều cần thiết.
Tùy bút: Nguyễn Lê