Giới hạn mong manh

Thứ hai, 21/12/2015 10:36

(Cadn.com.vn) - Vị trí thành viên của Anh trong Liên minh Châu Âu (EU) xem ra đang ở một giới hạn khá mong manh khi Thủ tướng Anh David Cameron mới đây đã tuyên bố sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc London nên ở hay ra khỏi khối liên minh này.

Cuộc trưng cầu quan trọng này được lên kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 6-2016. Động thái này mở ra giai đoạn “chạy nước rút” cho nước Anh và cả EU. Để rồi, một giai đoạn bất ổn cho cả hai bên có thể kết thúc vào tháng 6 này khi Thủ tướng David Cameron ám chỉ khả năng, có “một con đường để thông qua một thỏa thuận”.

Mới đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2015 giữa Anh với EU, cả hai bên nhất trí tìm giải pháp thỏa đáng và cùng có lợi cho việc London tiếp tục ở lại EU. Trong đó, các nhà lãnh đạo Châu Âu dường như sẵn sàng “nhượng bộ” những yêu cầu cải cách của London để giữ chân Anh.

Những yêu cầu cải cách như thế này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào tháng 2-2016. Nhà lãnh đạo Cameron bày tỏ sự lạc quan về Hội nghị Thượng đỉnh này. “Tôi tin rằng, 2016 sẽ là năm chúng ta đạt được một cái gì đó thực sự quan trọng: thay đổi cơ bản mối quan hệ của Anh với EU, và cuối cùng giải quyết những mối quan tâm của người dân Anh về vai trò thành viên của chúng ta”, ông Cameron tuyên bố.

Và tất nhiên, “sau đó, người dân Anh phải quyết định xem chúng ta nên ở lại hay ra đi”. Trong một bức thư gửi EU, ông Cameron đề ra mục tiêu trước mắt và lâu dài của mình, bao gồm cả nỗ lực mà ông tuyên bố là “nhằm bảo vệ London là trung tâm tài chính hàng đầu của Châu Âu”.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một chặng đường gian nan cho nước Anh và EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, EU sẵn sàng nhượng bộ Anh nhưng trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cơ bản của Châu Âu, bao gồm cả việc không phân biệt và tự do đi lại. Nhưng đây lại là vấn đề mà London khó chịu nhất. Tranh cãi gay gắt mới bùng nổ khi Thủ tướng Cameron khẳng định, công dân từ các nước EU – nếu muốn có đủ điều kiện làm việc, sinh sống tại Anh trong khi trẻ em được nhận phúc lợi – cần phải sống ở Anh trong 4 năm.

Thanh Văn