Giới lãnh đạo Mỹ Latinh khốn đốn vì bê bối Odebrecht

Thứ hai, 13/02/2017 07:32

(Cadn.com.vn) - Vụ bê bối hối lộ với trung tâm là tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil đang lan rộng khắp các quốc gia Mỹ Latinh, khiến giới lãnh đạo khu vực đau đầu trong nỗ lực giải quyết vấn đề này.

Người biểu tình phản đối việc hối lộ liên quan bê bối Odebrecht
bên ngoài trụ sở Bộ Công thương tại thành phố Panama. Ảnh: AP

Một cuộc điều tra về bê bối tham nhũng hối lộ rung chuyển khu vực Mỹ Latinh, mà tâm điểm là tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil (còn gọi là bê bối Odebrecht) đang được mở rộng từ Panama đến Peru. Thật sự, hậu quả của vụ bê bối hối lộ khổng lồ này đang lan rộng trên khắp các nước Mỹ Latinh, đe dọa nhấn chìm giới lãnh đạo của các nước liên quan.

Từ các phương án tỉ mỉ được thu thập qua các nhân chứng cùng với việc thu giữ tài liệu, các nhà điều tra đang nỗ lực tìm hiểu xem tập đoàn này đã chi 800 triệu USD thanh toán đến các chính trị gia và các đảng phái ở các nước Mỹ Latinh như thế nào.

Và khi các công tố viên đuổi theo dấu vết của số tiền mặt này, họ được dẫn dắt đến với một số nhân vật nổi bật nhất trong khu vực. Tổng thống Brazil Michel Temer, trong phiên điều trần hồi năm 2016, đã bị buộc tội lấy quỹ chiến dịch tranh cử từ Odebrecht. Tổng thống Panama, Juan Carlos Varela, bị “sờ gáy” vì liên quan đến một nhân vật đã bị bắt giữ vì vụ việc này.

Trong khi đó, tại Argentine, một thẩm phán liên bang đang tìm kiếm thông tin từ Brazil và Thụy Sĩ để xác định tin người đứng đầu cơ quan tình báo nước này đã nhận hối lộ 600.000 USD từ Odebrecht, cáo buộc mà nhân vật này đã phủ nhận.

Nhưng có lẽ diễn biến đáng ngạc nhiên nhất là tại Peru – nơi Cơ quan công tố đề nghị tòa án ra lệnh bắt giam 18 tháng đối với cựu Tổng thống Alejandro Toledo vì bị tình nghi nhận 20 triệu USD tiền hối lộ từ Odebrecht. Ngay sau đó, Bộ Nội vụ Peru yêu cầu Pháp - nơi có khả năng ông Toledo đang có mặt - và Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) nhanh chóng ra lệnh bắt giữ ông này. Peru cũng treo giải 30.000 USD cho những ai có thông tin về nơi ẩn náu của ông Toledo.

Peru cũng đang tìm kiếm sự giúp đỡ đặc biệt từ Mỹ, nơi ông Toledo từng là một học giả thỉnh giảng tại Đại học Stanford, và từ Israel. Vợ ông này có quốc tịch Israel  - quốc gia không có hiệp ước dẫn độ với Peru - vì vậy giới chức nước này lo ngại ông có thể đang ẩn náu ở đây.

Còn tại Colombia, công tố viên trưởng Nestor Martinez cho biết, chủ nhân giải Nobel hòa bình năm 2016, Tổng thống Juan Manuel Santos có thể đã lấy tiền từ Odebrecht cho chiến dịch tái tranh cử của ông. Theo công tố viên Martinez, lời khai của một cựu thượng nghị sĩ đã bị bắt giam vì bị cáo buộc nhận tiền từ Odebrecht, Tổng thống Santos đã nhận 1 triệu USD tài trợ. Công tố viên Martinez lên kế hoạch đến Brazil trong tuần này để tìm kiếm bằng chứng cho những cáo buộc này.

Thật sự, vụ bê bối Odebrecht đang bùng nổ và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Tập đoàn này đã đồng ý trả 3,5 tỷ USD tiền phạt cho chính quyền Thụy Sĩ, Mỹ và Brazil để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, nhiều người ở Mỹ Latinh và khắp thế giới tin rằng, thỏa thuận này có thể chỉ là đánh dấu khởi đầu của những nỗ lực để làm sáng tỏ một mạng lưới tham nhũng phức tạp và cố thủ hơn nữa.

Tất cả những nhân vật liên quan bị sờ gáy đều bác bỏ những cáo buộc nhằm vào họ. Tuy nhiên, rõ ràng, phần nổi của những cáo buộc này đã gây tổn hại đến lãnh đạo các nước quanh những diễn biến được nhận định là “rất khốc liệt” của bê bối Odebrecht.

Khả Anh