Giữ hồn cho phố... (Kỳ cuối: Làm sao để giữ cân bằng?)
Ông Huỳnh Văn Hùng cho biết, trong những năm gần đây, ngành văn hóa thành phố nhận thức ngày càng rõ giá trị của những di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Vì vậy, bên cạnh việc lên tiếng để bảo vệ các di tích trước sự "xâm lấn" của các công trình, dự án thì ngành văn hóa cũng đã tham mưu một cách bài bản, quyết liệt để bảo vệ các di tích, trả lại không gian, những dấu vết của di tích. Trong đó có thể kể đến như thành Điện Hải, Hải Vân quan, và mới đây là danh thắng Ngũ Hành Sơn. Theo ông Hùng, trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2017-2018, ngành văn hóa đã tham mưu thành phố gửi Bộ VH-TT&DL, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận 2 di tích quốc gia đặc biệt (thành Điện Hải và di tích Ngũ Hành Sơn). Ngoài ra, thành phố cũng có nhiều dự án trùng tu, tôn tạo và phục hồi các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn như đình Xuân Thiều, đình Quảng Thuận, đình Xuân Dương... "Mỗi năm có khoảng 5 đến 7 di tích được trùng tu. Năm 2018, kỷ niệm 160 năm Ngày Đà Nẵng kháng Pháp, ngành văn hóa đã tham mưu thành phố trùng tu lại nghĩa trủng Khuê Trung (Hòa Vang) - biến nơi đây thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ", ông Hùng cho biết.
Sau khi được tôn tạo, phục hồi, thành Điện Hải sẽ là "địa chỉ đỏ" trên bản đồ du lịch của thành phố Đà Nẵng. |
Trở lại với thành Điện Hải, theo ông Hùng: "Việc chúng ta tôn tạo, bảo vệ, giữ gìn thành Điện Hải tức là chúng ta đã lưu dấu một sự kiện lịch sử rất lớn, qua sự kiện này lịch sử Việt Nam bước từ thời kỳ trung đại sang cận đại". Cụ thể, ngành văn hóa đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố giải quyết được rất nhiều vấn đề. Đơn cử như chuyển được 80 hộ dân xâm phạm vùng 1 và vùng 2 ra khỏi di tích; kịp thời tham mưu dừng việc xây dựng Trung tâm thể thao người cao tuổi, dừng việc xây dựng Trung tâm lưu trữ của thành phố tại khu đất áp sát phía bắc thành Điện Hải... Ngoài ra, sau khi giải tỏa xong các hộ dân, thành phố cho triển khai dự án (gồm 2 giai đoạn) là khôi phục được thành trong và thành ngoài, tôn tạo lại hồ nước; đồng thời có một khoảng không gian bên ngoài (vùng đệm) để làm công viên, vườn dạo để người dân, du khách thăm thú, ngắm cảnh quanh thành. "Đây là thắng lợi lớn của ngành văn hóa cũng như của thành phố trong việc bảo vệ thành Điện Hải khỏi sự xâm hại, qua đó phát huy giá trị của di tích", ông Hùng nhấn mạnh. Cũng theo ông Hùng, thành phố đã đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, vừa để giải tỏa 80 hộ dân, vừa triển khai giai đoạn 1 của dự án.
Giai đoạn 2 dự kiến bắt đầu từ năm 2019 đến năm 2021, cụ thể là chuyển bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi vùng 1 của thành Điện Hải, đồng thời trên nền đất này, sẽ có 1 dự án quy hoạch kiến trúc phù hợp theo lối thích nghi. "Vừa qua, chúng tôi có đi Pháp sưu tầm được những tư liệu gốc về thành Điện Hải. Khi người Pháp đến đây, họ có ghi chép, ký họa những sơ đồ, những hạng mục, công trình ngay trong thành Điện Hải. Chỗ nào là trụ cờ, chỗ nào đặt súng thần công, chỗ nào là nhà chỉ huy, kho lương thực, kho đạn, cổng ngõ... Đây là những tư liệu rất cần thiết để phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải giai đoạn 2", ông Hùng cho biết.
Liên quan đến di tích Hải Vân Quan, theo ông Hùng, một thời gian dài, hai địa phương chưa tìm được tiếng nói chung, tuy nhiên, cuối năm 2016 đầu 2017, ngành văn hóa hai địa phương thống nhất với nhau để tham mưu lãnh đạo hai bên rằng Hải Vân quan không phải của riêng tỉnh nào mà là của chung, là di tích vật thể đầu tiên của hai địa phương trên cả nước. Năm 2018, hai địa phương đã góp kinh phí để khảo cổ, qua đó phát hiện được những nền móng, cấu trúc của Hải Vân Quan rất có giá trị, trên cơ sở đó làm dự án trùng tu. Ngay trong đầu năm 2019, lãnh đạo của hai địa phương đã ngồi lại và bắt tay vào trùng tu di tích bằng việc mỗi bên sẽ đóng góp 50% kinh phí (mỗi bên khoảng 25 tỷ đồng) để trùng tu, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia này. Công trình dự kiến sẽ khởi công và hoàn thành trong năm 2020.
Về di tích Ngũ Hành Sơn, theo ông Hùng, rất tiếc có một thời gian do nhận thức chưa đến nên cứ nghĩ Ngũ Hành Sơn là một khu du lịch. "Ngay cả tên gọi cũng cho thấy ý đồ khai thác, nhưng phải khẳng định Ngũ Hành Sơn trước hết là di tích. Có di tích rồi mới tính tới du lịch được. Giữa bảo vệ di tích và khai thác du lịch có quan hệ với nhau. Một di tích sống động, hấp dẫn sẽ tạo ra nguồn thu từ du lịch, và đây sẽ là nguồn kinh phí chủ đạo để bảo vệ, tôn tạo, phục hồi di tích ấy. Khai thác du lịch cũng phải có trách nhiệm, và du lịch phải tôn trọng giá trị gốc của di tích. Thực tế thì vấn đề này dường như chưa được quan tâm đúng mức, một thời gian dài chúng ta xử sự chỗ này chưa tốt", ông Hùng khẳng định. Đơn cử như có một số ngôi chùa đã cơi nới, xây dựng và có những động thái có thể nói là xâm phạm, cụ thể là có những bia đá, trụ biểu có chữ khắc của người Chăm bị biến mất. Hoặc là công trình thang máy lên di tích Ngũ Hành Sơn chẳng hạn, về khai thác du lịch thì có ý nghĩa, nhưng về mặt văn hóa trở thành phản cảm, không phù hợp tí nào... "Có một thời gian dài, chúng ta nhìn Ngũ Hành Sơn như một khu du lịch để phát triển kinh tế. Vì vậy, ngay sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, ngành văn hóa thành phố sẽ triển khai đề án quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ ký. Trước hết quy hoạch là để bảo vệ và chống sự xâm lấn, xâm hại danh thắng Ngũ Hành Sơn, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019".
Ngoài ra, theo ông Hùng, bên cạnh các di tích vật thể thì Đà Nẵng cũng còn rất nhiều di sản phi vật thể khác, ví như nghệ thuật tuồng xứ Quảng, nghệ thuật hô hát bài chòi, lễ hội cầu Ngư, nghề đá mỹ nghệ Non Nước... "Những lĩnh vực này, ngành văn hóa đã làm hồ sơ và hầu hết đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể của thành phố và của quốc gia, sắp tới nghề nước mắm Nam Ô cũng đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia", ông Hùng vui mừng cho biết.
Nói về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản trên địa bàn, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho rằng: "Giá trị của di tích, di sản sẽ được nâng tầm và có nguồn thu để trên cơ sở đó đầu tư trở lại cho chính nó khi được phát huy đúng mức". Được biết hiện Bảo tàng Đà Nẵng đang xây dựng chương trình hành trình về với di sản. Cụ thể là xây dựng "bản đồ" tham quan những di tích văn hóa, lịch sử, các điểm du lịch như Ngũ Hành Sơn, Hải Vân Quan, thành Điện Hải, K20... Đồng thời, sẽ tổ chức khảo sát tuyến du lịch ven sông Hàn, để qua đó xác định những địa điểm có thể đưa du khách đến tham quan, ví như đình làng Túy Loan, K20...
"Rất mừng trong vài ba năm gần đây, lãnh đạo thành phố cũng như ngành văn hóa thấy được vấn đề và có những động thái, việc làm rất khẩn trương nhằm quản lý, bảo vệ, gìn giữ, trên cơ sở đó từng bước tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố lưu giữ những ký ức, cái hồn của mình trước tác động của quá trình đô thị hóa hiện nay", ông Hùng nhìn nhận.
Doãn Hùng