Giữ lửa làng nghề

Thứ sáu, 27/12/2013 10:37

(Cadn.com.vn) - Theo phong tục của dân làng Túy Loan (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng), cứ mỗi dịp Tết, bánh tráng là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên. Bánh tráng Túy Loan ngày nay không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà nó còn theo chân du khách, bạn bè bốn phương và trở thành một trong những đặc sản của Đà Nẵng. Các cơ sở sản xuất bánh tráng trong làng hoạt động theo hình thức hộ gia đình, quy mô nhỏ.

Sản phẩm làm ra ít có nhà nào phải mang đi bán xa vì khách hàng thường phải dặn trước. “Nhưng đó là cảnh của chục năm về trước, chứ hiện nay, cả làng chỉ còn hơn 20 hộ coi nghề này như một nghề mưu sinh cuối năm. Nghề này cực lắm, nhiều công đoạn, phải chuẩn bị nguyên liệu từ chiều hôm trước. Hôm sau phải thức từ ba bốn giờ sáng, nhóm bếp cho đủ nóng để năm giờ là bắt đầu tráng. Tráng miết tới chiều, tới tắt nắng thì ngưng. Một lò tráng phải có 2 người, người tráng, người phơi, quần quật từ khuya đến chiều tối” - ông Đặng Công Bê với hơn 30 năm làm nghề chia sẻ.

Bà Giỏi ngồi lò tráng bánh từ 3 giờ sáng đến chiều tối.

Gạo đúc bánh tráng Túy Loan phải là gạo xiệc 13/2, gạo này nấu cơm tuy cứng, nhưng đúc bánh tráng rất ngon. Bà con nông dân ở đây, tranh thủ gieo sạ trong vụ đông xuân, mỗi hộ vài sào, gần Tết mang ra làm bánh tráng, làm mì khô ăn Tết. Cứ 1 ang gạo là 12 lon mè trắng đã được bóc vỏ, phụ gia với các thứ như gừng, tỏi, đường, nước mắm hoặc muối. Mỗi cái bánh phải tráng làm 2 lớp và muốn bánh ngon, tuyệt đối không được phơi nắng mà phải sấy trên bếp than hồng... Bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị trong khâu tráng bánh, cộng với bí quyết pha bột đã làm nên chiếc bánh mịn màng, tròn trịa, đều tăm tắp nên khách hàng rất ưa thích.

Theo bà Hồ Thị Giỏi, sở dĩ bánh tráng Túy Loan nổi tiếng, là nhờ kinh nghiệm ông bà truyền lại, con cháu nối nghiệp phát huy. Muốn cho bánh thơm ngon, nhai giòn tan lại để được lâu, người làm phải chọn đúng giống lúa, đặc biệt là không được chọn lúa mới gặt, cũng không nên chọn lúa quá cũ. Quá trình phơi và gỡ bánh cũng là một nghệ thuật. Muốn chiếc bánh nguyên vẹn, không cong vênh, người phơi phải biết canh bếp sấy để gỡ cho đúng lúc. Sau đó xếp lại thành chục, rồi dằn cho phẳng mặt, trước khi giao hàng.

Sấy bánh tráng trên bếp than hồng là sản phẩm đặc trưng của làng Túy Loan.

Trước đây, cả khu vực nhà nào cũng có lò làm bánh tráng nhưng bây giờ chỉ những gia đình sinh sống bằng nghề này mới tiếp tục duy trì. Nghề làm bánh tráng ở Túy Loan vì vậy cũng mai một dần. Không ai nhớ chính xác làng nghề này có từ bao giờ nhưng theo lời bà Đặng Thị Túy Phong với hơn 50 năm tráng bánh, hồi bà còn nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ mình làm nghề này. Lớn hơn một chút thì đã biết phụ phơi bánh. Nhà nào cũng có lò tráng bánh, nhà đông có khi có đến hai, ba lò. Bà Phong cũng là người hiếm hoi trong gia đình còn giữ được nghề, nhưng vẫn không giấu được nỗi lo: “Nghề này nếu thời tiết thuận lợi, bỏ công làm lời cũng đủ sống. Mấy đời ông bà, cha mẹ mình cũng sống bằng nghề này. Bây giờ thì khác rồi, mấy đứa nhỏ đều xin đi làm công nhân để có thu nhập ổn định hơn”.

Vùng đất Túy Loan từ lâu đã được biết đến với món mì Quảng và bánh tráng nổi tiếng. Trong khi mì Quảng vẫn được đông đảo người dân và du khách thưởng thức thì bánh tráng Túy Loan đang có nguy cơ bị thất truyền. Nguyên nhân chính là do khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra nên người dân chỉ làm để phục vụ nhu cầu vào các dịp lễ, Tết. “Ở làng nghề này, dù thu nhập mỗi lao động không đến 100 ngàn đồng/ngày, không ai giàu lên nhờ tráng bánh, nhưng lớp người già cũng không ai muốn bỏ nghề, bởi chúng tôi muốn giữ lửa, giữ nghề, giữ thương hiệu của cha ông đã gầy dựng”- bà Phong cho biết thêm.

An Dương