Giữ lửa làng nghề
(Cadn.com.vn) - Tết đến không chỉ là dịp để các loài hoa đua nở, mà đây còn là dịp để các làng nghề truyền thống phục vụ Tết vào mùa. Làng nghề bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) là một điển hình. Nếu như trước đây, các cơ sở sản xuất bánh tráng làng Túy Loan hoạt động theo hình thức hộ gia đình, quy mô nhỏ thì từ năm 2015, một số hộ đã được Sở NN& PTNT TP hỗ trợ các hạng mục mái che, máy xay, máy hút chân không, bao bì... để thuận lợi hơn trong việc quảng bá sản phẩm. Cuối năm, các làng nghề sản xuất bánh tráng thủ công đều tăng lượng sản xuất để phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Các làng nghề đã tạo việc làm cho một lượng lớn lao động nông nhàn. Điều này không chỉ cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Làng nghề bánh tráng Túy Loan vào vụ Tết. |
Theo phong tục của dân làng, cứ mỗi dịp Tết, bánh tráng là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên. Làng nghề bánh tráng Túy Loan vụ Tết cũng vì thế mà nhộn nhịp, hối hả hơn. Bánh tráng Túy Loan ngày nay không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà nó còn theo chân du khách, bạn bè bốn phương và trở thành một thứ đặc sản của Đà Nẵng. Các cơ sở sản xuất bánh tráng trong làng hoạt động theo hình thức hộ gia đình, quy mô nhỏ. Nguyên liệu đúc bánh tráng phải là gạo xiệc, gạo này nấu cơm tuy cứng, nhưng đúc bánh tráng rất ngon. Bà con nông dân ở đây, tranh thủ gieo sạ trong vụ đông xuân, mỗi hộ vài sào, gần Tết mang ra làm bánh tráng, làm mì khô ăn Tết. Cứ 1 ang gạo (30 lon) là 12 lon mè trắng đã được bóc vỏ, phụ gia với các thứ như gừng, tỏi, đường, nước mắm hoặc muối. Mỗi cái bánh phải tráng làm 2 lớp và muốn bánh ngon, tuyệt đối không được phơi nắng mà phải sấy trên bếp than hồng... Sản phẩm của làng là bánh tráng nướng có hình tròn đường kính khoảng 50cm, dày hơn các loại bánh tráng ở nơi khác và chất lượng của bánh được người tiêu dùng đánh giá cao.
Ông Bốn Trung, người có gần 40 năm trong nghề cho rằng, sở dĩ bánh tráng Túy Loan nổi tiếng là nhờ kinh nghiệm của ông bà truyền lại, con cháu nối nghiệp phát huy. Muốn cho bánh thơm ngon, nhai giòn tan lại để được lâu, người làm phải chọn đúng giống lúa, đặc biệt là không được chọn lúa mới gặt, cũng không nên chọn lúa quá cũ. Quá trình sấy và gỡ bánh cũng là một nghệ thuật. Muốn chiếc bánh nguyên vẹn, không cong vênh, người sấy phải biết canh bếp than để gỡ cho đúng lúc. Sau đó xếp lại thành chục, rồi dằn cho phẳng mặt, trước khi giao hàng. "Nghề này cực lắm, nhiều công đoạn, phải chuẩn bị nguyên liệu từ chiều hôm trước. Hôm sau phải thức dậy từ 2 giờ sáng nhóm bếp. Tráng miết cho tới khi trời tắt nắng thì ngưng. Một lò phải có 2-3 người vừa tráng vừa sấy bánh", ông Bốn Trung chia sẻ.
Quảng bá sản phẩm bánh tráng Túy Loan đến người tiêu dùng. |
Được biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn Hòa Vang như dệt chiếu Cẩm Nê, chằm nón La Bông (xã Hòa Tiến) mong muốn được khôi phục, thì làng nghề bánh tráng Túy Loan là một địa chỉ có tiềm năng. Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng nên hướng phát triển làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, số hộ làm nghề bánh tráng tại Túy Loan còn khoảng 13 hộ, làng Phú Hòa (xã Hòa Nhơn) giáp ranh còn 5 hộ.
Khi Tết Nguyên đán đang cận kề, cũng là lúc các hộ gia đình ở làng nghề Túy Loan phải tất bật làm ra những chiếc bánh ngon giúp người tiêu dùng đón Tết trọn vẹn. Đây cũng là dịp để hộ dân trong làng nghề tăng thu nhập, đón Tết sung túc, đồng thời tạo nên không khí Tết cổ truyền thêm rộn ràng, đầm ấm. "Ở làng nghề bánh tráng này, dù thu nhập mỗi lao động so với các công việc khác không cao, nhưng lớp người già cũng không ai muốn bỏ nghề, bởi chúng tôi muốn giữ lửa làng nghề, gìn giữ thương hiệu mà cha ông đã tốn công gầy dựng. Bên cạnh đó, để nghề này phát triển ổn định, rất cần các cơ quan chức năng nghiên cứu khai thác hiệu quả giữa phát triển kinh tế gắn với du lịch làng nghề", bà Mười Phong mong muốn.
An Dương