Giữ rừng ở đại ngàn K’Bang (Kỳ 1: Gian nan giữ rừng hương trăm tuổi)

Thứ tư, 08/11/2017 16:50

Huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất nước. Với hơn 120.000ha rừng, nơi đây có vô số loại gỗ quý hiếm, nên trở thành “đích ngắm” của cánh lâm tặc rình rập khai thác trộm. Dù không còn rầm rộ như khoảng 5 năm trước, nhưng chuyện khai thác trộm chủ yếu nhắm vào các loại gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao vẫn diễn ra dai dẳng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn. Công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng đang đè nặng trên vai lực lượng chuyên trách.

Một gốc hương đường kính khoảng 1m bị “lâm tặc” cưa hạ.  

Giữa đại ngàn Tây Nguyên, “thủ phủ” của những cánh rừng hương trăm năm tuổi chỉ còn sót lại ở địa phận H. K’Bang, vùng phía đông tỉnh Gia Lai. Hàng chục năm qua, dù công tác tuần tra, bảo vệ rừng được triển khai liên tục, nhưng năm nào cũng có vài chục cây hương cổ thụ bị đốn hạ. Tuyên chiến với lâm tặc chuyên rình rập săn gỗ hương, máu của các lực lượng cũng đã đổ trong những cánh rừng này.

Theo lực lượng Kiểm lâm, ngoài những cánh rừng hương khác trên toàn huyện thì hiện Krong là xã còn sót lại hàng trăm cây hương cổ thụ. Nhìn bên ngoài, rừng hương vẫn xanh, nhưng ở sâu trong những cánh rừng ngút ngàn, loài hương quý đã bị “xẻ thịt” vô số cây cổ thụ. Lâm tặc lúc nào cũng nhăm nhe, nên công tác tuần tra bảo vệ rừng hương phải được triển khai liên tục. Cách TT K’Bang hơn 40km, những ngày giữa tháng 10-2017, chúng tôi theo cán bộ Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh vào xã Krong. Cách trụ sở Cty chỉ vài cây số, những cây hương nằm cao trên vách núi, sinh trưởng xen kẽ giữa những tiểu khu khác nhau bắt đầu hiện ra trước mắt.

 Điều kiện sinh hoạt khó khăn của cán bộ quản lý, bảo vệ rừng. 

Vượt hơn 4km đường núi lầy lội, sạt lở sau mùa mưa Tây Nguyên, chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng những cây hương cổ thụ. Nơi đây, những thân hương sừng sững cứ bám dọc theo triền núi nơi có con suối Nia, thượng nguồn suối T’nang sinh trưởng cả trăm năm rồi. Ông Võ Ngộ - Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Pa kể: Đặc thù của những cây giáng hương nơi đây trái rất to, cao 25-30m, đường kính từ 0,7-0,9m. Dù hằng năm lượng quả rất nhiều nhưng đây là loài tái sinh kém, nên qua kiểm tra nhiều đợt, ước tính lượng cây hương còn khoảng trên dưới 300, mọc rải rác khắp 7 tiểu khu trong 8.000ha thuộc lâm phần quản lý của Cty.

Ông Ngộ dẫn chúng tôi dạo quanh con đường lên đỉnh núi - tuyến độc đạo tuần tra bảo vệ những cây hương trăm tuổi của các lực lượng liên ngành. Trên tuyến đường này, nhân viên, cán bộ của Cty đã truy đuổi đối tượng “lâm tặc” tìm cách đốn hạ những “cụ” hương không biết bao lần. Càng vào sâu càng lộ diện những cây hương vươn thẳng cao vút, tỏa bóng xanh mướt. Thi thoảng, đập vào mắt chúng tôi là những cây hương trơ gốc, hoặc bị lâm tặc “xẻo” ngang thân để lại những vết tích cũ, mới lẫn lộn. Nắm rõ giá trị của những cánh rừng hương trăm tuổi này, chính quyền tỉnh Gia Lai đã nhiều lần bàn bạc, lên kế hoạch bảo vệ nguồn gene hương trăm tuổi, nhưng đến giờ này vẫn chưa có gì thay đổi ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát, phối hợp của chính quyền địa phương nhằm đẩy đuổi “lâm tặc”. Do diện tích rộng, lực lượng mỏng, nên năm nào cũng có những cây hương cổ thụ bị lâm tặc “khai tử”.

Anh Đỗ Khắc Đạt bị “lâm tặc” chém thương tích vào ngày 24-10-2017.

Nước mắt và máu đã và đang chảy giữa đại ngàn rừng hương. Không hề quá lời, bởi trên đường thực địa cùng đoàn kiểm tra, chúng tôi thấy rõ những hiểm nguy rình rập. Giữa đỉnh núi cao lạnh lẽo là chiếc lán gỗ tạm bợ, bên trong  sơ sài đôi ba chiếc võng cùng vài cái nồi méo mó để lực lượng tuần tra ở nấu nướng, bám trụ cánh rừng giữ những gốc hương. Ông Ngộ nói, cán bộ ngày tuần tra, đêm ngủ cạnh những cây hương là chuyện thường tình. Rất nguy hiểm, nhưng may mắn đây vẫn là khu vực gần Cty, còn những tiểu khu khác, nhân viên phải mắc võng ngủ giữa rừng dù nắng hay mưa. Không chỉ thế, các nhân viên luôn phải đối mặt với rắn, muỗi rừng và kể cả những lần bị “lâm tặc” đe dọa. Nhiều người từng bị vây hãm, dọa đánh và có người máu đã đổ trên cánh rừng hương này.

Đúng ngày chúng tôi cùng đoàn luồn sâu vào rừng thì nhận được tin báo của lực lượng kiểm tra tại tiểu khu 80, 82 rằng, lúc 11 giờ ngày 24-10, Cụm trưởng Cụm bảo vệ rừng của Cty Đỗ Khắc Đạt trong lúc đi tuần tra tại khu vực giáp ranh giữa làng Đăk Bok và làng Đất Đỏ (xã Krong) phát hiện 2 xe máy đang chở gỗ hương trái phép. Quyết đuổi theo, anh Đạt giữ được một đối tượng tên Nghị cùng xe máy chở 2 tấm gỗ hương. Nghị vừa năn nỉ anh Đạt bỏ qua, vừa gọi điện cho đồng bọn tới “giải cứu”. Một lát sau, đối tượng chạy thoát cất giấu gỗ đã quay trở lại (sau này xác định là Trần Văn Hải, còn gọi là Hải Ngọc Định, trú TT K’Bang, H. K’Bang, Gia Lai), chém vào tay anh Đạt. Sau đó, 2 đối tượng vứt chiếc xe máy cùng 2 tấm gỗ hương tại hiện trường rồi bỏ trốn. Anh Đạt được đưa đi cấp cứu với vết thương dài khoảng 7cm, sâu 1cm.

Cây hương trăm tuổi tại lâm phần quản lý của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa.

Ngày hôm sau, khi chúng tôi cùng đoàn tuần tra bảo vệ rừng vào thăm, chỉ vết thương vừa khâu, anh Đạt bảo chưa dám báo cho gia đình ở tận Đắc Lắc biết: “Vết thương cũng khâu xong rồi, điều trị vài bữa cũng đỡ nên em không báo về nhà, sợ gia đình thêm lo”. Đạt cho biết, đã nhiều lần, khi đối mặt với lâm tặc anh đều bị tấn công.

Theo các lực lượng quản lý bảo vệ rừng hương nơi đây, trong năm 2016, TAND H. K’Bang cũng đã tuyên phạt Trương Văn Hà (1974, trú TDP 21, TT K’Bang, H. K’Bang) 40 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”. Trước đó, cuối tháng 4, Hà cùng Nguyễn Văn Trung (1981, trú TDP 6, TT K’Bang) vận chuyển 2 khúc gỗ hương lớn đốn trộm trong rừng thì bị anh Dương Hồng Tâm (1993, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa) phát hiện, ngăn chặn. Xin mãi không được, Hà rút dao chém trúng cổ anh Tâm gây thương tích, sau đó bỏ trốn. Có lẽ, vì lợi nhuận cao nên các đối tượng lâm tặc vẫn luôn rình rập khắp cánh rừng chờ cơ hội “trảm” hương.

(còn nữa)

Phóng sự: CÔNG HẠNH - MINH TÂN