Giữ rừng phải giữ từ cội
(Cadn.com.vn) - Chiều tối 12-5, từ tin báo của một số người dân về việc phát hiện nhiều đối tượng lạ mặt đang kéo gỗ từ đồi ông Nhỡ thuộc Tiểu khu (TK) 53 (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) ra tập kết gần con đường đất chờ vận chuyển, Đội dân phòng cơ động xã Hòa Phú đến hiện trường kiểm tra, phát hiện 4 phách gỗ chò (hơn 0,4m3), riêng các đối tượng kéo gỗ bỏ trốn. Trước đó, ngày 9-5, lực lượng dân phòng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) cũng phát hiện, tịch thu 2 súc gỗ kiền kiền không rõ chủ khai thác từ rừng Sông Hương thuộc TK56 giáp ranh với hồ Đồng Nghệ (xã Hòa Khương) ra cất giấu gần khu vực Ngầm Đôi. Vào cuối năm 2013, Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa qua tuần tra bắt quả tang 4 đối tượng cùng trú thôn Dốc Kiền (xã Ba, H. Đông Giang, Quảng Nam) đang dùng cưa lốc "xẻ thịt" các cây dỗi quạ tại TK54 (xã Hòa Phú) giáp ranh với xã Ba, tiêu hủy tại chỗ 1,62m3 gỗ thành phẩm...
Những vụ phát hiện khai thác gỗ trái phép được phát hiện tuy có số lượng tang vật không nhiều nhưng xâu chuỗi lại các sự việc, nhiều người dân có lý do để "hoài nghi" rằng, giữa tình trạng khai thác trái phép được phát hiện so với thực tế tại những khu rừng nguyên sinh ở Hòa Phú hiện nay như các tảng băng "chìm".
Tiêu hủy gỗ khai thác trái phép tại TK54. |
Thời gian qua, sau khi tỉnh Quảng Nam kiên quyết "đóng" cửa rừng thì tình trạng gỗ lậu về xuôi có một phần hạn chế. Gọi là một phần cũng đúng bởi theo cư dân sống ven tuyến QL14G, cụ thể như đợt nghỉ lễ đầu tháng 5, khi thấy các ô-tô tải chạy lên Đông Giang nườm nượp là họ biết trên núi đang "mở" cổng; còn cán bộ, nhân viên các lực lượng Kiểm lâm (KL) Đà Nẵng được tăng cường chốt chặn phía dưới lại không hề hay biết. Trong khi, gỗ là vật liệu cồng kềnh và khó che giấu, muốn vận chuyển phải cần số đông. Song, theo Trạm KL Hòa Phú, từ đầu năm đến nay, họ chưa phát hiện được vụ vận chuyển gỗ lậu nào, nên khó xác định được gỗ khai thác trái phép là ở các địa phương Quảng Nam hay địa bàn Hòa Phú? Tất nhiên, trên cung đường gỗ lậu này đều có các trạm kiểm tra, kiểm soát lâm sản của các lực lượng liên ngành dày đặc, vậy mà gỗ lậu vẫn vượt qua được chốt về xuôi. Các cơ quan quản lý chỉ biết biện minh và đùn đẩy trách nhiệm với nhiều lý do như: Địa hình khó quản lý, "lâm tặc" lì lợm, ranh xảo, lực lượng quá mỏng hoặc trang bị hạn chế... Dù lực lượng chức năng có ra sức biện luận thì việc ai làm sai, làm sai chỗ nào đều không che mắt được nhân dân.
Được biết, Hòa Phú hiện có 5.300ha rừng; trong đó có 3.004ha rừng nguyên sinh được giao cho nhiều chủ rừng quản lý theo địa bàn từng lâm phận. Nếu chủ rừng nào cũng chủ động có kế hoạch vào cuộc quyết liệt, kiên quyết xử lý mạnh tay để bảo vệ lâm phận và phối hợp với cơ quan chức năng tìm cho bằng được các đường dây phá rừng thì việc lâm tặc tác động vào rừng sẽ giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, theo định kỳ hoặc đột xuất, các lực lượng liên ngành vẫn thường xuyên truy quét nhưng hiệu quả lại không cao, khi lực lượng truy quét lên đến nơi thì dường như lâm tặc đã biết trước nên các "cội" vắng tanh, còn gỗ thì không đủ người thu gom nên chỉ biết tiêu hủy. Điều đó đã minh chứng phần nào, công tác phối hợp vùng giáp ranh của các địa phương, các ban ngành chức năng vẫn chưa được chặt chẽ và hiệu quả...
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú ngày 12-5 cho biết: "Cuối tuần, địa phương sẽ chủ trì làm việc với các lực lượng chức năng, chủ rừng trên địa bàn để đánh giá thiệt hại và đề ra các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả; qua đó kiến nghị thành lập thêm 1 tổ chốt chặn tại TK54 nhằm ngăn chặn các đối tượng từ địa bàn H. Đông Giang xâm nhập trái phép rừng giáp ranh". Như vậy, muốn bảo vệ rừng thì phải giữ rừng từ "cội", "phòng" không được thì cũng đừng nói đến "chống". "Phòng" phải tận gốc, chứ chỉ lo chặn đường gỗ tuồn về xuôi thì liệu có bảo vệ được rừng?.
Rừng Hòa Phú đang bị xâm hại và mức độ thiệt hại đến đâu, có lẽ phải chờ kết quả khảo sát, đánh giá sau này. Vì thế để góp phần bảo vệ rừng, chúng tôi thiết nghĩ phải có biện pháp phòng ngừa từ xa, khi phát hiện có dấu hiệu xâm hại rừng. Có cơ chế khuyến khích người dân dũng cảm tố giác lâm tặc và những cán bộ thoái hóa, biến chất tiếp tay, cấu kết với lâm tặc phá rừng. Đi đôi với việc khuyến khích người dân, cũng cần có giải pháp làm "sạch" hóa lực lượng làm nhiệm vụ. Một vấn đề cấp thiết hiện nay là những giải pháp quyết liệt của chính quyền các cấp nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm hại rừng. Bởi, nếu không, thì những cánh rừng nguyên sinh đang xanh mơn mởn của Hòa Phú trong tương lai gần chẳng khác chi những cánh rừng ở Hòa Bắc đã từng bị xà xẻo.
An Dương