Giữ rừng trên đỉnh Chư Mom Ray
(Cadn.com.vn) - Cách thành phố Kon Tum 30km về phía Tây Bắc là Vườn quốc gia Chư Mom Ray-được mệnh danh là di sản Đông Nam Á. Với diện tích hơn 56.000 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, liền kề với Vườn quốc gia Virrachey của Campuchia, và Khu bảo tồn Đông Nam Ghong của Lào, tạo thành một khu bảo tồn xuyên quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt ở Đông Dương và Đông Nam Á...
Vườn quốc gia Chư Mom Ray. |
Vườn quốc gia Chư Mom Ray hiện có 2.000 loài thực vật quý hiếm; 620 loài động vật, trong đó nổi tiếng quý hiếm nhất là bò tót, hiện còn khoảng hơn 100 con nằm trong danh mục bảo tồn đặc biệt. Với đặc điểm đa sinh học và nhiều nguồn gien quý, năm 2004, Vườn quốc gia đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là di sản ASEAN. Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn vườn quốc gia đã được chính quyền và ngành chức năng làm khá tốt, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng xâm hại và tiềm ẩn nhiều hiểm họa xâm hại đến rừng... Dự án tuyến tỉnh lộ 674 nối thị trấn Sa Thầy vào xã Mo Rai, đang được đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2017. Tuy nhiên 45 km của tuyến đường này cắt ngang Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, đây là nơi tập trung rất đông số lượng bò tót thuộc nhóm 1B, cần bảo vệ nghiêm ngặt, không gian sống của chúng đang có nguy cơ bị đe dọa. Một tuyến đường khác là QL 14C nối từ huyện Ngọc Hồi, Kon Tum đi xã Mo Rai dài 27km cũng xẻ ngang vườn quốc gia này. Hôm 17-2-2017, một con bò tót khi đi kiếm ăn ngang qua dự án đường 674 đang thi công đã bị xe tải chở vật liệu đâm chết tại khoảnh 3, tiểu khu 677. Từ 20 năm qua, ở vườn quốc gia Chư Mom Ray, các bài toán bảo tồn không chỉ riêng bò tót mà là hàng trăm loài động vật quý hiếm đã được đặt ra, khi việc mở đường làm huyên náo cả một khu vực vùng lõi của vườn quốc gia... Các cán bộ vườn quốc gia luôn trăn trở, để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phải làm đường giao thông. Nhưng để vào được xã Mo Ray buộc phải đi ngang vùng lõi vườn quốc gia. Những người làm công tác, quản lý, bảo vệ, bảo tồn rừng thấy băn khoăn lắm, Ban quản lý Vườn quốc gia đã kiến nghị. UBND tỉnh Kon Tum và huyện Sa Thầy đã đồng ý chỉnh lại dự án con đường 674 qua phía đuôi của vườn quốc gia, để làm sao ít tác động nhất đến rừng. Tuyến QL 14C từ H. Ngọc Hồi cũng cắt qua vườn quốc gia, để đi vào xã Mo Rai, H. Sa Thầy. Không gian sống bị xáo trộn sẽ khiến các loài động vật hoang dã di chuyển về phía Campuchia, việc kiểm tra, kiểm soát cũng khó khăn hơn vì cả 2 tuyến đường sẽ có nhiều phương tiện và người qua lại.
UBND tỉnh Kon Tum mới đây đã chỉ đạo các ngành liên quan đề xuất phương án bảo tồn. Đã xác định rõ, các tác động chính ảnh hưởng đến hệ động vật ở đây, chủ yếu là nguy cơ cháy rừng, chặt phá, khai thác rừng trái phép, săn bắt thú rừng hoang dã... Kèm theo đó là các hoạt động, triển khai các dự án làm đường, công trình... thi công trong khu vực vườn quốc gia... Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết, để hạn chế tác động, lực lượng kiểm lâm vườn triển khai tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo vệ môi trường sống. Sắp tới sẽ điều tra thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn bền vững loài bò tót.
Bò tót ở rừng quốc gia Chư Mom Ray bị ô-tô đâm chết. |
Cùng với những tác động mang tính khách quan như vậy, cũng như ở vườn quốc gia Yok Đôn, theo quy định Chính phủ cứ 500ha/1 biên chế kiểm lâm, ở vườn quốc gia Chư Mom Ray, 1 kiểm lâm viên cũng phải quản lý tới hơn 1.000 ha rừng. Chư Mom Ray được đánh giá nhiều năm làm tốt công tác bảo vệ rừng, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các lực lượng chức năng khác như CA, Bộ đội biên phòng... Thế nhưng vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 vừa qua, lại xảy ra một vụ chặt phá khai thác trái phép lớn tại vườn quốc gia, khu vực xã Bờ Y, Ngọc Hồi. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, trong vụ phá rừng này, đã phát hiện, thu gần 300 m3 gỗ các loại, bắt tạm giam 13 đối tượng. Từ vụ việc này cho thấy, tiềm ẩn mối đe dọa xâm hại rừng vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đi dọc các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua, chúng tôi ghi nhận, theo số liệu từ ngành chức năng, từ đầu năm đến nay tình trạng xâm hại đến rừng, chặt phá, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản vẫn còn khá phức tạp. Chỉ trong quý 1-2017, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra 165 vụ khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ rừng trái phép, lực lượng chức năng đã phát hiện thu giữ 1.346 m3 gỗ các loại. Tại Gia Lai, lực lượng Biên phòng, Kiểm lâm đã phát hiện 2 vụ phá rừng lớn tại IaChia, Ia Grai và Tiểu khu 174, thuộc rừng phóng hộ Đông Bắc Chư Păp, đã thu giữ gần 70 m3 gỗ các loại. Dư luận vẫn chưa quên vụ tạo hiện trường giả, do cán bộ được giao bảo quản gỗ tang vật để lâm tặc lấy 45 phách gỗ, thiếu tinh thần trách nhiệm tại tiểu khu 174, hồi tháng 3-2017. Làm thế nào để công tác quản lý, bảo vệ rừng có kết quả, vẫn là một bài toán chưa có lời giải đích thực ở nhiều địa phương. Dư luận cả nước đã từng biết đến một số mô hình giữ rừng "phá cách" sáng tạo, như đưa người dân vào rừng để lập làng giữ rừng di sản Pơ Mu, ở Tây Giang. Quyết tâm xây dựng và triển khai đề án Sâm Ngọc Linh để giữ rừng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Nam Trà My, Quảng Nam. Đây là những phương pháp, đề án được Chính phủ đánh giá cao. Tuy nhiên ở nhiều địa phương, công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa được chính quyền và ngành chức năng thực sự chú trọng. Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin đưa ý kiến của ông Đỗ Quang Tùng-Giám đốc vườn quốc gia Yok Đôn: "Địa phương nào có rừng, để mất rừng, cứ kỷ luật ông Chủ tịch huyện là giữ được rừng hết...".
Hồng Thanh-Lê Hùng