Gian nan cuộc chiến giữ rừng

Bài 2: Những người gác rừng

Thứ tư, 14/06/2017 14:40

(Cadn.com.vn) - Vườn quốc gia Yok Đôn luôn nằm trong tình trạng báo động, bị “tấn công, triệt hạ” từ nhiều phía, nhiều đối tượng, nhiều mối đe dọa... Hơn 1.500 ha rừng hiện nay, nhưng lực lượng quản lý, bảo vệ vô cùng mỏng, bình quân mỗi kiểm lâm viên phải quản lý 1.000 ha rừng. Ông Đỗ Quang Tùng-Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia cho biết, lực lượng làm nhiệm vụ phải túc trực 24/24 giờ mỗi ngày, không được phép bỏ chốt, bỏ trạm... "Căng mình" để giữ rừng, nhưng sức người ai cũng có hạn, họ sẽ “gồng mình” đến được lúc nào...

PV Báo Công an TP Đà Nẵng và Kiểm lâm trong vùng lõi vườn Yok Đôn.

Tháng 5, Tây Nguyên như chảo lửa, bởi nắng và gió, thứ gió khô, nóng ran táp vào mặt, phải cố gắng lắm, chúng tôi mới điều khiển chiếc xe máy cà tàng theo kịp kiểm lâm viên Phạm Văn Vương Quốc-cán bộ Ban quản lý Vườn quốc gia Yok Đôn vào sâu trong vùng lõi vườn. Vườn quốc gia địa hình tương đối bằng phẳng,  những cây rừng tự nhiên to hàng ôm, thẳng tắp mọc san sát, nhưng dưới gốc vô cùng quang đãng, có thể đi bộ, xe máy, xe đạp thoải mái. Trong các khoảng rừng, nhiều đường đi lối lại, đó là đường  kiểm lâm đi tuần tra, đường dân sinh từ lâu đời, người dân đi làm ruộng, rẫy bên trong lõi rừng quốc gia... Trên con đường đất đỏ xuyên vào rừng, cảm giác cứng như đá dưới nắng, chỉ phảng phất những làn bụi mỏng, ấy vậy mà bất chợt một cơn mưa rừng ập đến, nền đường bỗng trở nên nhão nhoẹt, trơn như đổ mỡ. Chúng tôi nhanh chóng tấp vào một Trạm kiểm lâm, kẻo đi không được mà về cũng không xong như lời anh Quốc cảnh báo.

Đây là một trong 16 trạm kiểm lâm trên toàn diện tích rừng vườn Yok Đôn. Trạm có 5 người, trạm trưởng đi học, còn lại 4 kiểm lâm viên, tất cả còn rất trẻ, phụ trách là Trạm phó Y Phan Nia-một chàng trai Ê Đê, đã tốt nghiệp ngành Lâm nghiệp, Đại học Tây Nguyên. Y Phan Nia giới thiệu: quê xã Krong Ana, Buôn Đôn, còn tất cả đều là “lính xa nhà”: Phan Thế Dương-quê Nghệ An, Lưu Thành- quê ở Huế, Nguyễn Mộc Nguyên-quê Thái Bình. Trạm có trách nhiệm quản lý 4.365 ha rừng, thuộc 4 tiểu khu. Nhiệm vụ của trạm là hàng ngày thay phiên chia nhau tuần tra, chốt chặn các ngả đường khu vực quản lý.

Kiểm lâm vườn Yok Đôn đi tuần tra. 

Với đặc thù rừng Yok Đôn, xung quanh đều giáp ranh với các khu dân cư, nên còn nhiệm vụ nữa là phải nắm chắc tình hình, số lượng người dân đi lại, làm rẫy, làm ruộng tại các khu vực trong rừng, cứ như CSKV nắm tình hình ở khu đô thị vậy. Y Phan Nia bảo, với đặc điểm vườn quốc gia là nền đá, cây rừng ở đây mọc chậm, nhưng chất lượng rất tốt. Gỗ rừng Yok Đôn được đánh giá là nhiều loại gỗ quý và tốt nhất Tây Nguyên, luôn được các đối tượng săn lùng ráo riết. Mấy năm trước, tình trạng chặt phá rừng vô cùng khốc liệt, từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác tuần tra, kiểm soát được tăng cường nhưng vẫn xảy ra trung bình 1 đến 2 vụ một tháng.  Địa bàn quá rộng lại ít người, nên kiểm lâm viên hầu như không có ngày nghỉ, mỗi tháng chỉ có 4 ngày phép, với anh em gần thì còn về thăm vợ con, gia đình, còn đều ở xa như trạm này, thì thôi chỉ ra phố cắt cái tóc, mua ít xà phòng, vài cân thịt rồi quay về trạm...

Trước đây anh em đi tuần thường đi bộ, bây giờ được trang bị xe đạp, cũng đỡ hơn, nhưng mưa xuống, xe đạp đành bỏ không. Tôi hỏi, sao không dùng xe máy để đi tuần cho nhanh, Y Phan Nia bảo không thể được, tiếng xe máy sẽ làm lâm tặc phát hiện ra kiểm lâm, cất cưa, giấu gỗ, chờ kiểm lâm đi qua lại cắt cây, chuyển gỗ tiếp, việc đi tuần như thế sẽ vô tác dụng, thành ra lâm tặc “theo dõi” kiểm lâm. Hơn nữa kiểm lâm phải bí mật, không những theo dõi lâm tặc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, mà còn phải lên phương án, báo động các chốt phối hợp, nếu không lâm tặc sẽ tấn công lại kiểm lâm.

Mấy năm trước, việc phối hợp giữa các trạm kiểm lâm trong rừng rất khó khăn, nay đã có sóng điện thoại di động, nên việc phối hợp đã nhanh hơn, nhưng lắm lúc vẫn “thua” các đối tượng chặt phá rừng. Các đối tượng chặt phá, khai thác rừng trái phép thực chất vẫn là người dân địa phương xung quanh rừng, còn bọn đầu nậu có bao giờ thèm vào rừng đâu, chúng ngồi ở thị trấn ăn chơi, nhậu nhẹt chờ  gỗ rừng chuyển ra. Có hàng trăm hàng nghìn phương thức để lấy bằng được gỗ ra khỏi rừng, nào là giả làm người dân đi làm rẫy, nhưng tối ra là chở theo một súc gỗ. Cho người theo dõi kiểm lâm, rồi ồ ạt dùng xe tự chế chở gỗ vượt rừng bất kể giờ nào... Từ đầu năm 2017 đến nay, riêng trạm kiểm lâm số 1 này đã phát hiện, tịch thu gần 100 xe tự chế của lâm tặc cất giấu trong rừng, hoặc đang vận chuyển gỗ. Đã xảy ra nhiều vụ lâm tặc liều lĩnh chống trả kiểm lâm để cướp gỗ, phi tang tang vật. Mới đây nhất, ngày 20-4-2017, khi phát hiện một ô-tô lâm tặc chở gỗ đang vượt rừng ra ngoài quốc lộ, lực lượng kiểm lâm cơ động dùng xe đặc chủng bán tải đuổi theo, liền bị hai đối tượng đi xe máy chặn đường dùng đá ném vỡ kính, rất may người không thương tích...

Lâm tặc chở gỗ lậu trong vườn quốc gia Yok Đôn. 

Y Phan Nia bảo, khó khăn phức tạp nhất là vào mùa mưa, rừng bị ngập nước chia cắt giao thông nhiều nơi, đã có thời gian anh em ở trạm không thể ra ngoài lấy gạo, thực phẩm được, phải nấu cháo, rau rừng húp cầm hơi cả tuần, đây cũng là thời điểm lâm tặc lộng hành. Nếu không có sự phối hợp giữa lực lượng bên trong rừng với bên ngoài rừng thì gỗ rừng vẫn bị chặt phá, việc vận chuyển gỗ trái phép vẫn ồ ạt. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đỗ Quang Tùng cho biết, lâu nay kiểm lâm Vườn quốc gia chỉ có thẩm quyền ở trong rừng thôi, còn ra khỏi rừng lại là trách nhiệm, thẩm quyền của lực lượng khác của địa phương có rừng quản lý. Việc phối hợp nhiều khi vẫn không thống nhất, đồng bộ, anh em kiểm lâm vất vả, kiểm tra, phát hiện, nhưng việc xử lý lại không nghiêm, chưa đủ sức răn đe đối tượng. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng chưa sâu sát, triệt để trong nhân dân. Quanh vùng vườn quốc gia có 7 xã thuộc 3 huyện, với hơn 70.000 dân số là đồng bào các dân tộc, nhiều bộ phận di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào, có đến 40% các hộ đói nghèo. Vì kế sinh nhai, người dân ngày càng áp sát vào rừng, số lượng, diện tích rừng bị tàn phá vẫn diễn ra trông thấy hàng ngày...

Y Phan Nia đưa chúng tôi ra phía bờ sông SêrePok, nói đầy trăn trở: “Nếu mai này, rừng Yok Đôn không còn nữa, dòng sông này sẽ là dòng sông chết, Tây Nguyên sẽ biến thành sa mạc đá mất thôi...!”.

(còn nữa)

Hồng Thanh - Lê Hùng