Giúp dân trong mưa bão
*Sơ tán hàng vạn dân
(Cadn.com.vn) - Từ tối 29-9 đến chiều 30-9 hàng trăm CBCS là lực lượng CAP Phú Hậu, Kim Long, Phú Hiệp, Phú Cát, cảnh sát đường thủy… và lực lượng bảo vệ dân phố thuộc CATP Huế (TT-Huế) đã giúp di dời hơn 360 hộ dân với hơn 1.300 nhân khẩu, tài sản ra khỏi các vùng thấp trũng.
Vợ chồng anh chị Nguyễn Ái và Trần Thị Xí cùng 4 con nhỏ sống lênh đênh trên thuyền (đò) ở sông Hương đã hàng chục năm nay. Ngày 28-9, khi nghe đài thông báo, bão số 10 có khả năng vào Huế, cả nhà anh như ngồi trên “đống lửa”. Đang lo lắng không biết tìm chỗ nào để lánh nạn thì rạng sáng 30-9, lực lượng CAP Kim Long (TP. Huế) đã tiếp cận và giúp đỡ neo đậu, chằng chéo thuyền an toàn. Tiếp đó, vợ và 3 con của anh Ái cùng những tài sản quý giá đã được các chiến sĩ di dời vào trường tiểu học Kim Long. Khi đưa vào điểm tránh bão, vợ con anh Ái được phát mì tôm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác. Thiếu tá Lê Phước Hòa – Phó CAP Kim Long, TP Huế nói, hiện trên địa bàn phường có hàng chục hộ dân sống trên vạn đò và đó chính là ngôi nhà của họ. Vì vậy, trước diễn biến mưa bão phức tạp và nguy cơ xảy ra lũ lớn, chính quyền địa phương quyết định di dời toàn bộ các hộ vạn đò đang neo đậu trên địa bàn phường lên bờ. Trước mắt, ưu tiên di dời các thuyền có người già, neo đơn, trẻ con, người đau ốm, thai sản…
Bên cạnh việc đưa các hộ dân vạn đò lên bờ trú tránh bão, thì lưc lượng CA các phường trên địa bàn TP. Huế, lực lượng BVDP cùng với chính quyền địa phương đã sơ tán, di dời hơn 360 hộ dân (tính đến ngày 30-9) với gần 1.300 nhân khẩu ở các vùng thấp trũng, nguy hiểm lên đến khu vực an toàn. Chị Nguyễn Thị Hường (38 tuổi, ở phường Kim Long) được sơ tán trong đêm nói: “Chồng em đi làm thuê ở tận Hà Tĩnh không về được, trong khi đó em lại có con nhỏ nên không biết xoay sở thế nào. May nhờ có mấy anh CA giúp đỡ nên hai mẹ con em mới được đưa ra khỏi vùng trũng”.
Các chiến sĩ CATP Huế, lực lượng BVDP giúp sơ tán dân ra khỏi vùng trũng vào sáng 30-9 và tối 29-9. |
Không chỉ giúp dân sơ tán, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm thì trong sáng 30-9, một số CAP khi nhận được thông báo của các nhà bị tốc mái đã nhanh chóng có mặt giúp dân khắc phục. Cụ Phạm Long (80 tuổi, trú KV 6, phường Phú Hậu, TP. Huế) cho biết, rạng sáng 30-9, do mưa to, gió lớn nên mái tôn của nhà ông đã bị tốc. Nhận được tin, Trung tá Trần Văn Sáu- Trưởng CAP Phú Hậu đã cử 3 đồng chí CAP và các anh em trong Ban BVDP có mặt giúp cụ Long lợp lại mái tồn và đã hoàn thành ngay trong ngày. “Nếu không có mấy chú CA giúp đỡ thì tui cũng không biết đường mô mà lần”.
Ngoài ra, CATP Huế triển khai lực lượng tuần tra bảo vệ, hướng dẫn giao thông cho người dân biết các đoạn đường có cây cối gãy đổ, các điểm trọng yếu, nước sâu, chảy xiết dễ xảy ra tai nạn khi xảy ra lũ lụt như: Đập Đá, cửa Ngăn, cửa Quảng Đức, cửa Thượng Tứ và các cầu cống, kênh mương, trên các sông, hồ TP Huế… Đồng thời, phối hợp lực lượng cơ sở tuần tra đêm, phòng chống các đối tượng xấu lợi dụng tình hình mưa bão để gây án. Và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc cho người dân đi tránh bão, lụt cũng như kịp thời phục vụ, hỗ trợ cấp cứu các trường hợp tai nạn, sinh đẻ, ốm đau đột xuất…Thượng tá Đặng Ngọc Sơn - Trưởng CATP Huế cho biết, hiện, đơn vị đã triển khai lực lượng túc trực 24/24 để sẵn sàng ứng phó và giúp đỡ người dân trước cơn bão số 10. Đồng thời, người dân phải luôn luôn chủ động, tích cực phòng ngừa, nâng cao cảnh giác ứng phó các tình huống xảy ra, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Sơ tán hàng vạn dân
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 44.349 tàu với 180.899 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động trú tránh.
Các tỉnh có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão trong khu vực là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai sơ tán, di dời dân. Tính đến đến 5 giờ ngày 30-9, ba tỉnh trên đã sơ tán 3.501 hộ với 11.901 người đến nơi tránh, trú bão an toàn.
CSGT CATP Huế có mặt ở những điểm có cây gãy đổ để hướng dẫn người đi đường vào sáng 30-9 |
Các hồ thủy lợi có dung tích vừa và lớn trên địa bàn các tỉnh ven biển Quảng Bình đến Ninh Thuận đang vận hành bình thường, dung tích các hồ vẫn ở mức trung bình, hầu hết ở mức từ 20-70% dung tích thiết kế. Số hồ đầy và sắp đầy tập trung tại các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế.
Hiện có 6 trong tổng số 55 hồ chứa đã đầy và qua tràn; 12 hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn, trong đó tỉnh Quảng Trị có 7 hồ là Khối 7, Hương Lể, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng và Trọt Đâu - Trọt Đen; Thừa Thiên - Huế có hồ Hòa Mỹ; Quảng Nam có hồ An Long và Q.Ngãi có 3 hồ là Cây Khế, Đá Bàn và Tôn Dung. Đập Ea Kmiên 3, huyện Krông Năng, Đắk Lắk do lượng nước về lớn hơn khả năng thoát lũ nên mực nước trong hồ dâng cao và có nguy cơ mất an toàn.
Các hồ thủy điện vẫn vận hành bình thường.
H.Lan – B.Thùy