Giúp đỡ thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật: Cách làm hay từ Công an phường Thanh Khê Đông
hoặc 1 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ cao phạm pháp hình sự", CAP Thanh Khê Đông (Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã có nhiều cách làm sáng tạo, giúp nhiều đối tượng được trợ giúp có việc làm ổn định, không tái phạm.
Từ hỗ trợ sinh kế...
Nguyễn Thanh H., trú P. Thanh Khê Đông một thời ra tù, vào trại cai nghiện như cơm bữa. H chia sẻ, mỗi lần ra trại, đều tự hứa với lòng mình sẽ đoạn tuyệt với ma túy, làm ăn lương thiện. Thế nhưng, khi trở về không có việc làm ổn định, "có ai dám thuê thằng nghiện ngập như mình đâu", lại sẵn mặc cảm tự ti… nên chỉ một thời gian ngắn H lại tái nghiện. Lần gần nhất, H. bị bắt khi cùng nhóm bạn tụ tập sử dụng ma túy tại một quán karaoke. Sau đợt cai nghiện trở về địa phương, H. được CAP Thanh Khê Đông đến tận nhà thăm hỏi. Biết được nguyện vọng H muốn có chiếc xe máy để thồ hàng, chạy grab, CAP đã tham mưu UBND phường vận động các mạnh thường quân tặng anh chiếc xe máy cũ để làm phương tiện sinh nhai. Nhờ chiếc xe máy được tặng và sự quan tâm, thăm hỏi, động viên thường xuyên của Cảnh sát khu vực, giờ đây H. đã đoạn tuyệt được với ma túy, ngôi nhà xưa nay trĩu nỗi buồn vì có đứa con hư hỏng giờ đã tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.
Cùng có hoàn cảnh tương tự như H., em Trần Văn T. cũng dính vào ma túy, sau khi cai nghiện thành công, được CAP Thanh Khê Đông theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ, T. đã học được nghề đầu bếp, sau khi đề xuất UBND phường và vận động các mạnh thường quân hỗ trợ T. bộ dụng cụ nấu ăn trị giá 10 triệu đồng. Giờ đây T. đã có công ăn việc làm ổn định tại một quán ăn, từ bỏ ma túy.
Theo Trung tá Phạm Thanh Sơn- Trưởng CAP Thanh Khê Đông, việc trao tặng phương tiện, sinh kế đã trở thành một trong những hoạt động thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng CAP. Chỉ tính trong 3 năm (2021-2023), CAP Thanh Khê Đông đã rà soát, tiếp cận giúp đỡ và đề xuất trao phương tiện sinh kế cho 17 người thuộc diện sau cai và người sử dụng chất ma túy có chiều hướng tiến bộ với 14 chiếc xe máy, 3 bộ đồ nghề sửa xe, dụng cụ nấu ăn... với tổng số tiền trị giá hơn 170 triệu đồng. Qua 3 năm theo dõi, chỉ có 1 trường hợp tái sử dụng trái phép chất ma túy, 16/17 trường hợp còn lại đều tiến bộ, có việc làm ổn định.
...Đến kèm cặp, giúp đỡ, tạo công ăn việc làm…
CAP Thanh Khê Đông cũng đã tiến hành rà soát 3 trường hợp có nguy cơ cao vi phạm pháp luật trên địa bàn để phân công cho 3 chỉ huy CAP trực tiếp gặp gỡ, kèm cặp, giáo dục. Qua hơn 1 năm thực hiện, đến nay cả ba đều đã tiến bộ, trong đó 1 trường hợp được tạo điều kiện tiếp cận công việc và đang làm công nhân tại cảng Tiên Sa. 2 trường hợp còn lại hiện đang gia nhập lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng tham gia tuần tra 8394 hàng đêm cùng với CAP và dân quân.
Anh Nguyễn Văn T. (2000), trước đây bị xử lý về hành vi trộm cắp tài sản, lĩnh án phạt tù 1 năm. Mãn hạn tù, được CAP Thanh Khê Đông động viên, tặng quà, nắm bắt tâm tư nguyện vọng. Qua quá trình vận động, anh T. giờ đây đã tham gia vào lực lượng bảo vệ dân phố, trở thành một tuyên truyền viên hỗ trợ công tác bảo đảm ANTT. "Trước đây, lúc còn nhỏ thì ban đêm nghe theo chúng bạn, tụ tập đi phá làng phá xóm, nay hàng đêm thì đi tuần tra, góp phần gìn giữ phố phường được bình yên, cuộc sống thêm phần ý nghĩa", anh T. ví von.
Với Văn Anh T. (2002), tuổi đời còn khá trẻ nhưng trước đây do bị bạn bè lôi kéo tham gia gây gổ đánh nhau và bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích. T. giờ đây cũng tham gia vào lực lượng dân phòng của phường.
Theo Trung tá Phạm Thanh Sơn, thực tiễn công tác tái hòa nhập cộng đồng là một quá trình khó khăn, phức tạp và lâu dài. Ngay từ ban đầu, khi được phân công kèm cặp, giúp đỡ, hỗ trợ cho người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng còn gặp một số khó khăn, nhất là nhận thức từ cộng đồng còn có sự kỳ thị, phân biệt đối xử, chưa thực sự mở lòng, thực sự tin tưởng… với những người từng có tiền án, tiền sự. Quan trọng là mỗi cán bộ, chỉ huy CAP phải thật sự tâm huyết, kiên trì, thường xuyên theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", tạo dựng niềm tin.
Không chỉ 3 trường hợp nêu trên, có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác ở địa phương đã được cán bộ chiến sĩ CAP Thanh Khê Đông giúp đỡ tạo công ăn việc làm để vươn lên trong cuộc sống như một trường hợp con mồ côi cha tại khu dân cư Thanh Hà, hằng tháng hỗ trợ 1 triệu đồng từ tiền lương của cán bộ chiến sĩ đóng góp; trường hợp Trần Văn H. (2009) bỏ học từ sớm, bố đi làm ăn xa, sống với ông bà ngoại được giúp đỡ vào học nghề có hỗ trợ tiền công hàng tháng tại ga-ra ô-tô Đại Thanh Tùng.
Thêm một người hoàn lương, có công ăn việc làm ổn định sẽ góp phần hạn chế tình hình tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Nếu địa phương nào cũng có những mô hình, việc làm hiệu quả như CAP Thanh Khê Đông sẽ góp phần xây dựng một thành phố nhân văn, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.
Đức Lâm