Giúp người dân tiếp cận dễ dàng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe
(Cadn.com.vn) - Ngày 20-9, tại TP Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống y tế với chủ đề "Vai trò của chính quyền địa phương trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân". Dự hội nghị có Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương TS. Shin Young-Soo cùng đại diện lãnh đạo ngành Y tế các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, TP HCM và Bình Dương.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong thời gian qua, ngành Y tế Việt Nam đã ứng dụng và triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Đồng thời, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, sản xuất được nhiều loại vaccine, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Cơ chế tài chính y tế được đổi mới, mức viện phí được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ. Cơ sở vật chất được cải thiện. BHYT được mở rộng với 76,52% dân số tham gia. Bên cạnh đó, đề án giảm tải bệnh viện được thực hiện hiệu quả, xây dựng thêm nhiều cơ sở mới, thiết lập bệnh viện vệ tinh, tăng cường chuyển giao kỹ thuật và luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới, giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên. Phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế, lấy con người làm trung tâm và hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã được hưởng ứng và thực hiện rộng rãi trong toàn ngành, được xã hội ủng hộ tích cực...
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương, TS. Shin Young-Soo khẳng định: "Việt Nam dù phải đương đầu với nhiều thách thức nhưng đã đạt một số thành tựu y tế. Tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên rất nhiều, đạt bình quân là 76 tuổi. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn đặt các vấn đề y tế lên thành các vấn đề ưu tiên hàng đầu và dành nguồn lực quốc gia đáng kể cho y tế. Tôi chắc chắn rằng trong tương lai, người dân Việt Nam sẽ ngày càng được hưởng sự chăm sóc y tế thông qua BHYT toàn dân".
Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên Ngày 20-9, Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai ca đầu tiên ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Bệnh nhân được thực hiện ca ghép tế bào gốc là anh T.A.N. (42 tuổi, trú Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Bệnh nhân N. bị tai nạn giao thông cách đây 6 tháng dẫn tới chấn thương cột sống, liệt tứ chi, đi lại bằng xe lăn. Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng phối hợp cùng chuyên gia của Bệnh viện Kitano (Osaka, Nhật Bản) và Trung tâm nghiên cứu tế bào gốc Kobe (Nhật Bản) thực hiện ca ghép tế bào gốc kéo dài 8 giờ. Bác sĩ Suzuki Yoshihisa (Bệnh viện Kitano) cho biết, phương pháp ghép tế bào gốc cho bệnh nhân N. là tiến hành chiết tách tế bào lấy từ tủy xương mào chậu của chính bệnh nhân, phân tích các chỉ số huyết học và chọn lựa tế bào phù hợp cấy ghép vào tủy sống của bệnh nhân để tái tạo tế bào thần kinh. Các chuyên gia của Nhật Bản cũng cho biết sẽ hỗ trợ ghép tế bào gốc miễn phí cho 30 ca đầu tiên tại Đà Nẵng. "Số người bị tai nạn dẫn đến chấn thương cột sống của Việt Nam rất nhiều nên chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ phương pháp điều trị mới này đối với các bạn", bác sĩ Suzuki Yoshihisa nói. Lê Hùng |
Trao đổi kinh nghiệm của Đà Nẵng về phát triển hệ thống y tế địa phương theo hướng công bằng và bao phủ toàn dân, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng cho biết, trong những năm qua, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết bị y tế và đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện phát triển đồng bộ và đa dạng hóa các lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, mạng lưới y tế tiếp tục được phát triển, từ lĩnh vực y tế chuyên sâu đến việc hoàn thiện y tế cơ sở. Những nỗ lực đó đã đáp ứng cơ bản và ngày càng cao nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân.
Cũng theo Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả BHYT toàn dân (bao gồm bao phủ về dân số, dịch vụ và bảo vệ tài chính) và từng bước giải quyết những khó khăn vướng mắc trong thực hiện BHYT hiện nay; tiếp tục phát triển y tế chuyên sâu song song cùng với việc đào tạo đội ngũ chuyên môn cao, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Cũng như, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống khám chữa bệnh tại tất cả các tuyến, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động y tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các kỹ thuật y học cao trong chẩn đoán và điều trị; phát triển y tế phổ cập, bác sỹ gia đình, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao phủ y tế toàn dân kết hợp với phát triển y tế chuyên sâu. Triển khai các giải pháp tổng thể để giảm quá tải bệnh viện, từng bước thiết lập lại hệ thống chuyển tuyến trong khám chữa bệnh, tham gia vào mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Thực hiện thí điểm mô hình "Bác sỹ gia đình" tại một số xã, phường nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm tải bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: "Sức khỏe là tài sản quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Để chăm lo tốt và bảo vệ được sức khỏe nhân dân, bên cạnh sự nỗ lực của các cán bộ ngành Y tế còn phải kể đến sự chỉ đạo, hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp trong việc điều hành, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình y tế tại địa phương. Hiện nay, Bộ Y tế quản lý theo ngành, chính quyền địa phương quản lý theo lãnh thổ. Các cơ sở y tế địa phương vừa chịu sự quản lý về chuyên môn y tế do Bộ Y tế ban hành, vừa chịu sự lãnh đạo của chính quyền địa phương về tổ chức, nhân lực y tế. Mặt khác, để giải quyết các vấn đề y tế địa phương cần có sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Do đó, chính quyền địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tổ chức thực hiện các chương trình y tế tại địa phương, cũng như điều phối sự hợp tác của nhiều bên và trong nhiều lĩnh vực trên địa bàn để giúp người dân tiếp cận dễ dàng và sử dụng hiệu quả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng có chất lượng, với chi phí hợp lý nhất".
Lê Hùng