Gỡ khó cho Dung Quất (Kỳ 2: Đô thị dang dở, tái định cư phát triển)
"Thành phố Vạn Tường" là một trong những mục tiêu đặt ra khi xây dựng KKT Dung Quất. Tuy nhiên, vì "lỡ hẹn" nên nhiều người vẫn gọi vui Vạn Tường là thành phố "thuộc xã" duy nhất ở Việt Nam. Để phù hợp với tình hình phát triển, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa "thành phố Vạn Tường" xuống khu đô thị, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt Khu đô thị (KĐT) loại IV. Trong khi đó, ở nhiều khu tái định cư (TĐC) của người dân tại KKT Dung Quất cũng đang bắt đầu phát triển.
Những ngôi nhà khang trang đang được xây dựng ở Khu tái định cư An Lộc. |
Theo con đường huyết mạch nối từ tuyến Dốc Sỏi-Dung Quất về phía nam là Khu TĐC An Lộc (thôn An Lộc, xã Bình Trị, H.Bình Sơn). Nhiều ngôi nhà mới đang mọc lên trên những con đường nhựa được quy hoạch rất chỉn chu, có hệ thống điện đường, cây xanh chẳng khác nào ở một khu đô thị đang phát triển ở thành phố. Khu TĐC cho người dân vùng giải tỏa được xây dựng tại Khu dân cư tây bắc Vạn Tường giai đoạn 3, với diện tích 19,35ha, trên địa bàn xã Bình Trị do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Diện tích đất sử dụng cho khu TĐC hơn 19 ha, chưa kể diện tích mương thoát nước dọc và cống thoát lũ. Diện tích đất ở là 10,2ha và được chia làm 22 khu ở, với 557 lô để bố trí cho người dân. Hạ tầng kỹ thuật có 19 tuyến đường nội bộ và 2 tuyến đường gom, với tổng chiều dài toàn tuyến trên 4,5km. Các công trình phụ trợ gồm: cống kỹ thuật, nút giao thông, vỉa hè, cây xanh... Hệ thống thoát nước, nước thải được xây dựng theo tuyến dọc chạy xung quanh khu dân cư dài gần 1,2km. Ngoài ra còn có hệ thống cấp nước sạch, cấp điện dân dụng, điện chiếu sáng bằng cáp ngầm...
Hơn 2 tháng nay, gia đình anh Đình Tấn Vinh (thôn Phước Hòa, Khu Hòa Trung, xã Bình Trị) đang tất bật với việc xây dựng ngôi nhà mới 2 tầng khang trang tại lô đất TĐC vừa được bố trí. Sát với nhà anh Vinh, hàng chục ngôi nhà khác cũng đang mọc lên. Anh Vinh làm nghề lái xe múc cho một cty trong khu công nghiệp, còn vợ thì buôn bán nhỏ. Ở khu nhà cũ, điều kiện buôn bán khó khăn, ẩm thấp do việc san lấp mặt bằng để phục vụ dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thế là vợ chồng anh chấp hành việc giải tỏa, bàn giao đất đai, tháo dỡ nhà cửa rồi nhận tiền bồi thường và đất TĐC. Ngôi nhà này ước tính xây dựng cũng hết 400 triệu đồng, tuy tiền đền bù không đủ nhưng cũng có ít tích góp trong thời gian qua nên chắc không quá khó khăn. "Tuy nhiên sinh hoạt ở đây vẫn thiếu nguồn nước sạch. Tất cả các hộ trong khu dân cư này đều phải đóng nước giếng khoan để phục vụ xây dựng và sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi mong rằng sớm có nước sạch để bà con yên tâm"-anh Vinh bộc bạch.
Trong khu TĐC cũng mới vừa được Cty lọc hóa dầu Bình Sơn xây dựng và bàn giao cho cho xã Bình Trị ngôi trường cấp 1 diện tích gần 5.000m2, xây 2 tầng. Gần đó cũng có thêm 1 trạm y tế rộng gần 1.000m2 và 2 nhà sinh hoạt cộng đồng. Khu TĐC có đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm phục vụ nhân dân khu vực giải tỏa. Ông Nguyễn Công Cung-Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị cho biết, việc triển khai xây dựng Khu TĐC An Lộc và đưa người dân vào đó thành công là điều rất đáng mừng. Từ đây người dân sẽ có cuộc sống tốt hơn, yên tâm hơn với công ăn việc làm của mình để chăm lo phát triển kinh tế gia đình, duy trì công việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Con em ở khu TĐC, con em công nhân làm việc trên địa bàn cũng sẽ có điều kiện học hành tốt hơn vì đã có thêm trường học khang trang.
Chuyện ở khu TĐC là thế, nhưng khi xuôi về phía KDC Vạn Tường (trước đây mục tiêu là thành phố Vạn Tường-cũng trong địa bàn xã Bình Trị, một phần ở xã Bình Hải) lại rơi vào cảnh đìu hiu. Được lên kế hoạch xây dựng từ 1998 và chính thức phê quyệt qui hoạch vào 2009, mục tiêu của KĐT Vạn Tường là trở thành một KĐT và là thành phố trong tương lai. Trong các KĐT trên địa bàn tỉnh, hiếm có KĐT nào thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận như KĐT Vạn Tường. Bởi lẽ, khi quy hoạch và hình thành KKT Dung Quất, với lợi thế sẵn có, Vạn Tường được chọn làm đô thị lõi của KKT. Theo quy hoạch, đô thị Vạn Tường nằm trong ranh giới của 5 xã: Bình Trị, Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú và Bình Phước với diện tích hơn 3.800ha.
Người dân chăn bò trên đường-cảnh thường thấy ở Khu đô thị Vạn Tường. |
Tuy nhiên, sau giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, đến nay, Vạn Tường không phát triển được như kỳ vọng. Chạy xe dọc các tuyến đường trong "thành phố Vạn Tường" cũng chỉ thấy được những công trình công cộng, trụ sở các cơ quan, đơn vị, ngân hàng, trường nghề và những khu nhà của các chuyên gia nhà máy lọc dầu Dung Quất. Còn nhà dân rất hiếm... Để phù hợp với tình hình, tỉnh Quảng Ngãi đã buộc phải điều chỉnh quy hoạch, tên gọi của thành phố Vạn Tường thành KĐT Vạn Tường. Cuối năm 2015, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết công nhận Vạn Tường là đô thị loại V (diện tích 650ha thuộc các thôn Vạn Tường, Thanh Thủy, Phước Thiện (Bình Hải) và thôn An Lộc (Bình Trị). Đặc biệt, vào tháng 9-2015, khi làm việc với Ban Quản lý KKT Dung Quất, ông Lê Viết Chữ-Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã đưa ra ý tưởng xây dựng Trung tâm Chính trị - Hành chính H. Bình Sơn tại KĐT Vạn Tường. Ngay sau đó, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và Thường trực Huyện ủy Bình Sơn thống nhất các vấn đề liên quan đến việc nghiên cứu hình thành Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện tại KĐT Vạn Tường. Đây được xem là giải pháp đột phá để Vạn Tường trở thành KĐT dịch vụ- thương mại- du lịch và công nghiệp phát triển như kỳ vọng. Tuy nhiên đến nay việc thực hiện chỉ đạo vẫn đang trong giai đoạn "nghiên cứu".
Phát triển đô thị Vạn Tường là kỳ vọng rất lớn không chỉ với người dân khu đông Bình Sơn, mà còn với cả người dân Quảng Ngãi nói chung. Bởi lẽ, sau khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, KKT Dung Quất là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư thì tiềm năng phát triển đô thị, dịch vụ ở đây vẫn chưa được đánh thức. Tuy nhiên, để làm được điều này, một mình Ban quản lý KKT Dung Quất và H. Bình Sơn thì không thể làm nổi mà phải có những đơn vị tư vấn chiến lược, sự hỗ trợ của các ban, ngành trên địa bàn tỉnh...
(còn nữa)
NGUYỄN TUẤN