Gỡ khó để nhân tài cống hiến
Ngày 2-6, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cùng chủ trì buổi làm việc với các học viên thuộc đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) để lắng nghe tâm tư, đề xuất, kiến nghị, từ đó từng bước đưa ra giải pháp tháo gỡ những bất cập trong công tác bố trí công việc, tạo môi trường việc làm để các học viên phát huy hết khả năng, yên tâm cống hiến cho thành phố.
Lần đầu tiên, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và Giám đốc Sở Nội vụ tổ chức buổi đối thoại, gặp gỡ các học viên nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Công việc phù hợp quan trọng hơn chức vụ, lương bổng
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, tính đến tháng 5-2018, thành phố có 616 người đi học theo đề án 922, thời điểm hiện tại đã có 16 học viên giữ chức vụ phó giám đốc cấp sở, tương đương trở lên nhưng cũng đã có 93 người trong số này xin rút khỏi đề án. Ông Thơ đánh giá, so với số người đã có được môi trường làm việc phù hợp với khả năng thì số lượng học viên không còn tham gia đề án, kể cả những người vi phạm hợp đồng không phải là lớn. Về cơ bản, Đề án 922 đã đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, bổ sung vào sự thiếu hụt về cán bộ trẻ, có năng lực, phục vụ cho chiến lược phát triển KT-XH của thành phố. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác, Đề án cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục.
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và được bố trí công tác, nhiều học viên chưa nhận được sự hỗ trợ của cấp trên, không có được môi trường để phát huy khả năng hoặc phải làm việc trái với chuyên môn đã học dẫn đến việc nảy sinh tâm tư. Thậm chí trong quá trình tuyển dụng, bố trí công tác vẫn còn thiếu khách quan, chưa thật sự công bằng. “Giám đốc các Sở phải tính toán, tìm cách xử lý việc này một cách nghiêm túc. Không thể để các em bỏ đi vì không thỏa mãn việc này. Các bạn là những người trẻ từ kiến thức đến tâm hồn. Một động tác có sự bất công, thiên vị, không minh bạch thì lập tức môi trường làm việc sẽ bị vẩn đục ngay. Nhiều khi các học viên không cần nhiều tiền, không cần vị trí cao mà điều họ cần là môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, cần sự minh bạch”, ông Thơ nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Đức Thơ cũng đồng thời lưu ý bản thân mỗi học viên khi đã tham gia Đề án phải thể hiện giá trị đóng góp, cống hiến cao hơn. Kiến thức chỉ là một phần, tự bản thân từng người phải cố gắng, nỗ lực, tự vận động, rèn luyện ý chí. Quan trọng là phải học hỏi nhiều hơn từ các thế hệ đi trước để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình công tác của mình.
Anh Lê Hữu Thành (công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, khi học viên trở về thành phố là đã xác định tư tưởng sẽ cống hiến nhưng nhiều người không được bố trí công việc kịp thời, kiến thức mai một nên nản chí. Anh Thành tâm sự, nhiều người vẫn nghĩ rằng một số học viên đang phản bội lại thành phố vì đi học bằng ngân sách nhưng không trở lại cống hiến. Tuy nhiên, bản chất của hợp đồng có nêu rõ yêu cầu đầu ra, nghĩa là khi hoàn thành chương trình đào tạo theo yêu cầu, thành phố phải xem xét, bố trí công việc phù hợp với năng lực của từng người. “Giao cho chúng tôi công việc gì mới là quan trọng chứ không phải là chức vụ hay lương bổng”, anh Thành trải lòng, đồng thời đề xuất nếu chưa thể tạo môi trường để phát triển năng lực, sở trường thì thành phố nên tạo điều kiện cho học viên ra đi, trang bị thêm chuyên môn cho mình. Sau này nếu có điều kiện thì sẽ mời họ về cống hiến trở lại.
Học viên Đề án 922 trình bày tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. |
Phải an cư mới ổn định để cống hiến
Chị Nguyễn Thị Liên (công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng) nêu bất cập giữa các nội dung trong hợp đồng và quy định hiện hành của cơ quan chức năng về vấn đề nhà ở. Khi ký hợp đồng, thành phố có điều khoản tạo điều kiện cho thuê chung cư, không nêu điều kiện bắt buộc phải có gia đình, là hộ nghèo. Nhưng khi học viên về công tác, có nhu cầu thuê chung cư thì Sở Xây dựng lại yêu cầu các tiêu chí trên. Với khả năng tài chính của một người mới đi làm, rất khó để mua đất, mua nhà, khi không có nơi ở ổn định thì rất khó để công chức yên tâm cống hiến.
Trước thông tin này, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, trong hợp đồng cử đi đào tạo với học viên có điều khoản cho thuê chung cư nhưng khi học viên có nhu cầu lại đưa chính sách chung của thành phố vào áp dụng là không đúng. Chính vì vậy, các sở ngành cần nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định, sau khi tổng hợp số liệu, khảo sát nhu cầu thành phố sẽ xem xét việc dành lô đất 5.000m2 để xây dựng khu chung cư đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại buổi đối thoại, một số học viên cũng cho rằng, không chỉ bố trí việc làm mà học viên Đề án 922 thường được xem là những người mới, nhiều người khó khăn trong hòa nhập với các đồng nghiệp không thuộc đề án. Chính vì vậy, họ rất cần sự quan tâm, khích lệ của lãnh đạo, quản lý để có thể trình bày các tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất mà họ cảm thấy sẽ tốt hơn lên. Bên cạnh đó, với những gì đã được đào tạo, họ cần được giao việc để khẳng định bản thân đủ năng lực, có khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, nếu không kiến thức đã được học sẽ mai một, lãng phí.
Sau khi lắng nghe tâm tư, kiến nghị, đề xuất của các học viên, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các sở, ngành, địa phương, nhất là Sở Nội vụ và Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao xây dựng các đề án, kế hoạch cụ thể trình lãnh đạo thành phố xem xét, có những quyết sách đúng đắn trong thời gian tới. “Việc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố không chỉ dừng lại ở một buổi như thế này mà phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải làm tốt hơn nữa công tác quản lý, giám sát quá trình đào tạo, tuyển dụng, bố trí công việc cũng như chính sách đãi ngộ ở từng sở ngành và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của từng học viên cụ thể. Trước mắt, sau cuộc đối thoại này 15 ngày, các đơn vị, địa phương phải có đề án kèm theo đề xuất liên quan đến tuyển dụng, bố trí, quản lý các học viên tại cơ quan mình”, ông Thơ chỉ đạo.
BẢO NAM