Gỡ rối cho tơ xứ Quảng

Thứ năm, 08/02/2018 13:20

Năm 2017, Quảng Nam ghi dấu ấn sâu đậm với những lễ hội, hội thảo về tơ lụa. Từ dịp festival Di sản Quảng Nam, festival Tơ lụa thổ cẩm Việt Nam và thế giới, Tuần lễ Cấp cao APEC tơ lụa xứ Quảng đã dần hình thành nên thương hiệu của riêng mình. Tại buổi hội thảo "Nghề trồng dâu tằm tơ lụa thổ cẩm Quảng Nam vừa qua, nhiều chuyên gia đã "hiến kế" cho Quảng Nam để ngành tơ lụa không bị mai một theo thời gian. Đây chính là những giải pháp căn cơ để Quảng Nam triển khai trong năm 2018.

Trình diễn lụa Việt trong chương trình Đêm hội phương Đông tại Hội An.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho biết đang tìm mọi cách phục hưng nghề trồng dâu nuôi tằm vì đến thời điểm hiện tại thị trường đã có dấu hiệu tốt, nhất là một số doanh nghiệp rất tâm huyết và có khả năng kết nối với các tập đoàn  lớn trên thế giới để tổ chức lại nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Cùng với những gì đã được góp nhặt, chuẩn bị trong năm qua, ông Thanh cho rằng ngành dâu tằm đang từng bước trở lại mạnh mẽ hơn.

Nói về diện tích đất trồng dâu hiện nay ở Quảng Nam nhiều chuyên gia về lĩnh vực này ví von Quảng Nam đã bị tỉnh Lâm Đồng "soán ngôi". Lời ví von này hợp lý bởi chỉ từ năm 2000 đến nay Quảng Nam đã giảm đến hơn 90% diện tích trồng dâu trong khi tỉnh Lâm Đồng thì lại tăng diện tích. Một trong những nguyên nhân quan trọng  dẫn đến nghề dâu tằm, tơ lụa tại Quảng Nam bị mai một là do thực hiện việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình theo Nghị định 64 của Chính Phủ. Chính điều này đã phá vỡ tính liên khoảnh, liên vùng của các bãi dâu làm cho diện tích trồng dâu trở nên manh mún, nhỏ lẻ nông dân phải chuyển sang trồng các loại cây khác hiệu quả cao hơn. Chính vì không có nguồn nguyên liệu tại chỗ nên dẫu sản phẩm lụa ở Quảng Nam có bền, đẹp vẫn không được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Số lượng ít, giá thành cao chính là hệ lụy đi kèm với việc giảm diện tích đất trồng dâu.

Ông Lê Muộn - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn 111 ha dâu tập trung ở H. Duy Xuyên. Các hộ trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là nuôi để bán thực phẩm vì thời gian chăm sóc ngắn hơn, không tốn quá nhiều công sức, thị trường tiêu thụ và giá bán cũng tương đối ổn định. Nhiều dự án tâm huyết với ngành dâu tằm của một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần tơ lụa Quảng, dự án thí nghiệm trồng dâu nuôi và cấy ghép tơ tằm tại xã Đại Hiệp của Công ty KBL... Tuy nhiên mọi giải pháp  cũng chỉ dừng ở triển vọng.

Để khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, ông Muộn đề xuất các giải pháp nên tích tụ, tập trung đất đai, đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa ở các vùng ven sông, bãi bồi. Đồng thời thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất hàng hóa thì câu chuyện bảo tồn phát huy nghề lụa sẽ có hướng giải quyết. Đây là nội dung hết sức quan trọng và có tính quyết định cho sản xuất dâu tằm. Để lấp đầy những bãi dâu thì việc xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác là rất quan trọng. Xây dựng các mô hình hợp tác đa dạng cùng góp vốn cùng chia sẻ rủi ro từ đó tạo thành một cộng đồng khôi phục nghề dâu tằm hiệu quả.

Còn bà Lê Hồng Vân - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương cho rằng tuy không bằng những địa phương khác nhưng nghề dâu tằm ở Quảng Nam vẫn có cơ hội phát triển. Chính quyền địa phương với tư cách là "nhạc trưởng" là nhân tố quan trọng nhất đảm bảo cho sự phát triển. Vì nghề này thu nhập rất khá, đặc biệt điều kiện canh tác ở các bãi bồi sông Vu Gia, Thu Bồn rất phù hợp. Cây dâu vừa tạo thu nhập cao nhưng cũng có tác dụng giữ đất, hạn chế xói lở, phục hồi môi trường hệ sinh thái khu vực hai bên sông. Vai trò của địa phương thể hiện qua những việc mà nông dân và doanh nghiệp không làm được đó là quy hoạch, định hướng phát triển. Đối với vấn đề diện tích đất đai trồng dâu bà Vân cho rằng bằng các giải pháp dồn điền đổi thửa cần phải tăng quy mô sản xuất của nông hộ. Bà Hà Thị Hoa - Giám đốc Công ty TNHH Xe tơ - Dệt lụa Hà Bảo (tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ kinh nghiệm cho Quảng Nam đó là cần nhấn mạnh vào những giải pháp căn cơ. Trong đó giải pháp về chính sách và quản lý nhà nước, giải pháp quy hoạch, giải pháp công nghệ, giải pháp thị trường chính là  những mũi nhọn cần chú ý... Áp dụng đồng bộ những giải pháp này chính là chìa khóa để nghề dâu tằm phát triển ổn định bền vững.

Đồng Dao