Gỡ vướng để hoàn thiện "bà đỡ" của ngư dân
Ngày 29-8, hội thảo "Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra" do Bộ NN&PTNT, UBND TP Đà Nẵng và Báo Nông thôn ngày nay phối hợp tổ chức đã thu hút khoảng 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo, cộng đồng ngư dân ven biển, các ngân hàng, các Cty đóng tàu tham gia. Hiệu quả bước đầu của Nghị định 67 cũng như khó khăn, vướng mắc cùng các kiến nghị, đề xuất đã được thẳng thắn nêu ra tại hội thảo hướng tới việc tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn giúp tàu 67 vững vàng vươn khơi đánh bắt, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền.
Có 19 tham luận, ý kiến của các bộ ngành, địa phương và cộng đồng ngư dân nêu những bất cập, hạn chế khi thực hiện Nghị định 67. |
Loại các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện
Ông Nguyễn Văn Trung- Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công. Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị gỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hoạt động kém... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông Ngô Tấn- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, Bộ NN & PTNT đã ban hành 21 mẫu tàu vỏ thép áp dụng cho toàn quốc, nhưng ở từng địa phương, vẫn có nhiều điểm chưa phù hợp. Lâu nay ngư dân chỉ mới sử dụng tàu vỏ gỗ, chưa có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về tàu vỏ thép, nên khi đặt hàng thiết kế mới hoặc điều chỉnh thiết kế mẫu của Bộ vẫn chưa thể đưa ra đầy đủ các yêu cầu của mình. Do vậy, khi thi công đóng mới, còn nhiều vấn đề nảy sinh cần phải thay đổi về kết cấu vỏ tàu, máy chính đẩy tàu, trang thiết bị, giá thành đầu tư làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện chính sách. Ông Tấn cho biết, nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Nam phải đổ thêm nhiều tấn bê-tông để dằn tàu. Ông Nguyễn Đỗ Tám- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cũng cho biết, hầu hết các tổ chức, cá nhân đóng mới tàu khai thác hải sản phải điều chỉnh thiết kế để phù hợp với kinh nghiệm và ngư trường hoạt động, vì vậy sẽ mất thời gian điều chỉnh thiết kế. Kinh phí điều chỉnh thiết kế cũng khá cao (khoảng 50 triệu đồng).
Theo ông Nguyễn Công Bình- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, trong quá trình hoạt động sản xuất, một số ngư dân phản ánh về tình trạng vỏ thép bị gỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên bị sự cố, lưới cuốn chân vịt, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn bị hư hỏng hoặc không hoạt động. Ông Phương đề xuất Chính phủ phối hợp các UBND các tỉnh, thành phố ven biển rà soát, đánh giá lại việc công bố cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu cá, đặc biệt là các cơ sở đóng mới tàu cá vỏ thép. Kiên quyết loại bỏ những cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoặc đóng tàu không đúng với chất lượng cam kết với ngư dân ra khỏi danh sách cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu. Bên cạnh đó, cần có phương án hỗ trợ kinh phí cho chủ tàu thuê tư vấn giám sát trong quá trình thi công đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67.
Đề nghị giãn nợ cho các chủ tàu bị ảnh hưởng
Là một trong nhiều ngư dân bị thiệt hại nặng nề do chất lượng tàu vỏ thép không đảm bảo, ngư dân Đinh Công Khánh- chủ tàu BĐ 99086 TS cho biết, sau khi đăng ký vay theo Nghị định 67 để đóng tàu vỏ sắt với mong muốn để đi ra Hoàng Sa, Trường Sa vừa yên tâm vừa đánh bắt hiệu quả, tham gia bảo vệ chủ quyền, anh được ngân hàng BIDV cho vay tổng cộng 18,7 tỷ đồng. Sau khi đóng tàu, chứng kiến nhiều khuyết điểm của con tàu, anh Khánh yêu cầu Cty đóng tàu khắc phục nhưng không được đáp ứng. Không thể nằm bờ mãi, anh buộc phải ra khơi thì xảy ra sự cố ngay trên biển. Hầm đá bị ứ nước, toàn bộ đá lạnh hỏng sạch không thể giữ lạnh cho cá. Chuyến biển này đi nửa tháng, đánh được tổng cộng 2 tấn cá khi đưa xuống hầm lạnh thì toàn bộ đá đã không còn. "Để "chữa bệnh" cho tàu, tôi phải bán con tàu vỏ gỗ với giá 1,5 tỷ đồng nhưng không thấm vào đâu. Từ chỗ có của ăn của để, vì con tàu vỏ thép mà tôi lâm nợ, vợ chồng cãi lộn... mọi chuyện rơi vào túng quẫn, chưa có lối thoát. Trong khi đó, ngân hàng liên tục giục trả nợ vì đã quá hạn nên cả gia đình tôi như ngồi trên đống lửa", anh Khánh xót xa, đồng thời kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành có chỉ đạo ngân hàng có phương án giãn nợ cho các ngư dân trong diện này để chờ tàu được sửa xong thì chúng tôi lại ra khơi bám biển.
Sau ý kiến của ngư dân Khánh, rất nhiều đại biểu cũng đồng quan điểm đề nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi vay, điều chỉnh thời gian trả nợ trong năm hoặc hướng dẫn cơ cấu nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ đối với một số tàu vỏ thép đóng mới bị hư hỏng phải nằm bờ để sửa chữa nhưng đã đến thời hạn trả nợ gốc và lãi vay.
Một tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Nam gặp sự cố không thể ra khơi, phải nằm bờ sửa chữa trong thời gian dài. |
Cởi bỏ rào cản trong chính sách tín dụng
Ông Trần Hữu Thế- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, việc thực hiện Nghị định 67 tại tỉnh Phú Yên chậm, nhất là thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67 so với các tỉnh khác đạt tỷ lệ thấp và đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do cơ chế chính sách để thực hiện Nghị định chưa đồng bộ, dẫn đến nhiều khó khăn vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách theo Nghị định 67 còn chưa rộng rãi, cụ thể nên nhiều ngư dân còn e dè, chưa mạnh tiếp cận nguồn vốn lớn, kể cả nguồn vốn lưu động đầu tư cho chuyến biển. Cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, đơn vị, chính quyền địa phương và các ngân hàng thương mại có lúc chưa đồng bộ nên việc xét duyệt, thẩm định các thủ tục hồ sơ vay vốn còn kéo dài.
Ông Ngô Tấn cho rằng, việc đánh giá các tiêu chí đủ điều kiện đóng mới tàu cá giữa các cấp chính quyền và các ngân hàng thương mại còn độ vênh. Hoạt động thương thảo, thỏa thuận hợp đồng vay vốn giữa chủ tàu và ngân hàng thương mại còn nhiều trở ngại do chưa thống nhất về cách tính toán đánh giá phương án vay vốn, giá trị đầu tư dự án nên sau khi được UBND tỉnh phê duyệt vào danh sách chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nhiều chủ tàu và các ngân hàng thương mại vẫn không thỏa thuận được để ký hợp đồng tín dụng. Ngoài ra, quy trình đăng ký, phê duyệt vào danh sách chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, quy trình thẩm định, thỏa thuận để đi đến ký hợp đồng tín dụng giữa chủ tàu cá và ngân hàng còn phức tạp.
Nhiều đại biểu tham gia hội thảo cũng cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các Ngân hàng thương mại liên quan tiếp tục triển khai vay vốn đóng mới tàu cá, đẩy nhanh việc thực hiện ký hợp đồng tín dụng với các chủ tàu đã được duyệt danh sách đủ điều kiện đóng mới theo Nghị định 67.
Đề xuất chính phủ tháo gỡ khó khăn
Theo ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sau 3 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu. Đến ngày 31-7-2017 đã có 761 tàu cá đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất. Hiện tổng số tiền mà các ngân hàng cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng.
Ông Môn cho rằng, các con số trên cho thấy Nghị định 67 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững. "Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá, công tác đào tạo nhân lực... Những vướng mắc này cần phải được tháo gỡ kịp thời để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển" như Nghị quyết Trung ương 4, khóa X Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", ông Lại Xuân Môn đánh giá và cho biết ý kiến của các đại biểu và tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân, cùng nhau tìm ra các giải pháp, đồng thời đề xuất các kiến nghị với Đảng, Nhà nước để tháo gỡ các khó khăn, bất cập.
Công Khanh