Góc chợ đời người (2)

Thứ hai, 06/04/2015 11:01

* Bài 2:  Xe thồ chợ Cồn

(Cadn.com.vn) - Ở bãi tập trung xe ôm trước lối vào chợ Cồn bên đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng, bao nhiêu năm rồi không nhớ nữa, luôn có những “bác tài” xe ôm nhẫn nại chờ khách.

Người muôn năm cũ

Theo các anh xe ôm ở chợ Cồn, ông Thế, ông Minh và ông Hai là những người làm nghề đi xe đạp thồ lâu năm nhất, nay đều độ tuổi trên bảy mươi.  Dạo gần đây, chỉ có ông Hai (70 tuổi) là đến chợ thường xuyên. Ông Minh (79 tuổi) thỉnh thoảng mới tới, chở thức ăn về nhà cho bà con tiểu thương khi họ yêu cầu. Còn ông Thế (85 tuổi), sau khi về quê lo đám tang cho vợ thì chưa thấy đi làm trở lại. Kể về cuộc mưu sinh của những người “đồng nghiệp” lớn tuổi, anh Nguyễn Ngọc Năm, lái xe ôm ở chợ Cồn cười buồn: “Các bác lớn tuổi rồi, làm để kiếm thêm chút tiền.

Bây giờ khách ít ai đi xe đạp lắm. Xe taxi bây giờ đầy đường, giá không đắt nên nhiều người chọn đi cho khỏe, nên cánh xe ôm chúng tôi cũng gặp khó khăn... Các bác chỉ có chở hàng hóa nhẹ, thức ăn cho những mối quen của bà con tiểu thương”. Tìm gặp ông Hai xe đạp thồ chợ Cồn rất dễ bởi sáng nào ông cũng có mặt ở chợ, trừ khi nhà có việc như đám giỗ hoặc lúc đau ốm, mà ông cũng họa hoằn lắm mới đau. Ông cười móm mém: “Làm nghề này ngó rứa mà rèn luyện sức khỏe lắm, bữa nào ở nhà là đau nhức xương khớp liền...”. Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Hai, sinh năm 1945, thời trẻ, làm bốc vác ở cảng Đà Nẵng.

Những năm sau giải phóng, cuộc sống khó khăn, nuôi 6 đứa con, thiếu lên hụt xuống nên chuyển nghề. Mẹ già thương con trai nặng gánh gia đình, có chút tiền để dành, bà đưa hết cho ông mua chiếc xe đạp làm phương tiện kiếm sống. Đó là năm 1981, và chiếc xe đạp ấy đã theo ông suốt hơn ba mươi năm nay. Ông kể, hồi đó chợ Cồn còn đơn sơ lắm, người đi xe đạp thồ như ông cũng ít, người dân chưa có phương tiện đi lại nhiều. Mỗi ngày ông kiếm được 10 nghìn đồng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Cuộc sống cứ thế trôi qua. Sau này, xe máy bắt đầu phổ biến thì ông không có điều kiện mua xe. Tới khi giá xe máy rẻ thì mắt ông lại bắt đầu mờ yếu, chạy xe máy ôm không an toàn. Cuộc đời ông vì vậy mà gắn liền với chiếc xe đạp thồ cũ kỹ này suốt.

Có lẽ, chợ Cồn là chợ duy nhất ở Đà Nẵng mà người ta còn có thể nhìn thấy hình ảnh của những chiếc xe đạp thồ. Ông Hai bảo đó là vì những người đi xe đạp thồ như ông có mối quan hệ gắn bó lâu năm với bà con tiểu thương nên thuộc từng ngõ nhỏ hẻm nhỏ của những khách hàng quen ở chợ. Vì vậy, việc giao hàng tận nhà rồi nhận tiền mang về, đều đặn mấy chục năm nay, một số tiểu thương đều kêu ông Hai làm.

Ông Hai với chiếc xe đạp thồ đã gắn bó 30 năm nay.

Chịu khó mới có ăn...

Cách đây khoảng 15 năm, khi nghề xe đạp thồ tưởng như đã mất hẳn, chỉ còn vài người bám trụ thì ông Hai may mắn có thêm được việc để làm hàng ngày. Đó là việc được giao coi ngó một quầy hàng trái cây ở chợ Cồn, sắp xếp hoa quả và giao hàng khi chủ quầy có khách đặt mang tận nhà. Tính ông hiền lành, trung thực, cẩn thận nên được bà con tiểu thương ở đây quý mến, tin tưởng. Hàng ngày, ông có mặt ở chợ Cồn  lúc 5 giờ để tiếp nhận hàng chuyển đến. Rồi ông tranh thủ lau chùi, dọn dẹp mặt sàn chợ cho những người bán hàng xung quanh, vì vậy thỉnh thoảng mọi người lại đưa thêm ông ít tiền.

Anh Lê Công Chiến, chủ quầy trái cây Mỹ Duyên, cho biết: “Thấy chú thật thà, cẩn thận nên vợ chồng tôi nhờ chú coi ngó, phụ giúp cũng được mười mấy năm rồi. Mỗi lần ngày rằm, khách mua nhiều trái cây, đồ cúng nhưng bận đi làm nên thường kêu chở tới tận nhà. Chú Hai chỉ có thể chở được ở trung tâm thành phố hoặc quận Thanh Khê, mỗi chuyến khách trả 20 nghìn đồng”. Tuy lớn tuổi, không nhanh nhẹn nhưng nhờ chịu khó nên ông Hai cũng có thêm chút thu nhập. Ông nói: “Khách họ bận bịu nên nhờ mình,  chịu khó thì có ăn cháu ạ, lần sau họ mới nhớ kêu tới mình”.

Ông Hai phụ dọn quầy trái cây để kiếm thêm thu nhập.

Ân tình nơi góc chợ

Ông Nguyễn Hai tâm sự, nhà đông con, bây giờ mỗi đứa có cuộc sống riêng nhưng còn vất vả lắm nên ông vẫn phải cố trụ lấy nghề xe ôm. Ông bảo, cũng nhờ sự đùm bọc của bà con tiểu thương mà có được khoản tiền để lo cho cuộc sống tuổi già. Năm 2008, một người bạn cũ của ông đi làm ăn xa, về Đà Nẵng, tới chợ Cồn, thấy ông vẫn lặng lẽ với chiếc xe đạp thồ, đã ôm ông mà khóc. Sau đó, người này gửi tặng ông số tiền mua một chiếc xe máy. Ông cũng mua xe máy nhưng lại cho lại người con trai để anh có phương tiện làm ăn, còn mình thì vẫn cọc cạch với chiếc xe đạp cũ kỹ. Nhiều người hỏi, xe đạp rẻ sao ông không mua xe mới, ông cười bảo, phần thì tiếc tiền, phần là do đây là kỷ niệm của mẹ cho, mà nó  vẫn còn đi tốt, khi nào hư thì sơn sửa lại là ổn rồi.

Khi chúng tôi đang tìm kiếm những người đạp xe thồ khác để có thể kể câu chuyện đầy đặn cho bài viết này, thì một cô gái trẻ ghé tới góc chợ để hỏi thăm về ông Thế -người lớn tuổi nhất trong những người đi xe đạp thồ ở đây. Khi được biết vài tháng nay, ông không ra chợ, cô có vẻ buồn. Những anh xe ôm ở đây cho hay, lâu nay, thỉnh thoảng cô vẫn tặng ông vài trăm nghìn, vì thương cảnh người già phải đạp xe kiếm sống... Giữa cuộc sống tất bật này, tình người vẫn đong đầy nơi góc chợ. Khi những người lớn tuổi với chiếc xe đạp thồ của những thập kỷ trước, vẫn còn thấy mình có ích. Khi ai đó dừng lại nơi phố chợ ồn ào, trao chút lòng mình, để người cho và người nhận đều thấy cuộc đời này ấm áp, ý nghĩa hơn.

Phóng sự: Hải Quỳnh
(còn nữa)