Góc khuất blouse trắng

Thứ sáu, 05/08/2016 09:57

* Bài 1: Ở nơi chào đón mầm sống

(Cadn.com.vn) - Nghề y là một nghề cao quý nhưng người thầy thuốc luôn đối mặt với áp lực thường ngày, bởi sức khỏe, tính mạng của người bệnh luôn gửi gắm vào họ.  Đằng sau tấm áo blouse trắng cũng lắm nỗi niềm. Một cuộc điện thoại không đúng lúc, một lời nói vô tình hay một quy trình chậm trễ vài giây với bất cứ lý do gì, người bác sĩ có thể lập tức trở thành tâm điểm và hứng chịu búa rìu dư luận mà không phải ai cũng thấu hiểu để chia sẻ.

Mỗi đứa trẻ chào đời khỏe mạnh luôn đem đến cho người thân những nụ cười, hạnh phúc. Những người đón chúng đến với thế giới này, ngoài người mẹ mang nặng đẻ đau là đội ngũ y, bác sĩ làm công việc hộ sinh. Tiếp sức "vượt cạn", nhiều lúc bản thân họ không chỉ hứng chịu những "cơn tam bành" của sản phụ trong thời khắc vật vã với cơn đau mà nhiều khi còn đối mặt với những hiểm nguy khó nói.

Y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng chào đón một em bé chào đời. Ảnh: Lê Hùng

Nhận thiệt thòi về mình

Trước tiền sảnh khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, hai phụ nữ hớt hơ hớt hải dìu một sản phụ đang chuyển dạ. Theo sau là một thanh niên tay xách nách mang lỉnh kỉnh, nhìn là biết đó là anh chồng đi theo để xoay xở mọi chuyện. Sau khi vợ được đưa vào phòng chờ, anh chồng cứ sốt ruột nhìn lên lịch trực bác sĩ rồi hỏi dò, rồi bàn tính gì đó với người nhà. Thấy bác sĩ từ phòng chờ đi ra, anh vội chạy theo trình bày. Hiểu chuyện, vị bác sĩ đứng lại ôn tồn giải thích: "Khi đã đến đây, anh không cần làm gì hết ngoài chuyện làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hãy chuẩn bị đồ đạc cần thiết để đón chị và cháu nhé". Nói xong, bác sĩ nhỏ nhẹ chỉ cho anh cái bảng đóng sẵn trên tường "Bệnh nhân và người nhà không phải nộp thêm khoản tiền nào ngoài viện phí". Người chồng trẻ dạ rối rít rồi chạy ra hành lang ngồi hóng vào. Non giờ sau, vợ con anh được đưa ra về phòng sau sinh. Anh chàng hớn hở vừa chạy theo vừa gọi điện về nhà báo tin: "Thằng cu con ngon lành. Ở nhà toàn xử bậy, không tốn đồng bạc"!...

Nghe chúng tôi kể lại chuyện này, nữ hộ sinh Huỳnh Thị Kim Dung, cười hiền: "Vậy đó, chứ một thời y, bác sĩ khoa Sản thường hay bị gắn với những câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp. Dung bảo, Bệnh viện Phụ sản - Nhi là bệnh viện tuyến cuối của thành phố nên sản phụ vào đây rất nhiều thành phần, vì thế áp lực cũng rất lớn. Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 45 ca nhập khoa, mỗi ca trực có 2 người nhận bệnh, 2 người trực sinh, 2 người trực phòng mổ. Vừa làm công tác chuyên môn vừa làm các thủ tục hành chính nên các chế độ sinh hoạt như ăn, ngủ gần như không tuân theo quy tắc nào. Hơn 10 năm làm nghề hộ sinh, Dung từng chứng kiến nhiều cảnh chị em phụ nữ chuyển dạ đau đớn, lúc đó vừa tìm cách dỗ dành, động viên sản phụ, sao cho việc sinh nở thuận lợi nhất, mẹ tròn con vuông. Các y, bác sĩ khoa sản còn phải đối mặt với nhiều tình huống dở khóc dở cười do người nhà gây ra. Nhiều anh chồng đưa vợ đi đẻ mà mùi rượu nồng nặc. Có người chờ lâu quá ra ngoài uống cà-phê, đi nhậu, gọi điện mãi không được. Thế là bác sĩ lại phải phân công, người thì đưa mẹ con về phòng sau sinh, người tất tả đi làm giấy tờ thủ tục. Chị Tùng - điều dưỡng trưởng khu Khám bệnh, gắn bó với nghề hộ sinh hơn 20 năm, kể: "Có lần chúng tôi đưa sản phụ và em bé về phòng rồi thì anh chồng mới tới trong tình trạng say khướt. Giận vì không được đón con, anh ta lấy cùi bắp ném tới tấp vào bác sĩ. Chúng tôi là phụ nữ, chỉ biết đứng chịu đòn chứ chẳng dám làm chi".

Đối mặt hiểm nguy, sống trong lo lắng

Nữ hộ sinh Huỳnh Thị Kim Dung kể về những ca sinh mà người mẹ bị nhiễm HIV hoặc viêm gan. Tất cả mọi người đến đây đều được đối xử như nhau, nhưng đội ngũ y, bác sĩ vẫn không quên được cảm giác mà sau khi xong việc mới biết được sản phụ có "H". Có nhiều ca đỡ đẻ, máu và nước ối sản phụ bắn tung tóe lên người, lên mặt y bác sĩ. Nhưng lúc đó, không có ai bỏ bệnh nhân để đi vệ sinh cá nhân cả. Trách nhiệm buộc họ phải tiếp tục. Từng có không ít trường hợp như vậy, khi test nhanh mẫu máu của bệnh nhân thấy nghi nhiễm HIV ai cũng hồn vía lên mây. Đến khi xét nghiệm cho kết quả dương tính, họ sống trong lo âu, sợ hãi, dù đã thực hiện các biện pháp tránh lây nhiễm. "Có thời điểm hàng tháng trời chờ kết quả xét nghiệm cho mình, chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên, đêm thì chập chờn lo sợ, ngày thì làm việc như người mất hồn. Không dám nói cho ai biết cả, chị em nhìn nhau gượng cười chờ mỗi chữ "âm tính" mà thấy thời gian dài lê thê, lo đến phát khóc. Đến khi "âm tính" thật thì mừng không tả nổi, trút bỏ được gánh nặng, khi đó mới dám kể cho mọi người", chị Dung trải lòng.

Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh tâm sự rằng, chẳng ai có tâm lý kỳ thị gì đối với một sản phụ có "H" hay viêm gan, vì người ta có ai muốn thế. Nhưng giá như khi vào phòng sinh, là chị em với nhau, người ta nói cho nhau biết để mà sử dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm thì đỡ đi nỗi lo. Đằng này, có người không chủ động nói, có người được hỏi cũng nói dối, rằng những vết ung nhọt trên người là do ăn phải cá ngừ, trong khi đó là biểu hiện đã chuyển qua giai đoạn AIDS...

Hỏi chuyện 4 chị em hộ sinh, điều dưỡng đang xì xụp ăn vội cơm hộp để thay nhau trực và nhận bệnh, ai cũng lắc đầu bảo, chuyện vui buồn thì nhiều nhưng chẳng biết kể như răng, để chị Dung nói luôn đi. "Nói thì đao to búa lớn, nhưng trong mọi trường hợp, mình chịu thiệt trước cũng được, để lo cho người ta. Chỉ sợ họ không nói những điều họ nghĩ cho mình biết, chứ giải tỏa được rồi rồi thì sẽ hiểu, liên quan đến con người, chẳng thể bỏ những quy trình cần thiết. Hiểu rồi có người khóc, rồi xin lỗi. Chúng tôi nhận cả những thiệt thòi, bức xúc, những lời cay nghiệt và cả lời xin lỗi, để công việc được tốt hơn"-Dung tâm sự.

Công Khanh
(còn nữa)